Nhiều thách thức thúc đẩy thị trường vốn xanh và phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt
Biến đổi khí hậu đang là một vấn đề được quan tâm hàng đầu trên thế giới. Nhiều chương trình hành động để hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như: chuyển đổi các ngành công nghiệp đen/xám sang công nghiệp xanh, tăng cường các quy định về môi trường, xã hội, quản trị (ESG) đối với các dự án, hay cam kết tại Hội nghị COP26, COP27 và COP28.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, dẫn chứng nhiều chương trình đòi hỏi nguồn vốn lớn như Davos 2019: Chuyển đổi xanh là cơ hội đầu tư có giá trị tới 50 nghìn tỷ USD; IFC: cơ hội đầu tư lên tới 23 nghìn tỷ USD tại các dự án thân thiện môi trường chỉ riêng ở 21 quốc gia mới nổi trong giai đoạn 2016-2030; Nhu cầu lên tới 18 nghìn tỷ USD dành riêng cho xây dựng xanh tại châu Á tới năm 2030.
“KHÁT VỐN TÀI CHÍNH XANH” RẤT LỚN
Tại Việt Nam, theo TS. Cấn Văn Lực, tính đến ngày 31/3/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt gần 637 nghìn tỷ đồng tại 47 tổ chức tín dụng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21% tổng dư nợ hệ thống tổ chức tín dụng và tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2023.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam cần tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022 - 2040 (hoặc khoảng 6,8% GDP/năm) để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon, hướng giảm phát thải ròng bằng 0. Cụ thể, ngành năng lượng cần hơn 130 tỷ USD đầu tư cho các nhà máy điện mới và cơ sở hạ tầng lưới điện, như đã nêu trong Quy hoạch Phát triển điện VIII.
IFC ước tính, các cơ hội đầu tư về khí hậu của Việt Nam có thể lên tới 757 tỷ USD vào năm 2030, tập trung vào lĩnh vực: năng lượng, giao thông, xây dựng xanh. Để đạt mục tiêu trung hòa carbon/net-zero, nhu cầu vốn rất lớn và thị trường tài chính là kênh huy động quan trọng.
Còn theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần huy động thêm 144 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2050, tương ứng 2,2% của GDP, nhằm hiện thực hóa cam kết đưa phát thải ròng về vào năm 2050.
Những số liệu trên nêu bật nhu cầu cấp thiết về phát triển thị trường tài chính bền vững để huy động nguồn vốn cần thiết cho quá trình chuyển đổi này, trong đó trái phiếu xanh đóng vai trò chủ chốt.
Theo Bloomberg, trong năm 2023, tổng dư nợ thị trường toàn cầu ước đạt 4,16 nghìn tỷ USD (theo Morningstar). Tổng giá trị các đợt phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội, trái phiếu bền vững (GSS) toàn cầu đã đạt 939 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2022.
Trong khi đó, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cũng vào năm 2023, tại ASEAN, lượng trái phiếu bền vững được phát hành đạt 19,1 tỷ USD. Malaysia, Indonesia, Singapore và Thái Lan đã ban hành danh mục phân loại xanh và Việt Nam là thị trường mới nhất đang theo sát phía sau.
Trái phiếu xanh có thể cung cấp nguồn vốn cần thiết để giảm thiểu rủi ro khí hậu và hỗ trợ các cam kết của Việt Nam theo Thỏa thuận Paris. Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam có tổng cộng 4 đợt phát hành, giá trị 284 triệu USD. Giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh; trong đó phải kể đến các đợt phát hành trị giá 75 triệu USD của Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực, đợt phát hành trị giá 100 triệu USD của BIDV, mở ra những tín hiệu đầy hứa hẹn.
Tuy nhiên, những nỗ lực trên mới chỉ là bước đầu và chưa đủ đáp ứng nhu cầu của quá trình chuyển đổi xanh. Việc Chính phủ khuyến khích phát hành thêm nhiều trái phiếu xanh sẽ là chìa khóa để đẩy nhanh tốc độ của quá trình chuyển đổi này.
CẦN KHUNG PHÁP LÝ, CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI
Tại diễn đàn Tài chính xanh 2024 với chủ đề: "Khởi tạo mạnh mẽ, gia tăng dòng vốn xanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững” tổ chức chiều 22/07 vừa qua, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra những thách thức và giải pháp phát triển tài chính xanh ở Việt Nam và phát triển bền vững của doanh nghiệp niêm yết.
TS. Cấn Văn Lực nêu 06 thách thức lớn của tài chính xanh tại Việt Nam.
TS. Cấn Văn Lực đã chỉ ra 06 thách thức lớn của tài chính xanh tại Việt Nam. Một là, chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán liên quan đến tài chính xanh (quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh...).
Hai là, việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội còn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ chuyên gia, nhân sự trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn khá hạn chế.
Ba là, thiếu cơ chế phối hợp và ưu đãi cho các hoạt động tài chính xanh (ưu đãi thuế, phí; về hạn mức tín dụng; về lãi suất...).
Bốn là, các dự án xanh thường có kỳ hạn dài (có thể lên đến 20 năm), chi phí đầu tư lớn... trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn.
Năm là, nhận thức của thị trường đối với ESG (các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội, quản trị), tài chính xanh và bền vững chưa cao và chưa đồng đều.
