Nhu cầu phòng hộ tỷ giá tăng mạnh do chiến tranh thuế quan
Các tuyên bố thuế quan khó lường của Tổng thống Mỹ Donald Trump là một nguyên nhân khiến biến động tỷ giá tiền tệ tăng lên mức cao nhất nhiều năm trong thời gian gần đây, đồng thời thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm phòng hộ tỷ giá khi các doanh nghiệp chật vật ứng phó với các pha trồi sụt trên thị trường.
Theo tờ báo Financial Times, tuần vừa rồi, các chỉ số của ngân hàng JPMorgan Chase về biến động tỷ giá tiền tệ nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) và các nền kinh tế mới nổi đã tăng lên mức cao nhất kể từ vụ sụp đổ ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) của Mỹ và ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ hồi tháng 3/2023.
Sự bất định từ chính sách thuế quan của ông Trump đã làm gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm phòng hộ tỷ giá hối đoái, nhằm bù đắp lại ảnh hưởng mà những biến động tiền tệ bất ngờ có thể gây ra cho các doanh nghiệp có hoạt động toàn cầu, các ngân hàng và nhà điều hành doanh nghiệp tại các công ty đa quốc gia tiết lộ với Financial Times.
Ông Nathan Venkat Swami, trưởng bộ phận giao dịch ngoại hối khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng Citigroup, cho biết nhu cầu phòng hộ tỷ giá bắt đầu tăng từ tháng 11/2024, khi ông Trump trúng cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai. Mối lo về chủ trương bảo hộ thương mại mà ông Trump thể hiện trong suốt chiến dịch tranh cử đã khiến việc mối quan tâm tới phòng hộ tỷ giá tăng cao từ thời điểm đó.
“Tháng 2/2025 chứng kiến sự giảm xuống của hoạt động phòng hộ tỷ giá do kỳ nghỉ Tết âm lịch ở khu vực châu Á, nhưng hoạt động này lại tăng lên trong tháng 3/2025, đặc biệt mạnh ở đối tượng là các doanh nghiệp”, ông Swami cho hay.
Hầu hết các công ty đa quốc gia phòng hộ tỷ giá đối với một phần thu nhập, và tăng hoặc giảm mức phòng hộ đó tùy vào đánh giá của họ về rủi ro biến động tỷ giá. Mối bấp bênh gia tăng về thương mại đã khiến phòng hộ tỷ giá tăng theo.
“Khi chúng tôi trở nên thận trọng với rủi ro hơn, chúng tôi muốn phòng hộ nhiều hơn”, một nhà điều hành cấp cao tại một công ty chăm sóc sức khỏe có hoạt động sản xuất và xuất khẩu thiết bị y tế từ châu Âu sang châu Á chia sẻ.
Trong sổ sách của công ty này, doanh thu được ghi nhận bằng nhân dân tệ, đồng tiền cho tới gần đây vẫn tăng giá so với euro. Công ty sử dụng lợi thế tỷ giá này để mua các hợp đồng ngoại hối nhằm bù đắp cho rủi ro đồng nhân dân tệ mất giá so với euro - điều đã xảy ra trên thực tế sau khi ông Trump công bố kế hoạch thuế quan đối ứng vào ngày 2/4/2025.
“Trong thời gian tới, với mức độ bấp bênh tăng cao, các doanh nghiệp có thể sẽ tìm cách giảm bớt rủi ro bằng cách phòng hộ tỷ giá nhiều hơn”, nhà điều hành nói trên nhận định.
Ông Wei Li, trưởng bộ phận đầu tư đa tài sản Trung Quốc của ngân hàng BNP Paribas, nhận xét: ngoài sự gia tăng nhu cầu của doanh nghiệp với các công cụ tỷ giá, việc nhà đầu tư dịch chuyển vốn khỏi chứng khoán Mỹ sang các thị trường chứng khoán khác cũng đẩy khối lượng phòng hộ tỷ giá tăng cao. Nhà đầu tư có thể phòng hộ cho danh mục đầu tư cổ phiếu của mình ở nước ngoài bằng cách bán khống (short) đồng nội tệ.
“Năm nay, toàn bộ thị trường đã thay đổi. Điều này về căn bản tạo ra nhu cầu lớn cho phòng hộ tỷ giá”, ông Li cho biết.
Nhu cầu này mang lại một cú huých cho các ngân hàng đầu tư ở Phố Wall. Các nhà băng này đều công bố doanh thu lớn trong quý 1/2025 ở mảng giao dịch, trong bối cảnh sự biến động trên thị trường tài chính toàn cầu gia tăng vì các tuyên bố thuế quan liên tục và khó lường của chính quyền ông Trump.
Hầu hết các giao dịch phòng hộ tỷ giá, nhất là đối với các đồng tiền được giao dịch ít, được tiến hành trực tiếp giữa khách hàng và ngân hàng, nhưng dữ liệu thị trường đại chúng cũng cho thấy nhu cầu gia tăng đối với các hợp đồng tương lai. Giới đầu tư nói rằng điều này phản ánh xu hướng lớn là sự gia tăng của nhu cầu đối với các sản phẩm phòng hộ tỷ giá.
Tại Hồng Kông, số hợp đồng tương lai đồng nhân dân tệ đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2016 - thời điểm nhu cầu phòng hộ tỷ giá nhân dân tệ tăng cao sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ vào năm 2015. Trên sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX), số hợp đồng tương lai ngoại hối đang trên đà lập kỷ lục trong năm nay.
Tuy nhiên, ông Swami cho rằng với việc ông Trump tìm cách thay đổi hệ thống thương mại toàn cầu, các doanh nghiệp sẽ “gặp nhiều khó khăn hơn trong việc xác định yêu cầu phòng hộ tỷ giá sẽ ra sao trong dài hạn, vì cấu thành thương mại có thể thay đổi”.
Nguy cơ kinh tế giảm tốc cũng có thể làm gia tăng sức ép đó và khiến nhu cầu phòng hộ tỷ giá suy giảm. “Nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi sự bấp bênh kéo dài về thuế quan và thương mại giảm sút, việc phòng hộ tỷ giá cũng sẽ giảm theo”, ông nhận định.
Nguồn: TBKTVN