Sản xuất không còn là "phép màu" cho tăng trưởng các nước đang phát triển
Quá trình tự động hóa quy mô lớn
Nhà máy may của bà Rubana Huq là tổ hợp âm thanh từ những chiếc bàn là hơi nước liên hồi rít lên, tiếng quạt gió vù vù và tiếng kéo cắt. Trong cơ sở công nghiệp rộng lớn gần Dhaka này, hàng trăm phụ nữ kéo vải qua máy khâu, hoàn thiện lớp lớp quần áo cho các thương hiệu như H&M, Pepe Jeans và Primark. Năng suất và tỉ lệ hàng may bị lỗi của họ được theo dõi bởi một bảng hiệu điện tử với độ chính xác tương đương với máy ghi giá cổ phiếu.
Cảnh này gợi lên chiến lược tăng trưởng mà hàng chục quốc gia đã theo đuổi trong những thập kỷ gần đây: các nhà máy sử dụng hàng loạt công nhân để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, với mức lương thấp theo tiêu chuẩn phương Tây nhưng lại tương đối hào phóng theo giá trị địa phương. Mô hình đó đã tăng gấp 3 lần quy mô nền kinh tế Bangladesh, biến những người nông dân tự cung tự cấp thành công nhân dệt may cho các thương hiệu từ Adidas đến Zara, điều mà Ngân hàng Thế giới gọi là một trong những "câu chuyện phát triển vĩ đại nhất" của thời đại.
Bà Huq, người chủ trì Mohammadi Group do gia đình điều hành, cho biết khi cất nhắc kỹ hơn, các mấu nối của mô hình tưởng chừng như hoàn hảo đó đang đứt gãy. Vài năm trước, bà Huq đã lắp đặt hàng trăm máy dệt jacquard và các thiết bị khác từ Trung Quốc và Đức, cho phép cắt giảm 3.000 việc làm, gần 1/3 nhân công. Mặc dù những người đó cuối cùng đã tìm được việc làm ở các bộ phận khác của doanh nghiệp, nhưng bà lo ngại về tương lai: Có tới 80% các nhà máy ở Bangladesh có kế hoạch mua thiết bị tự động hóa từ năm 2023 đến năm 2025, với mỗi máy có khả năng thay thế tới 6 người, theo một nghiên cứu từ công ty nghiên cứu Shimmy Technologies Inc. Bà Huq cho biết: "Khi quá trình tự động hóa quy mô lớn diễn ra ở Bangladesh, việc thay thế công nhân sẽ là một vấn đề rất lớn".
Mức lắp đặt robot công nghiệp hàng năm trên toàn cầu. Ảnh: Bloomberg. |
Trở lại quá khứ, sự hình thành của Tổ chức Thương mại Thế giới đã thúc đẩy sự chuyển dịch sang sản xuất hướng đến xuất khẩu, thay vì ngành công nghiệp địa phương được bảo hộ thuế quan. Chiến lược này đã đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo ở Trung Quốc và nhiều nơi khác, tạo nên một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ.
Nhưng sách lược đó ngày càng ít có khả năng tạo ra sự mở rộng kinh tế mà các quốc gia nghèo cần để nâng cao mức sống. Khi tự động hóa lan rộng, số lượng robot trong các nhà máy trên toàn thế giới đã tăng gấp 3 lần từ năm 2012-2022, với phần lớn sự tăng trưởng ở các nước đang phát triển. Chuỗi cung ứng đã bị phân mảnh khi chiến tranh tàn phá Ukraine và Trung Đông. Lạm phát sau đại dịch và lãi suất cao hơn đã đẩy Ethiopia, Pakistan và các quốc gia mắc nợ lớn khác đến bờ vực vỡ nợ. Và căng thẳng Mỹ-Trung đang xáo trộn các mô hình thương mại và truyền cảm hứng cho các chính sách bảo hộ.
