Nước châu Âu đầu tiên áp dụng chế độ làm việc 6 ngày/tuần

Hy Lạp đã bắt đầu áp dụng tại một số doanh nghiệp chế độ làm việc 6 ngày/tuần gây tranh cãi, nhằm mục đích thúc đẩy năng suất lao động và việc làm tại quốc gia Nam Âu này - hãng tin CNBC cho hay.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/7 của Hy Lạp đi ngược lại xu hướng toàn cầu hiện nay là các công ty tìm cách rút ngắn thời gian làm việc trong tuần. Theo quy định mới này - là một phần trong bộ luật lao động mà Hy Lạp thông qua vào năm ngoái - người lao động tại các doanh nghiệp tư nhân cung cấp các dịch vụ 24/24 có thể lựa chọn làm việc thêm 2 giờ mỗi ngày hoặc thêm một ca làm 8 tiếng mỗi tuần.

Thay đổi trên đồng nghĩa quy định 40 giờ làm việc mỗi tuần theo truyền thống có thể kéo dài thành 48 giờ/tuần tại một số doanh nghiệp. Người lao động trong các lĩnh vực ăn uống và du lịch không phải là đối tượng của sáng kiến làm việc 6 ngày/tuần này.

Chính phủ thân doanh nghiệp của Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis đã nói rằng việc tăng số giờ làm việc vừa đáp ứng nhu cầu của người lao động, vừa rất có lợi cho tăng trưởng kinh tế. Chế độ này được thiết kế nhằm hỗ trợ người lao động không được trả lương đầy đủ cho thời gian làm việc ngoài giờ và để ngăn chặn tình trạng lao động chui.

Trong khi đó, các tổ chức công đoàn và các nhà quan sát chính trị đã chỉ trích mạnh mẽ chính sách mới này.

Ông Giorgos Katsambekis, một giảng viên chính trị quốc tế tại Đại học Loughborough, Anh, miêu tả việc Chính phủ Hy Lạp triển khai luật lao động mới như “một bước lùi lớn” đối với một lực lượng lao động vốn đang có giờ làm việc dài nhất trong Liên minh châu Âu (EU).

Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), người lao động ở Hy Lạp có số giờ làm việc nhiều hơn so với ở Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác trong EU. Số giờ làm việc bình quân của người lao động Hy Lạp trong nam 2022 là 1.886 giờ, so với 1.811 giờ ở Mỹ và 1.571 giờ ở châu Âu.

“Thời gian làm việc mỗi tuần của người Hy Lạp đã là dài nhất ở châu Âu. Bây giờ, họ có thể bị buộc phải làm việc thêm một ngày thứ sáu trong tuần, sau quyết định của Chính phủ”, giáo sư luật EU John O’Brennan của Đại học Maynooth, Ireland, viêt trên mạng xã hội X. “Chuyện này thật nực cười và đi ngược lại nỗ lực để có 4 ngày làm việc mỗi tuần ở hầu hết các quốc gia văn minh”.

Một báo cáo của tổ chức nghiên cứu Autonomy trong năm nay cho thấy hầu hết các công ty tham gia vào cuôc thử nghiệm 4 ngày làm việc mỗi tuần lớn nhất thế giới ở Anh đều đã đưa chế độ làm việc này trở thành chính sách vĩnh viễn. Khi được khảo sát, tất cả các nhà quản lý dự án vào CEO của các công ty tham gia vào cuộc thử nghiệm này đều nhận xét rằng chế độ làm việc 4 ngày/tuần có hiệu ứng tích cực đối với doanh nghiệp của họ. Một nửa cho biết hiệu ứng là “rất tích cực”.

Tuy nhiên, khảo sát trên cũng cho thấy người lao động tại các doanh nghiệp mà việc nghỉ thêm 1 ngày mỗi tuần chỉ được cam kết rất lỏng lẻo, hoặc đi kèm điều kiện phải đạt những mục tiêu nhất định, có một vài mối lo về chính sách này. Đó là bởi việc thực thi chính sách làm việc 4 ngày/tuần không được cam kết chặt chẽ khiến người lao động khó lên kế hoạch cho các hoạt động trong ngày nghỉ.

Khảo sát trên còn hé lộ về các hoạt động phổ biến của người lao động trong ngày nghỉ thêm. Đó vẫn là những công việc mà họ thường làm trong ngày nghỉ truyền thống trước kia, bao gồm chăm sóc gia đình, các thú vui và sở thích cá nhân, và hoàn tất việc nhà còn tồn trong tuần.

Nguồn: TBKTVN