Singapore sở hữu hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ hàng đầu châu Á
Với tiềm lực về vốn và luôn tiên phong đổi mới trong các lĩnh vực như công nghệ tài chính và công nghệ y tế, các startup tại Singapore đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy đổi và tăng trưởng kinh tế cũng như đưa “đảo quốc sư tử” trở thành trung tâm startup công nghệ thu hút vốn đầu tư mạo hiểm lớn nhất châu Á.
Quý I/2023, lần đầu tiên Singapore lọt vào nhóm 10 quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ hút vốn lớn nhất thế giới bên cạnh các tuổi như Thung lũng Silicon, New York và London, theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu Startup Genome (Mỹ). Singapore đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng, tăng 10 bậc so với năm ngoái. Ở châu Á, Singapore đứng thứ 2, chỉ xếp sau Bắc Kinh (Trung Quốc), vượt qua Thượng Hải (Trung Quốc).
Mặt khác, theo dữ liệu từ bảng xếp hạng của công ty nghiên cứu thị trường StartupBlink (Israel), Singapore hiện đang thứ vị trí thứ 6 toàn cầu, vượt Trung Quốc ở vị trí 12 và Nhật Bản hạng 18. Đồng thời, “đảo quốc sư tử” cũng là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có mặt trong bảng xếp hạng, với khoảng 4.000 startup công nghệ và hơn 400 quỹ đầu tư mạo hiểm, Singapore hiện có 18 “kỳ lân” (Startup được định giá trên 1 tỉ USD).
Động lực chính tạo nên thành công này của Singapore phần lớn đến từ những nỗ lực xây dựng môi trường phát triển lý tưởng cho các startup, qua đó tạo nền tảng vững chắc để thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, chính phủ Singapore luôn khuyến khích thực hiện các sáng kiến và ban hành chính sách kinh doanh, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp bên trong và bên ngoài. Nhờ vậy, nước này đang ngày càng củng cố vị thế quốc gia như một điểm đến ưa thích cho các startup công nghệ ở châu Á.
Không chỉ Singapore, trong năm 2022, hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Đông Nam Á cũng chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong các thương vụ sáp nhập và mua lại (M&A). Theo DealStreetAsia, năm 2022, Đông Nam Á hoàn tất 176 thương vụ M&A, mức cao nhất mọi thời đại và tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Động lực quan trọng thúc đẩy M&A công nghệ trong năm 2022 đến từ nguồn vốn tư nhân khổng lồ do các startup trong khu vực huy động được ở các vòng gọi vốn đặc biệt từ năm 2021. Singapore hoàn tất số thương vụ M&A cao nhất trong khu vực với 46%. Theo sau là Indonesia và Malaysia với tỉ lệ lần lượt là 27% và 12%.
Bất chấp triển vọng kinh tế ảm đạm, Đông Nam Á vẫn chứng kiến 35 startup công nghệ ra đời trong năm 2022 và được kỳ vọng sẽ tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ ổn định với hàng loạt startup mới trong thời gian sắp tới. Mặc dù theo các chuyên gia, trong năm nay việc huy động vốn có thể gặp khó khăn do các biến động kinh tế, nhiều startup vẫn có thể vượt qua nếu biết cách tận dụng các cơ chế tài trợ thay thế cho đến khi tình hình kinh tế chung được cải thiện.
Lĩnh vực thực phẩm nông nghiệp là được dự đoán là một trong những ngành trọng tâm điểm trong tương lai. Theo đó, giới phân tích cho rằng các startup chuyên phát triển công nghệ ở lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch và đa dạng hóa thực phẩm có thể thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư trong năm 2023. Đồng thời, thực phẩm nông nghiệp cũng là lĩnh vực chiếm tỉ lệ lớn nhất trong số các startup mới nổi được thành lập trong năm 2022. Theo số liệu thống kê, có 14 startup chuyên về ngành này đã ra đời vào năm 2022, và 6 trong số 14 được tách ra từ Đại học Quốc gia Singapore.
Có thể thấy, bất chấp sự suy giảm nguồn vốn đầu tư trong quý I/2023, các startup công nghệ Singapore vẫn đang chứng minh khả năng thu hút và duy trì các khoản đầu tư ấn tượng. Điều này một lần nữa giúp “đảo quốc sư tử” khẳng định vị thế của quốc gia, là một trung tâm hàng đầu cho các startup công nghệ cũng như là một địa điểm ưa thích dành cho các nhà đầu tư khi muốn tìm kiếm hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tại khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
Nguồn Nikkei Asia (Nhipcaudautu)