Nhật Bản, Hàn Quốc tăng tốc xuất khẩu nhờ chất bán dẫn

Xuất khẩu của Nhật Bản tăng tốc trong tháng 7

Xuất khẩu của Nhật Bản bứt tốc nhanh hơn trong tháng 7 chủ yếu là nhờ đồng Yên trượt giá xuống mức thấp nhất trong 38 năm qua.

Sáng nay (21/8), Bộ Tài chính Nhật Bản công bố kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 7 đã tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đầu là các mặt hàng linh kiện bán dẫn và ô tô. Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu tháng 7 gần gấp đôi tốc độ tăng 5,4% của tháng 6. Kết quả này về cơ bản phù hợp với ước tính trung bình của các nhà kinh tế.

Trong khi đó, nhập khẩu cũng tăng tốc mạnh mẽ với mức tăng 16,6%, cao hơn mức tăng 14,6% mà các nhà phân tích dự đoán. Do nhập khẩu tăng mạnh hơn, cán cân thương mại của Nhật Bản đã thâm hụt trở lại, với giá trị thâm hụt là 621,8 tỷ yên (4,3 tỷ USD).

Sự phục hồi xuất khẩu là một mảnh ghép dữ liệu còn thiếu đối với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong bối cảnh họ đang tìm kiếm một chu kỳ kinh tế lành mạnh.

Việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng lãi suất vào ngày 31/7 vừa qua và những tín hiệu cứng rắn từ Thống đốc Kazuo Ueda đã phần nào khiến thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc vào đầu tháng này.

"Tôi không nghĩ điều này (tăng trưởng xuất khẩu - BTV) sẽ ảnh hưởng nhiều đến quan điểm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản rằng nền kinh tế này đang phục hồi vừa phải", ông Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin nhận định. "Tuy nhiên, yếu tố chi phối nhiều nhất là đồng yên suy yếu đã tác động đến cả xuất khẩu và nhập khẩu", ông Takeshi Minami nói thêm.

Giá trị các lô hàng xuất khẩu trong tháng 7 của Nhật Bản được hưởng lợi từ đồng yên suy yếu, mà theo Bộ tài chính, nó giao dịch ở mức trung bình 159,77 JPY đổi 1 USD trong tháng 7, thấp hơn 12,3% so với một năm trước đó.

Dữ liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản cũng cho thấy dấu hiệu rõ ràng hơn về sự phục hồi xuất khẩu ô tô, sau các vụ bê bối chứng nhận an toàn vào đầu năm nay.

Đầu tháng 8, Toyota, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, công bố lợi nhuận của họ đã tăng trong quý gần đây nhất sau khi đồng yên suy yếu và nhu cầu mạnh mẽ ở Bắc Mỹ thúc đẩy doanh số bán hàng. Các nhà phân tích dự đoán nhà sản xuất ô tô Nhật Bản sẽ đạt mức lợi nhuận kỷ lục trong năm nay.

"Sản xuất ô tô đang phục hồi, nhưng vẫn chưa trở lại mức trước đây", Chisato Oshiba, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life, đánh giá. "Ngoài ra, bản thân nhu cầu cũng không mạnh do sự chững lại của các nền kinh tế khác".

Xét theo thị trường, xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ đã tăng 7,3% trong tháng 7, trong khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn không đổi ở mức 7,2%. Trái lại, xuất khẩu sang EU giảm 5,3%. Hoạt động sản xuất chế tạo của Trung Quốc trong tháng 7 bất ngờ suy giảm lần đầu tiên sau 9 tháng, theo kết quả của một cuộc khảo sát tư nhân vừa công bố. Đây là dấu hiệu cho thấy đầu kéo xuất khẩu có thể đang nguội lạnh, làm u ám triển vọng nền kinh tế.

Theo báo cáo của chính phủ Nhật Bản vào tuần trước, nền kinh tế này đã đạt tăng trưởng 3,1% trong quý II, so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ vào sự phục hồi của chi tiêu tiêu dùng.

Xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc vọt tăng 42,5%

Dữ liệu thương mại sơ bộ của Hàn Quốc cho thấy xuất khẩu đang tăng tốc trong tháng 8, giúp cải thiện triển vọng tăng trưởng kinh tế, đồng thời cho thấy nhu cầu chất bán dẫn của thế giới đang phục hồi.

Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong 20 ngày đầu tháng 8 đã tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu mà cơ quan hải quan nước này công bố sáng 21/8. Trong khi đó, nhập khẩu tăng 10,1%, khiến nền kinh tế này thâm hụt thương mại 1,47 tỷ USD.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc đã vọt tăng 42,5% trong 20 ngày đầu tháng 8, so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời chiếm 20,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Sự phục hồi xuất khẩu nhờ các sản phẩm công nghệ đã thúc đẩy sự lạc quan của các quan chức chính phủ Hàn Quốc rằng nền kinh tế này có khả năng sẽ tăng trưởng nhanh hơn năm ngoái.

Trong khi đó, nhu cầu bên ngoài mạnh mẽ cũng thuyết phục Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc rằng họ có thể tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát với niềm tin nền kinh tế có thể chịu được các thiết lập chính sách hạn chế.

Hầu hết các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát đều dự đoán rằng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 3,5% trong cuộc họp chính sách sắp tới. Cơ quan tiền tệ Hàn Quốc cũng dự kiến sẽ tái khẳng định dự báo tăng trưởng kinh tế của mình cho năm 2024.

"Chúng tôi tiếp tục đặt kỳ vọng vào hiệu suất xuất khẩu vượt trội của Hàn Quốc và Đài Loan, xét đến xuất khẩu công nghệ mạnh mẽ" trong nửa đầu năm và nhu cầu liên tục đối với các sản phẩm liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), các nhà kinh tế của Goldman Sachs nhận định. Tuy nhiên, họ cảnh báo xuất khẩu của châu Á có thể sụt giảm nếu nhu cầu từ các nước phát triển suy yếu trong nửa cuối năm.

Các công ty Hàn Quốc đóng vai trò không thể thiếu trong nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp bao gồm chất bán dẫn, ô tô và pin xe điện. Cho nên, tình hình tài chính của họ có thể dễ dàng bị ảnh hưởng bởi tỷ giá hối đoái. Trong khi đó, đồng won, kể từ đầu năm đến nay, là một trong những đồng tiền có hiệu suất yếu nhất châu Á, so với đồng đô la Mỹ.

Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu năng lượng và nguyên liệu thô để lắp ráp các sản phẩm xuất khẩu. Xuất khẩu mạnh mẽ cho đến nay không tác động nhiều đến xu hướng giảm giá trong nước, tạo cơ sở để Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc giữ nguyên dự báo lạm phát.

Từ phía cầu, tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ đã giúp Hàn Quốc bù đắp nhu cầu suy giảm từ Trung Quốc, quốc gia vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau khi cuộc khủng hoảng bất động sản giáng một đòn mạnh vào tiêu dùng trong nước.

Một dấu hiệu cho thấy nhu cầu từ Trung Quốc có thể đang phục hồi khi xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc đã tăng 16,3% trong 20 ngày đầu tháng 8, so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, xuất khẩu sang Mỹ và Liên minh châu Âu lần lượt tăng 18% và 18,6%. Cơ quan hải quan Hàn Quốc cho biết thêm các thị trường Trung Quốc, Mỹ và EU chiếm tới 47,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.

Nguồn: Báo Đầu tư