Ngân hàng Nhà nước tìm cách giảm lãi suất cho vay

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 5, lãi suất cho vay VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,5-11,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,5%/năm.

Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm các loại lãi suất điều hành. Tuy lãi suất huy động đang giảm nhanh nhưng lãi suất cho vay vẫn neo cao.

NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CẦN GIẢM NHANH LÃI VAY
Tại họp báo tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 của ngành ngân hàng, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên VnEconomy xoay quanh nguyên nhân mặt bằng lãi suất cho vay vẫn cao, các giải pháp giảm lãi vay và đưa tín dụng chảy vào các lĩnh vực sản xuất thực, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Trên thực tế do giá vốn các ngân hàng huy động cao hồi cuối năm ngoái, đầu năm nay vẫn còn tồn kho nên lãi suất cho vay khó giảm.

“Đúng là trước đây các ngân hàng phải huy động vốn với lãi suất rất cao, đến nay vẫn đang phải trả lãi cho các khoản tiền gửi đó, thậm chí cả năm mới hết kỳ trả lãi. Lúc đó huy động có khi 9-11%/năm, thì phải cho vay chênh lệch, ở mức khoảng 13-14%/năm. Về mặt pháp lý thì không sai. Nhưng, đang lúc kinh tế khó khăn, các ngân hàng nên chia sẻ bằng cách lấy khoản này bù cho khoản khác để có được mặt bằng lãi suất hợp lý”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói. 

Ông Đào Minh Tú cho biết  đến giữa tháng 6/2023, đã có 17 ngân hàng thương mại tiến hành cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng…với tổng số dư nợ được cơ cấu lại khoảng 150 nghìn tỷ đồng...

Theo Phó Thống đốc, điều hành chính sách tiền tệ có quy luật, có độ trễ chứ không thể vừa ra quyết định mà thị trường điều chỉnh ngay được. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, ngành ngân hàng cần sự đồng thuận để rút ngắn độ trễ.

“Ngoài ra, quy mô của các ngân hàng, thương hiệu của ngân hàng ảnh hưởng rõ rệt đến lãi suất. Trong nền kinh tế thị trường thì khó có sự cào bằng lãi suất giữa mọi ngân hàng nhưng làm sao đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất huy động/cho vay trong giới hạn của sự an toàn, giới hạn của nền kinh tế cho phép…”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước kêu gọi tinh thần trách nhiệm của các ngân hàng thương mại với đất nước, trách nhiệm với khách hàng, với doanh nghiệp..Chia sẻ khó khăn bằng cách chấp nhận giảm lợi nhuận; cắt giảm chi phí hành chính, chi phí hoạt động để tạo điều kiện giảm lãi suất.

Về phía nhà điều hành, bên cạnh các quyết định về chính sách, điều hành thị trường mở linh hoạt, đảm bảo thị trường liên ngân hàng thông suốt….Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian tới sẽ có những đoàn công tác đi rà soát, nắm bắt tình hình thủ tục, điều kiện cho vay của các ngân hàng thương mại để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn.

“Ngân hàng thương mại có thẩm quyền ban hành quy định nội bộ trong thẩm định tín dụng, cho vay nhưng chúng tôi sẽ rà soát xem những quy định gì cần thiết đảm bảo an toàn tín dụng thì phải giữ còn các quy định cồng kềnh, phi lý, tạo gánh nặng cho người vay thì bỏ. Tuy nhiên, những quy định mà ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, ngăn chặn nợ xấu thì không bỏ được. Tiền là tiền gửi của dân. Cho vay thì phải thu nợ được. Muốn thu được phải có điều kiện chặt chẽ…”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ triển khai rà soát các loại phí của ngân hàng: “Có thể nhiều loại phí không sai quy định phát luật nhưng trong lúc khó khăn này cũng cần cắt, giảm để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Tú cho biết.

KIỂM SOÁT CHẶT TÍN DỤNG VÀO LĨNH VỰC RỦI RO
Trong bối cảnh rủi ro chung của nền kinh tế gia tăng như hiện nay, nhiều ý kiến lo ngại “tiền rẻ” sẽ chạy vào các lĩnh vực rủi ro.

Những bài học của giai đoạn 2009-2010 và gần nhất là 2020-2021 vẫn còn nóng hổi. Khi lãi suất giảm thì tiền chảy vào các kênh tài sản, tạo ra bong bóng, khuếch đại giá tài sản. Giai đoạn COVID-19 kinh tế tăng trưởng thấp, phong toả, giãn cách nhưng nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán vẫn báo lãi lớn nhờ đầu tư chứng khoán.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết đây là vấn đề cần sự tham gia của nhiều ngành, chỉ riêng ngành ngân hàng không giải quyết được: “Với ngành ngân hàng thì chúng tôi kiểm soát chặt rủi ro vào những lĩnh vực gây rủi ro lớn như bất động sản, chứng khoán. Chúng tôi chỉ kiểm soát rủi ro tín dụng chảy vào lĩnh vực đó chứ không thể kiểm soát được hoạt động của các lĩnh vực đó”.

Ngoài ra, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ.

Chẳng hạn, nông nghiệp luôn là lĩnh vực chủ chốt, tạo ra giá trị sản phẩm cho đất nước nên cần sự ưu đãi và cơ chế, chính sách.

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp nông/lâm, thuỷ sản đang cần trợ lực để giữ vững được thị trường, thị phần;  không thể để cho doanh nghiệp không đủ vốn sản xuất và bị phá sản. Do đó, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản.

"Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cho vay ưu đãi và không hạn chế "room" tín dụng cho hai lĩnh vực này. Nếu như nhu cầu của 2 lĩnh vực này là phù hợp và đáp ứng được các điều kiện tín dụng thì không chỉ 10.000 tỷ đồng, mà có thể trên 10.000 tỷ đồng bởi dư nợ hiện nay đối với 2 lĩnh vực này lớn hơn 10.000 tỷ đồng rất nhiều", Phó Thống đốc nói.

Ngoài ra, ông Tú cũng cho biết sẽ giao Vụ Tín dụng các ngành kinh tế làm việc với Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam để nắm bắt tình hình cho vay; giãn/hoãn nợ cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản.

Song, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh việc hỗ trợ cho 2 lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản cần sự vào cuộc của nhiều ngành. Bởi vì ngoài vốn còn rất nhiều vấn đề cấp thiết khác như: phải có thị trường tiêu thụ, bao gồm cả thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước; hay vấn đề tăng thêm khả năng dự trữ và tạm trữ vì dp sản phẩm có tính mùa vụ. Các doanh nghiệp phải tham gia chuỗi giá trị, tạo sự ra hỗ trợ lẫn nhau.

Nguồn: TBKTVN