Quay lại

Nền kinh tế lớn nhất châu Phi chao đảo vì lạm phát và đồng tiền lao dốc

Cùng với đó, tâm lý bất mãn về kinh tế của người dân đã dẫn tới các cuộc biểu tình trên toàn quốc.

Đầu tuần này, tỷ giá đồng naira Nigeria so với đồng USD rớt xuống mức thấp kỷ lục trên cả thị trường chính thức và thị trường tự do, còn khoảng 1.600 naira đổi 1 USD trên thị trường chính thức từ mức khoảng 900 naira/USD ở thời điểm đầu năm. Ngày thứ Ba, Tổng thống Bola Tinubu của Nigeria tuyên bố Chính phủ liên bang có kế hoạch huy động ít nhất 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối và ổn định tỷ giá đồng nội tệ.

Đồng naira đã rớt giá khoảng 70% kể từ tháng 5/2023 - thời điểm mà ông Tinubu lên cầm quyền, tiếp nhận một nền kinh tế chật vật và đưa ra lời hứa tiến hành cải cách nhiều cải cách để vực dậy tăng trưởng.

Trong nỗ lực đảo ngược sự trượt dốc của nền kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ông Tinubu đã hợp nhất các tỷ giá khác nhau và cho phép các lực lượng thị trường quyết định tỷ giá hối đoái, dẫn tới tỷ giá đồng naira giảm mạnh. Tháng 1 năm nay, cơ quan điều tiết thị trường Nigeria còn thay đổi cách tính tỷ giá đóng cửa, dẫn tới một đợt phá giá đồng tiền nữa.

Khoảng thời gian kiểm soát tỷ giá kéo dài còn dẫn tới nhu cầu bị dồn nén rất lớn đối với đồng USD, đúng vào lúc dòng vốn đầu tư nước ngoài và kim ngạch từ xuất khẩu dầu thô của Nigeria cùng giảm.

“Đồng tiền mất giá sẽ làm gia tăng lạm phát nhập khẩu, khiến áp lực giá cả đối với Nigeria càng trầm trọng hơn’, nhà kinh tế cấp cao Pieter Scribante của công ty nghiên cứu Oxford Economics nhận định trong một báo cáo.

Nigeria là nền kinh tế lớn nhất châu Phi và có dân số hơn 210 triệu người. Tuy nhiên, nước này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của dân số đang tăng trưởng với tốc độ nhanh.

“Thu nhập khả dụng giảm và áp lực chi phí sinh hoạt gia tăng sẽ tiếp tục là những mối lo chính trong năm 2024, tiếp tục khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu và cản trở tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân”, ông Scribante nói thêm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nigeria tăng 29,9% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1996. Mức lạm phát cao ngất ngưởng này chủ yếu do giá thực phẩm tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước.

Khủng hoảng chi phí sinh hoạt và khó khăn kinh tế là nguyên nhân phía sau các cuộc biểu tình trên khắp Nigeria vào cuối tuần vừa rồi. Đồng tiền mất giá làm trầm trọng thêm ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp cải cách của Chính phủ như xoá bỏ trợ cấp giá xăng dầu - động thái khiến giá xăng ở Nigeria tăng gấp 3.

Cuối tháng 7 năm ngoái, Tổng thống Tinubu nói Chính phủ đã tiếp kiệm được hơn 1 nghìn tỷ naira, tương đương hơn 666 triệu USD, nhờ xoá bỏ trợ cấp giá xăng dầu và dùng số tiền này cho đầu tư hạ tầng.

Bên cạnh lạm phát tăng vọt và đồng tiền rơi tự do, Nigeria còn đang xoay sở với mức nợ chính phủ cao kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp cao, thiếu điện và sản lượng khai thác dầu - mặt hàng xuất khẩu chủ lực - giảm sút. Đi kèm với sức ép kinh tế này là tình trạng bạo lực và mất an ninh ở nhiều khu vực nông thôn.

“Lượng tiền mặt quá lớn trong lưu thông, áp lực tỷ giá, và tình trạng khan hiếm thực phẩm và xăng dầu đang đe doạ ổn định giá cả. Các rủi ro lạm phát đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Chính phủ”, ông Scribante nhận định. “Nhu cầu nhập khẩu lớn có thể buộc Ngân hàng Trung ương Nigeria (CBN) phải tái áp các biện pháp cấm nhập khẩu và hạn chế về tỷ giá để giảm bớt gánh nặng đối với cán cân thanh toán. Điều này có thể làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt hàng hoá trong nước và khiến lạm phát tăng cao hơn nữa”.

Theo dự báo của Oxford Economics, lạm phát ở Nigeria có thể đạt đỉnh ở mức gần 33% trong quý 2 năm nay và có thể duy trì ở mức cao trong thời gian kéo dài, xét tới nhiều rủi ro kinh tế ở phía trước. “Ngoài ra, lạm phát tăng và sự cứng rắn gia tăng của ngân hàng trung ương cho thấy lãi suất chính sách có thể tăng trong quý này”, ông Scribante nhận định. Hiện tại, lãi suất cơ bản của Nigeria đang ở mức 18,75%.

“Chúng tôi dự báo lãi suất sẽ tăng tổng cộng 200 điểm phần trăm trong 2 cuộc họp chính sách tiền tệ tới, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 2 và cuối tháng 3. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng lãi suất cần phải tăng thêm nữa để ngăn sự leo thang của lạm phát”, vị chuyên gia nói.

Nhà kinh tế Jason Tuvey của công ty nghiên cứu Capital Economics dự báo CBN sẽ tăng lãi suất mạnh trong cuộc họp vào ngày 26-27/2. “Cuộc họp này sẽ là một bài kiểm tra quan trọng xem liệu sự dịch chuyển chính sách dưới thời Tổng thống Tinubu có thực sự được đẩy mạnh hay không”, ông Tuvey viết trong một báo cáo. “Chúng tôi cho rằng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ tìm cách phục hồi uy tín về chống lạm phát bằng cách nâng lãi suất thêm 4 điểm phần trăm”, lên mức 22,75%”.

Nguồn: TBKTVN