Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vốn vào Việt Nam

Trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh Bình Dương diễn ra cuối tháng 4/2023, bà Priyamvada Srivastava, Tổng giám đốc Tập đoàn Procter & Gamble (P&G) Việt Nam, cho biết P&G sẽ tiếp tục đầu tư thêm gần 100 triệu USD để mở rộng dây chuyền sản xuất tại nhà máy Bến Cát. Với khoản đầu tư thêm này, tổng vốn đầu tư của P&G tại Việt Nam sẽ tăng từ 300 triệu USD lên 400 triệu USD, đưa Việt Nam trở thành cứ điểm đầu tư trọng điểm, tập trung sản xuất hiện đại trong chuỗi sản xuất của tập đoàn trên toàn thế giới.

Sau khi đầu tư nhà máy ở Khu công nghiệp Khai Quang, TP. Vĩnh Yên, Tập đoàn Polaris cũng quyết định mở rộng nhà máy thứ hai trong lĩnh vực lắp ráp động cơ xe máy, ôtô, phương tiện giao thông tại Khu công nghiệp Bá Thiện 2, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc với số vốn đầu tư 30 triệu USD. Đáng chú ý, Tập đoàn Polaris nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Hoa Kỳ, với 19 nhà máy sản xuất trên toàn thế giới.

Mới đây nhất, tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư đến từ Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng cam kết sẽ đầu tư mới và mở rộng đầu tư trong năm nay với tổng vốn đầu tư lên tới 3,7 tỷ USD. Đặc biệt, các lĩnh vực mà các nhà đầu tư này chuẩn bị “rót vốn” đều là những lĩnh vực Việt Nam đang đặt trọng tâm ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài và dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư như sản xuất xanh, năng lượng tái tạo và sản xuất trong lĩnh vực thiết bị y tế.

NIỀM TIN TĂNG TRỞ LẠI
Những cam kết trên, theo đánh giá của các chuyên gia, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt kỳ vọng cao vào thị trường Việt Nam. Báo cáo về môi trường đầu tư kinh doanh của EuroCham từ cuối năm ngoái đã nhận định nhiều khó khăn sẽ xuất hiện kể từ đầu năm 2023.

Tuy nhiên, những nỗ lực thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp FDI cũng như cải thiện môi trường đầu tư, phản ứng chính sách của Chính phủ vẫn đang giữ được niềm tin của nhà đầu tư quốc tế. Theo ông Torben Minko, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, niềm tin các nhà đầu tư châu Âu đã tăng trở lại nhờ việc Việt Nam kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và nỗ lực điều hành chính sách tiền tệ và tài khoá của Chính phủ.

Khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2022 được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố giữa tháng 2/2023 cũng cho thấy những đánh giá tích cực của nhà đầu tư nước này về triển vọng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Khoảng 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Tỷ lệ này đứng đầu ASEAN và xét theo khu vực chỉ đứng sau Ấn Độ, Bangladesh.  “Các doanh nghiệp Nhật Bản dự tính mở rộng kinh doanh từ kỳ vọng vào khả năng tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu và tiềm năng tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam”, báo cáo cho biết.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 (PCI 2022) vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố cũng cho thấy các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đánh giá môi trường kinh doanh Việt Nam có sự cải thiện tích cực hơn, các gánh nặng về thực thi quy định đã giảm đáng kể so với trước đó.

Trong số doanh nghiệp phản hồi điều tra PCI 2022, số doanh nghiệp dành hơn 5% thời gian của cấp quản lý để thực hiện các thủ tục hành chính giảm mạnh từ 60,6% của năm 2021 xuống còn 49,3% năm 2022. Bên cạnh đó, việc chi trả chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm; năm 2022 chỉ có 17,4% doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra, giảm đáng kể so với 25,4% năm 2021.

THU HÚT VỐN FDI TÍCH CỰC HƠN
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng tăng trưởng tiếp tục là những nhân tố thúc đẩy nhà đầu tư “rót vốn” vào Việt Nam. Vì vậy, sau 3 tháng đầu năm giảm mạnh, thu hút FDI 4 tháng đã có sự cải thiện.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vốn vào Việt Nam - Ảnh 1

Số liệu thống kê đến 20/4/2023 cho thấy tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,88 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ. Dù thu hút vốn FDI vẫn giảm so với cùng kỳ, song mức giảm này đã cải thiện hơn so với 3 tháng (38,8%). Đáng chú ý, ngoài vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục giảm, vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần đã tăng trở lại.

Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm có: 750 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tăng 65,2% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỷ USD (tăng 11,1% so với cùng kỳ); 386 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 19,5% so với cùng kỳ) với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 1,66 tỷ USD (giảm 68,6% so với cùng kỳ nhưng tăng 1,7 điểm phần trăm so với 3 tháng đầu tháng năm và tăng 16,5 điểm phần trăm so với 2 tháng đầu năm); 1.044 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,1 tỷ USD (tăng 70,4% so với cùng kỳ).

Sở dĩ vốn đầu tư mới tăng trở lại sau khi giảm nhẹ trong 3 tháng đầu năm là do các nhà đầu tư nước ngoài có quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mới; trái ngược với sự cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu...

Nguồn: TBKTVN