Quay lại

Nghịch lý tài chính cản trở nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu

Hội nghị thường niên của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại thủ đô Dubai của UAE năm ngoái (COP28) thảo luận xoay quanh các vấn đề phức tạp và gay gắt về tiền bạc.

Các câu hỏi nan giải được đặt ra như: Cần bao nhiêu vốn để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và ứng phó với thời tiết khắc nghiệt? Nguồn đầu tư đó sẽ đến từ đâu? Và quan trọng hơn, các bên cho vay sẽ tính lãi suất như thế nào?

Trả lời cho những câu hỏi này sẽ giúp xác định "số phận" của Trái Đất.

KHÓ KHĂN TÌM NGUỒN TÀI TRỢ DỰ ÁN “SẠCH”

Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 1,2 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp. Nếu không nhanh chóng chuyển hướng khỏi nhiên liệu hóa thạch, các nhà khoa học cảnh báo rằng tình trạng nóng lên sẽ phá hủy thảm khốc các thành phố ven biển, tàn phá đất nông nghiệp và đe dọa hàng triệu sinh mạng.

Tuy nhiên, có một nghịch lý kinh tế khó khăn đang cản trở những nỗ lực tạo ra một thế giới xanh và bền vững hơn: Đó là trong khi tương đối dễ dàng để tìm nguồn tài trợ cho các dự án “bẩn”, nhưng lại vô cùng khó khăn để tài trợ cho các dự án “sạch”, theo nhận định của The New York Times.

Nghịch lý này đang định hình các dự án trên toàn cầu. Tại Mỹ, lãi suất tăng đang khiến các công ty lớn hủy bỏ các kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo khổng lồ.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở các nước đang phát triển, đặc biệt ở Châu Phi. Các tổ chức tài chính và ngân hàng phát triển thường coi các khoản đầu tư vào các quốc gia này là quá rủi ro. Điều này khiến các bên cho vay trở nên bảo thủ và cẩn trọng hơn.

"Thế giới đang đánh cược vào việc xanh hóa lục địa Châu Phi", Jacqueline Novogratz, người sáng lập Quỹ đầu tư Acumencho biết. "Tuy nhiên, nguồn vốn sử dụng thường bị định giá quá cao, rủi ro và quá ngắn hạn".

Nếu được lựa chọn giữa một nhà máy điện than mới và một trang trại gió mới có công suất tương đương thì hầu hết các quốc gia sẽ chọn trang trại gió. Về lâu dài, việc không có chi phí nhiên liệu khiến các dự án năng lượng tái tạo buộc phải tiết kiệm để duy trì, hoặc là “chết yểu”.

Những nỗ lực nhằm tạo ra các lựa chọn tài chính tốt hơn cho các quốc gia đang phát triển đã và đang được thúc đẩy. Ngân hàng Thế giới (WB) đang chịu áp lực phải cho vay nhiều tiền hơn cho các dự án khí hậu với lãi suất cạnh tranh hơn. Các ngân hàng buộc phải chấp nhận nhiều rủi ro hơn khi đưa ra những khoản vay, tuy nhiên, cho đến nay, những cải cách đó đang diễn ra chậm chạp.

Thực tế là chỉ khi tiền xuất hiện thì quá trình chuyển đổi năng lượng có thể diễn ra với tốc độ đáng kinh ngạc.

Một nhà máy điện chạy bằng than nâu ở Bergheim (Đức). Nguồn ảnh: Sascha Steinbach/EPA-EFE/REX.

Một nhà máy điện chạy bằng than nâu ở Bergheim (Đức). Nguồn ảnh: Sascha Steinbach/EPA-EFE/REX.

Tại Mỹ, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) đã làm bùng nổ ngành sản xuất năng lượng gió, năng lượng mặt trời, pin và xe điện trong năm 2023. Đạo luật đã định hình lại nền kinh tế Mỹ và cho phép một trong những quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới tuyên bố rằng họ thực sự đang đi trên con đường giảm phát thải.

“Quá trình chuyển đổi này đang diễn ra”, Peter Gardett, giám đốc điều hành về khí hậu và công nghệ sạch tại S&P Global cho biết. “Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là tốc độ và quy mô của khoản đầu tư”.

 NGÂN HÀNG CẦN "CHỊU THIỆT" ĐỂ "GIẢM NHIỆT" TRÁI ĐẤT

Các cuộc đàm phán chính thức tại COP28 tập trung vào các cam kết mới nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu. Tuy nhiên, bất kỳ triển vọng nào để đạt được các mục tiêu đó đều phụ thuộc vào việc các nhà lãnh đạo thế giới và giám đốc điều hành doanh nghiệp có huy động được hàng nghìn tỷ đô la cần thiết để tái thiết toàn diện cơ sở hạ tầng năng lượng của thế giới.

