Nhập khẩu của Trung Quốc bất ngờ giảm mạnh nhất 14 tháng

Nhập khẩu ngược chiều dự báo

Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tháng 11/2024 gây bất ngờ với mức giảm 3,9%, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2023, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc công bố hôm nay 10/12. Trước đó, các nhà phân tích dự đoán nhập khẩu của sẽ tăng 0,3%.

Ngược lại, xuất khẩu tháng 11 của Trung Quốc đã tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, theo giá trị tính bằng đô la Mỹ. Tuy nhiên, kết quả này thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 12,7% của tháng trước. Các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters đã ước tính xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 sẽ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù vậy, xuất khẩu tăng chậm lại trong tháng 11 không "đánh dấu sự kết thúc của đợt bùng nổ xuất khẩu gần đây của Trung Quốc", bà Zichun Huang, nhà kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, nhận định. Chuyên gia kinh tế này lý giải rằng dù thuế quan của Mỹ có thể làm giảm khối lượng xuất khẩu khoảng 3%, nhưng "chúng có thể thấm tác động vào giữa năm sau".

Trong ngắn hạn, các mối đe dọa về thuế quan "thậm chí có thể thúc đẩy xuất khẩu khi các công ty Mỹ tăng cường đơn đặt hàng" đối với hàng hóa Trung Quốc, bà Huang phân tích.

Mặt khác, khối lượng nhập khẩu của Trung Quốc cũng có thể phục hồi trong ngắn hạn, khi chi tiêu tài chính tăng tốc thúc đẩy nhu cầu đối với hàng hóa công nghiệp.

Điểm đáng chú ý là tháng 11 chứng kiến xuất khẩu của Trung Quốc sang tất cả các đối tác thương mại lớn, bao gồm: Mỹ, Liên minh châu Âu và ASEAN, đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu sang các nước ASEAN tăng nhiều nhất, tăng gần 15% trong tháng 11, theo phân tích dữ liệu của đài CNBC. Còn nhập khẩu từ ASEAN trong cùng tháng đã giảm 3%.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng 8% so với cùng kỳ năm trước trong khi nhập khẩu giảm hơn 11%. Tương tự, xuất khẩu của Trung Quốc sang Liên minh châu Âu đã tăng 7,2% trong tháng 11, trong khi nhập khẩu giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Lượng xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc trong tháng 11 đã tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái, với 4.416 tấn được xuất đi dùng cho sản xuất nhiều mặt hàng từ xe điện đến đồ điện tử tiêu dùng. Với kết quả này, tổng lượng xuất khẩu đất hiếm trong 11 tháng năm 2024 đã tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trái lại, lượng nhập khẩu đất hiếm của Trung Quốc đã giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 11.327 tấn. Trước đó, Trung Quốc đã công bố chính sách mới vào tháng 7 nhằm tăng cường giám sát ngành công nghiệp đất hiếm trong nước vì lo ngại về an ninh quốc gia.

Lượng xuất khẩu thép của Trung Quốc trong tháng 11 đã tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái lên 9,28 triệu tấn. Theo ước tính, lượng xuất khẩu thép dự kiến sẽ vượt mốc 100 triệu tấn, tương đương con số năm 2016.

Tự tin đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024

Xuất khẩu là điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng tiêu dùng trong nước ảm đạm và suy thoái bất động sản kéo dài.

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc công bố ngày 10/12, kim ngạch xuất khẩu tính theo đô la Mỹ trong 11 tháng năm 2024 đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước lên 3.240 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng 1,2% lên 2.360 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu thương mại tháng 11 được công bố một ngày sau khi giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc cam kết tăng cường chính sách kích thích tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng vào năm tới, cùng với việc "điều chỉnh theo chu kỳ ngược phi truyền thống" để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Bà Erica Tay, giám đốc nghiên cứu vĩ mô tại Maybank, cho rằng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng vào đầu năm 2025 khi các nhà nhập khẩu Mỹ tiếp tục "đặt trước" các giao dịch mua hàng từ Trung Quốc. Đồng thời, nhà phân tích này cũng cảnh báo xuất khẩu có thể có "sự sụt giảm trong nửa cuối năm tới” khi thuế quan của Mỹ có hiệu lực.

Ngành sản xuất chế tạo của Trung Quốc trong tháng 11 ghi nhận tăng trưởng trong tháng thứ hai liên tiếp, với chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức tăng lên 50,3 nhờ các biện pháp kích thích hiện tại của Bắc Kinh đã giúp cải thiện một số khía cạnh của nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Tuy nhiên, nhu cầu trong nước vẫn yếu. Số liệu được Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 9/12, lạm phát tiêu dùng tháng 11 của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng và không đạt kỳ vọng do chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay 10/12 cho biết Trung Quốc hoàn toàn tự tin vào việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay và tiếp tục đóng vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế lớn nhất thế giới, theo Reuters.

Ông Tập Cận Bình cũng cho biết ông hy vọng Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ hợp tác với Trung Quốc, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 là khoảng 5%.

Nguồn: Báo Đầu tư