Và cuối cùng, rất nhiều công ty niêm yết chưa có sự chủ động trong việc đưa ESG vào định hướng kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; việc phát hành cổ phiếu xanh hầu như chưa có và báo cáo phát triển bền vững còn hạn chế.
Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Giám đốc Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), chia sẻ: Hiện nay, quy định về phân loại xanh (Taxonomy) của Việt Nam chưa được ban hành. Thực tế, việc thực hiện chuyển đổi xanh của doanh nghiệp hạn chế.
Cùng quan điểm này, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho rằng thách thức phát triển thị trường vốn xanh tại Việt Nam là khung pháp lý vẫn đang được hoàn thiện. Quan trọng, doanh nghiệp cần phải nắm bắt được lợi ích dài hạn của phát triển bền vững. Hơn nữa, chính sách hỗ trợ chưa đủ lớn để thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi xanh; Các cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư sản phẩm tài chính xanh còn hạn chế. Bên cạnh đó, thiếu sự tham gia tích cực của các bên cung cấp dịch vụ đánh giá độc lập (trước và sau phát hành).
NHIỀU GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY THỊ TRƯỜNG VỐN XANH
Tại diễn đàn, nhiều giải pháp, ý kiến xung quanh việc thúc đẩy thị trường vốn xanh và phát triển bền vững của doanh nghiệp; giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của doanh nghiệp niêm yết; hay công tác phát hành trái phiếu xanh, cho vay tín dụng xanh.
Cùng bàn các giải pháp thúc đẩy thị trường vốn xanh.
Bàn về giải pháp, TS. Cấn Văn Lực đưa ra giải pháp đối với tính dụng xanh là cần xây dựng quỹ tái cấp vốn, gói tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi. Các tổ chức tín dụng cần xây dựng quy trình thẩm định dành riêng cho tín dụng xanh; Có sản phẩm, dịch vụ phù hợp đối với các lĩnh vực khác nhau; Tăng cường nâng cao nhận thức, đào tạo cán bộ về những lĩnh vực như ESG, năng lượng tái tạo, sản xuất - tiêu dùng xanh... để các hoạt động thẩm định, thiết kế sản phẩm và quản lý rủi ro được thực hiện phù hợp và hiệu quả hơn.
"Để thúc đẩy chứng khoán xanh, cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng của thị trường trái phiếu, trong đó có các tổ chức định hạng tín nhiệm, kiểm toán, tư vấn chuyên nghiệp; có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ chi phí phát hành, chi phí thực hiện định hạng tín nhiệm; đẩy mạnh tuyên truyền áp dụng sổ tay “Hướng dẫn trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững”; đặc biệt là đào tạo, nâng cao nhận thức, kiến thức về kinh tế xanh, tài chính xanh…", TS. Cấn Văn Lực.
Ông Vũ Chí Dũng cũng đưa ra một số giải pháp giúp thúc đẩy thị trường vốn xanh như: Hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến thị trường vốn xanh (cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành); phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính nghiên cứu, hoàn thiện khung chính sách hỗ trợ cho thị trường vốn xanh nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức phát hành, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác xây dựng và phát triển thị trường vốn xanh, hướng tới thực hiện các thông lệ tốt trên thị trường chứng khoán gắn với tăng trưởng xanh; nghiên cứu hoàn thiện và cơ cấu lại bộ chỉ số phát triển bền vững (VNSI) để phù hợp hơn với bối cảnh phát triển bền vững trên thị trường chứng khoán hiện nay…
Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE), đưa ra một số cân nhắc đối với doanh nghiệp là cần nâng cao nhận thức về ESG và phát triển bền vững (thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn); nâng cao năng lực về quản trị doanh nghiệp, quản trị ESG, năng lực tuân thủ các chuẩn mực tài chính kế toán; chú trọng đến yếu tố E&S (môi trường & xã hội) ngay từ khi chuẩn bị dự án và tuân thủ chặt chẽ các quy định về môi trường (kiểm kê khí nhà kính và giảm nhẹ phát thải).
Còn theo ông Nguyễn Bá Sơn, về khung pháp lý cần sớm ban hành quy định phân loại và xác nhận dự án xanh và xem xét sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế.
Chẳng hạn như về phía nhà đầu tư, cần ban hành các chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực về môi trường; xây dựng hệ thống dữ liệu về môi trường.
Về phía doanh nghiệp, cần nâng cao nhận thức và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh; duy trì, mở rộng các cơ chế hỗ trợ chi phí phát hành, tư vấn kỹ thuật; khuyến khích các doanh nghiệp đầu ngành tiên phong phát hành.
Ông Sơn cũng đưa ra gợi ý cho doanh nghiệp nên lựa chọn sản phẩm trái phiếu ESG (xanh, bền vững, liên kết bền vững...) phù hợp mục đích cụ thể của doanh nghiệp ở từng giai đoạn/lộ trình phát triển. Xây dựng tổng thể chiến lược chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, trong có xác lập kế hoạch phát hành trái phiếu ESG. Đồng thời, tìm kiếm các kênh hỗ trợ, tư vấn từ các tổ chức trong nước, quốc tế có kinh nghiệm.
Nguồn: TBKTVN