Xuất khẩu online: Bình thường mới cho doanh nghiệp Việt

Tại Việt Nam, xuất khẩu online còn mới mẻ vì thương mại điện tử xuyên biên giới có những yêu cầu rất gắt gao. Tuy nhiên, nếu vượt qua các yêu cầu thì tiềm năng của thị trường là rất lớn. Hiện có nhiều sàn thương mại điện tử quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bán hàng xuyên biên giới như Amazon, eBay, Alibaba, Etsy, Shopify… Khi thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, xuất khẩu trực tuyến đang là đích đến của nhiều doanh nghiệp, với đủ loại hình và quy mô.

NHỮNG DOANH NGHIỆP TIÊN PHONG
Có thể nói, thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành trạng thái “bình thường mới” cho doanh nghiệp Việt để phục hồi và tăng tốc trên trường đua thương mại quốc tế. Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, trước đây hoạt động xuất nhập khẩu dường như chỉ dành cho các doanh nghiệp có quy mô lớn và khả năng tiềm lực kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng có thể bình đẳng vươn tới thương mại toàn cầu nếu họ thực sự chủ động.

Theo ông Vũ Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sunhouse, sau khi chính thức tham gia bán hàng trên Amazon từ đầu năm 2022, Sunhouse đã thu được những kết quả kinh doanh bước đầu vượt mong đợi. Riêng tại thị trường Bắc Mỹ, doanh số của Sunhouse tăng trưởng trung bình 160 - 200% mỗi tháng, một số sản phẩm luôn trong tình trạng cháy hàng. “Một doanh nghiệp sẽ mất vài năm để tự mình tìm hiểu một thị trường mới. Tuy nhiên, nếu bắt tay với những nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, con đường ra quốc tế sẽ được rút ngắn đáng kể”, ông Hải nhìn nhận.

Còn theo ông Trần Văn Tươi, Giám đốc điều hành của thương hiệu Rong Nho Trường Thọ, Việt Nam sở hữu đầy đủ những điều kiện lý tưởng để thúc đẩy ngành thủy sản sánh ngang với những đối thủ hàng đầu trên thương trường quốc tế. Ông Tươi dự kiến sẽ mở rộng kinh doanh cùng Amazon lên tới 3 châu lục, không chỉ châu Mỹ mà còn cả châu Âu, châu Á (Singapore và Dubai) và Úc. Trong 5 năm tới, công ty quyết tâm sẽ đưa sản phẩm không chỉ trở thành thương hiệu rong nho hàng đầu thế giới, mà còn là thương hiệu đại diện cho niềm tự hào made-in-Vietnam.

Hiện có nhiều sàn thương mại điện tử quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bán hàng xuyên biên giới.

Hiện có nhiều sàn thương mại điện tử quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bán hàng xuyên biên giới.

“Chào sân” thương mại điện tử xuyên biên giới bằng sản phẩm đan lát trang trí nhà cửa, ChicnChill, một thương hiệu thủ công mỹ nghệ do ông Trần Tuấn Dũng thành lập, đã ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng 700% chỉ sau một năm hợp tác kinh doanh trên Amazon. Để có con số này, ông Dũng đã xây dựng một đội ngũ chuyên nghiệp làm quảng cáo, hình ảnh và nội dung, từ đó giúp doanh nghiệp thu được nguồn ngoại tệ ổn định trong việc xuất khẩu online. Trong những năm tiếp theo, thương hiệu đặt mục tiêu tăng trưởng 200 - 300%/năm và tiến tới mở rộng thị trường sang các nước châu Âu.

Tại Hội nghị “Định hướng chiến lược kinh doanh trên nền tảng số” tổ chức vào tháng 3/2023, Công ty cổ phần Cà phê Mê Trang được chọn là doanh nghiệp chia sẻ câu chuyện tìm kiếm khách hàng xuất khẩu qua Alibaba.com. Ông Dương Khánh Toàn, Giám đốc Phát triển kinh doanh quốc tế, cho biết ngoài việc đầu tư kinh phí để nâng cấp tài khoản bán hàng, có thêm công cụ, tiện ích hỗ trợ việc kinh doanh, có chứng nhận,… doanh nghiệp cũng ưu tiên phát triển nhân sự chuyên nghiệp, sau đó đã hái “quả ngọt” là những đơn hàng lớn. Năm 2023 này, Mê Trang đặt mục tiêu tăng gấp 3 doanh thu xuất khẩu qua Alibaba.com, mở rộng khách hàng tại thị trường châu Âu và Trung Đông.

Trong khi đó, bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ DSW, cũng phấn khởi thông báo: tính tới thời điểm hiện tại, doanh thu xuất khẩu nông sản trên sàn Alibaba.com của công ty đang tăng trưởng 350% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có được là nhờ vào hai thị trường trọng điểm Trung Quốc và Hàn Quốc. Tính riêng thị trường Trung Quốc, hiện doanh thu ước đạt xấp xỉ 2 triệu USD. Với đà tăng trưởng này, bà Phi đặt mục tiêu xuất khẩu cuối năm sẽ đạt 3,5 triệu USD và thâm nhập thị trường EU trong thời gian tới...

Nguồn: TBKTVN