Không có giải pháp thay thế hiển nhiên nào
Sản xuất ngày nay chiếm một phần nhỏ hơn trong sản lượng kinh tế toàn cầu so với hai thập kỷ trước. Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 sản lượng hàng hóa vật chất ngày nay và hàng chục quốc gia tiếp theo bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Mexico và Đức chiếm thêm khoảng 45%, để lại ít chỗ đứng hơn cho những nơi vẫn đang tìm cách thâm nhập. Và ngay cả khi Trung Quốc trở nên giàu có hơn, họ vẫn tập trung vào sản xuất và không làm gì nhiều để thúc đẩy tiêu dùng, vì vậy 1,4 tỉ công dân của họ khó có thể mua thêm hàng hóa từ các quốc gia khác trong thời gian tới. Ông Richard Baldwin, Chuyên gia kinh tế tại Trường Kinh doanh IMD ở Thụy Sĩ, cho biết: "Thị trường không còn như trước nữa và Trung Quốc đã đứng ở vạch đích".
Không có giải pháp thay thế hiển nhiên nào cho các nước đang phát triển muốn làm giàu.
Một giai đoạn toàn cầu hóa nhanh kéo dài đang bị đảo ngược. Bloomberg Economics cho biết từ năm 1995-2008, các nước mới nổi và đang phát triển có mức tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 10%. Sau cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ, tốc độ mở rộng ở các thị trường mới nổi đã giảm đi một nửa. Xuất khẩu chiếm gần 30% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu vào năm 2007, tăng từ 18,8% vào năm 1991. Nhưng xu hướng đó đã chững lại, với xuất khẩu chiếm 29,3% GDP vào cuối năm 2023.
Mức xuất khẩu theo tỉ lệ GDP toàn cầu cho thấy thương mại quốc tế đã và đang trì trệ. Ảnh: Bloomberg. |
Trong số 85 quốc gia kém phát triển mà Bloomberg Economics phân tích, gần 3/4, các nền kinh tế có sản lượng 25 nghìn tỉ USD, khó có thể hưởng lợi thêm từ sản xuất hướng đến xuất khẩu. Nhiều quốc gia trong số đó nằm ở châu Phi, đặc biệt là ở những nơi có trình độ học vấn thấp, điện không ổn định và quản lý kém. Những yếu tố đó khiến việc chuyển hướng sang các lĩnh vực tăng trưởng như dịch vụ trở nên khó khăn, nghĩa là hàng chục quốc gia có thể bị bỏ lại phía sau. Nhà kinh tế học Dani Rodrik của Đại học Harvard cho biết: "Tôi lo ngại rằng nhiều quốc gia đang phát triển sẽ không thể chuyển đổi sang một mô hình mới".
Đại dịch, lạm phát và lãi suất tăng đột biến sau đó đã làm tăng thêm khó khăn. Khi các nhà đầu tư hoãn việc cho vay đối với các thị trường mới nổi, ngay cả những ngôi sao sáng như Sri Lanka cũng đã rơi vào tình trạng phá sản, khiến Ngân hàng Thế giới phải cảnh báo về một "thập kỷ mất mát".
Các quốc gia mới nổi hiện đang gánh khoản nợ công là 29 nghìn tỉ USD, tăng từ mức 12 nghìn tỉ USD của một thập kỷ trước, với nhiều quốc gia trong số đó phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ và yêu cầu cứu trợ từ các tổ chức cho vay toàn cầu. Năm ngoái, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã phê duyệt khoảng 5,7 tỉ USD cho các nước nghèo vay, gấp khoảng 4 lần mức trung bình hàng năm trước đại dịch.
Khi nền kinh tế toàn cầu ngày càng chuyển hướng khỏi sản xuất, nhiều quốc gia kém phát triển nhất sẽ tụt hậu hơn nữa. Một nghiên cứu của Đại học Yale năm 2023 về Ấn Độ phát hiện ra rằng những người làm nông chuyển sang công việc dịch vụ đều thấy năng suất và tiền lương của họ tăng lên. Nhưng các nhà nghiên cứu cho biết những lợi ích này "không đồng đều một cách đáng kinh ngạc" và mang lại lợi ích không cân xứng cho những cư dân thành thị giàu có hơn.
Nguồn The Economist - Nhipcaudautu