Điều đó có thể có nghĩa là các ngân hàng phát triển sẽ phải chịu nhiều rủi ro hơn, các bên cho vay tư nhân chấp nhận lợi nhuận thấp hơn, cần nhiều hơn các quan hệ đối tác công tư mới hoặc nhiều khoản trợ cấp và giảm thuế mạnh hơn. Trên thực tế, nếu không giải quyết được vấn đề tiền bạc thì sẽ không có cơ hội giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Các quốc gia tại COP28 đã cam kết khoảng 550 triệu USD cho một quỹ thiệt hại về khí hậu mới, quỹ này sẽ giúp các quốc gia dễ bị tổn thương do thảm họa khí hậu. Mỹ cam kết đóng góp 17,5 triệu USD vào quỹ này- khoản tiền mà các nhà hoạt động môi trường chỉ trích là quá ít.

550 triệu USD để trang trải các khoản thiệt hại khổng lồ liên quan đến khí hậu là không đáng kể bởi dự kiến ​​biến đổi khí hậu sẽ khiến các nước đang phát triển thiệt hại từ 280 đến 580 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.

Hàng trăm công ty đã chạy đua để công bố cam kết về khí hậu của họ trong vài năm qua, thường bằng cách đặt ra các mục tiêu phát thải ròng bằng 0- dự định loại bỏ khỏi bầu khí quyển lượng carbon tương đương với lượng carbon thải ra.

Theo các chuyên gia, việc đặt ra mục tiêu dễ hơn theo dõi mục tiêu. Mặc dù đã trải qua nhiều năm đàm phán COP, thế giới vẫn chưa thống nhất về một phương pháp kiểm toán tiêu chuẩn để đo lường tiến độ hướng tới việc kiểm soát tình trạng nóng lên toàn cầu.

Các tiêu chí của Liên hợp quốc bao gồm việc tiết lộ lượng khí thải phạm vi 3 và sử dụng các biện pháp bù trừ cho lượng carbon còn lại. Chỉ có khoảng 4% các công ty có mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đáp ứng các tiêu chí tối thiểu này.

Điều này khiến việc yêu cầu các công ty và quốc gia chịu trách nhiệm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trở nên vô cùng phức tạp.

THÁCH THỨC TỪ GIẢI TRÌNH MỨC ĐỘ PHÁT THẢI

John Lang, người đứng đầu dự án Net Zero Tracker tại London (Anh) cho biết dự án của ông sử dụng khoảng 40 chỉ số để đánh giá chiến lược khí hậu của các quốc gia và công ty. Tuy nhiên, các công ty hiếm khi đưa lượng khí thải carbon sử dụng cuối cùng vào các phép tính của họ.

Mức độ cải thiện mức phát thải của những công ty này phụ thuộc vào việc sử dụng các biện pháp bù trừ, như trồng cây, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, sử dụng công nghệ mới, như thu giữ và lưu trữ carbon. Tuy nhiên, các biện pháp bù trừ không thể đo lường tốt. Không có cách rõ ràng nào để biết liệu những dự án này có hiệu quả hay thậm chí chúng có được thực hiện đúng cách hay không.

"Không ai biết liệu 10 công ty có đếm cùng một khu rừng hay không, hoặc liệu khu rừng có bị thiêu rụi trong đám cháy nào đó hay không", giáo sư về toàn cầu hóa và phát triển tại Đại học Oxford (Anh) Ian Goldin cho biết. "Không có quy định hoặc trách nhiệm giải trình nào cả".

Bên cạnh đó, còn quá sớm để trông chờ vào công nghệ thu hồi hoặc lưu trữ carbon (CCS)- công nghệ được kỳ vọng ngăn chặn carbon thoát ra khí quyển ngay từ đầu. Các công ty dầu mỏ đã thúc đẩy việc sử dụng công nghệ này trong tương lai như một cách để duy trì sản lượng nhiên liệu hóa thạch trong khi vẫn tuân thủ các mục tiêu về khí hậu.

Saudi Aramco, công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới, cho biết công nghệ CCS sẽ cho phép công ty tái sử dụng carbon trong quá trình sản xuất hóa chất và sẽ chôn các carbon đã qua sử dụng khác dưới các cánh rừng ngập mặn, đóng vai trò là bể chứa carbon tự nhiên.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ các kỹ thuật đó sẽ hiệu quả như thế nào khi triển khai trên quy mô lớn. “Sáng kiến này thực sự bị phóng đại như một giải pháp khi xét về khối lượng carbon mà Saudi Aramco đang loại bỏ”, Giáo sư Goldin cho biết.

Một “mớ hỗn độn” về các quy định và tiêu chuẩn toàn cầu đã khiến việc theo dõi tiến độ cắt giảm carbon trở nên khó khăn hơn.

Nội bộ Mỹ vẫn chia rẽ sâu sắc về hành động khí hậu, với 11 tiểu bang thông qua luật trong năm 2023 hạn chế mức độ các quỹ đầu tư sử dụng các chỉ số môi trường trong các quyết định tài chính.

Điều này trái ngược với Liên minh Châu Âu. Từ năm 2025, khối này yêu cầu tất cả các công ty- bao gồm một số tập đoàn lớn của Mỹ đang kinh doanh tại Châu Âu sẽ phải báo cáo tác động môi trường của hoạt động kinh doanh của họ.

Nguồn: Báo Đầu tư