6 điều cần biết về việc động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ gây chấn động của Nhật Bản
Theo hãng tin Bloomberg, động thái được diễn đạt thiếu rõ ràng này ngay lập tức đã gây biến động lớn đối với giá nhiều loại tài sản trên thị trường tài chính châu Á trong phiên giao dịch cùng ngày, dù trước đó, tin đồn về một động thái như vậy đã gây sóng gió tại các bàn giao dịch ở thị trường Mỹ vào ngày hôm trước.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014, trong khi tỷ giá đồng Yên giằng co giữa tăng và giảm, khi nhà đầu tư đồn đoán liệu động thái này của BOJ có phải là tiền đề cho những thay đổi mạnh mẽ hơn đối với chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo của Nhật Bản.
Biến động này phản ánh thách thức mà Thống đốc BOJ Kazuo Ueda - người mới nhậm chức trong năm nay và được trao sứ mệnh rút dần khỏi chính sách nới lỏng mà không gây biến động lớn trên thị trường tài chính - phải đối mặt. Những lợi ích trong câu chuyện này là lớn, vì nhất cử nhất động của BOJ đều có ảnh hưởng lớn đến các dòng vốn trên toàn cầu. Nhà đầu tư Nhật Bản là lực lượng chủ nợ nước ngoài nắm giữ nhiều trái phiếu kho bạc Mỹ nhất, chưa kể họ còn nắm một lượng không nhỏ trái phiếu châu Âu.
Bloomberg đã điểm lại 6 điều cần biết về chính sách YCC và thay đổi mà BOJ vừa đưa ra đối với chính sách này:
1. ĐƯỜNG CONG LỢI SUẤT LÀ GÌ, VÀ CHÍNH SÁCH YCC HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?
Lợi suất trái phiếu, thể hiện bằng tỷ lệ phần trăm mỗi năm, phản ánh mức lợi tức mà nhà đầu tư kỳ vọng nhận được khi mua một chứng khoán có thu nhập cố định - tức trái phiếu - cụ thể. Khoảng cách giữa lợi suất của các trái phiếu với kỳ hạn khác nhau được gọi là đường cong lợi suất. Trong hầu hết thời gian, nhà đầu tư đòi hỏi mức lợi nhuận cao hơn khi họ rót tiền vào những trái phiếu có kỳ hạn dài hơn, vì kỳ hạn dài thường đi kèm với mức độ bấp bênh lớn hơn. Bởi vậy, đường cong lợi suất thường là một đường dốc đi lên.
BOJ “trình làng” chính sách YCC vào năm 2016, sau nhiều năm mạnh tay gom mua trái phiếu trong chương trình nới lỏng định lượng (QE). BOJ muốn giữ lãi suất từ ngắn đến trung hạn ở mức thấp trong khi cho phép lãi suất dài hạn tăng lên mức cao hơn, nhưng không chênh lệch quá lớn so với lợi suất của kỳ hạn ngắn đến trung hạn. Mục đích là để khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu và ngăn chạn rủi ro giảm phát, mà không gây áp lực giảm lên lợi nhuận của các định chế tài chính bao gồm các công ty bảo hiểm nhân thọ.
Lợi suất mục tiêu của YCC cho trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm mà BOJ đặt ra là 0%, trong khi lãi suất ngắn hạn được BOJ đặt ở mức -0,1%. Ban đầu, chính sách YCC không đi kèm với một biên độ dao động cho lợi suất, nhưng theo thời gian, người ta hiểu rằng BOJ cho phép một biên độ dao động +/-0,1 điểm phần trăm xung quanh mức mục tiêu.
Vào năm 2018, BOJ nới rộng biên độ, theo đó cho phép lợi suất được dao động trong phạm vi rộng gấp đôi so với ban đầu. Thị trường kết luận rằng giới hạn mới là 0,2 điểm phần trăm mỗi chiều tăng hoặc giảm, nhưng BOJ sau đó nói rõ rằng biên độ là 0,25 điểm phần trăm.
Tháng 12 năm ngoái, BOJ điều chỉnh chính sách YCC, cho phép lợi suất dao động 0,5% theo mỗi chiều tăng và giảm quanh ngưỡng trung tâm 0%.
2. BOJ ĐÃ CÓ ĐỘNG THÁI NHƯ THẾ NÀO VÀO NGÀY 28/7?
Thay vì công bố một biên độ mới, BOJ tuyên bố sẽ kiểm soát lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm “một cách linh hoạt”. BOJ sẽ cho phép lợi suất vượt mức 0,5% - phạm vi mà giờ đây BOJ coi là một mức tham chiếu, đồng thời sử dụng “một cách khéo léo” việc mua vào trái phiếu để định hướng lợi suất.
BOJ cũng sẽ chào mua hàng ngày trái phiếu chính phủ Nhật Bản ở mức giá tương ứng mức lợi suất 1% - về thực chất là nâng biên độ dao động của lợi suất lên 1% từ 0,5%. Nhưng bằng cách giữ nguyên mục tiêu 0,5%, BOJ có vẻ như đang cố gắng dập tắt những đồn đoán rằng họ sắp sửa có thêm các động thái thắt chặt chính sách tiền tệ.
3. VÌ SAO BOJ CẦN PHẢI ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH YCC?
Chương trình kích cầu bằng chính sách tiền tệ của BOJ, được tiên phong bởi người tiền nhiệm của ông Ueda là ông Haruhiko Kuroda, đã đưa BOJ trở thành nhà đầu tư nắm giữ nhiều cổ phiếu và trái phiếu chính phủ nhất ở Nhật Bản. Tuy vậy, đến hiện tại, BOJ vẫn chưa thể thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng trưởng một cách bền vững.
Trong khi đó, chính sách này gây áp lực giảm giá lên đồng Yên, đẩy giá hàng hoá nhập khẩu và giá tiêu dùng ở Nhật Bản tăng. Ngoài ra, đã có những dấu hiệu cho thấy thị trường nợ của Nhật Bản - vốn là thị trường nợ lớn thứ hai thế giới - không còn vận hành một cách trơn tru nữa. Với hơn một nửa toàn bộ trái phiếu chính phủ Nhật Bản đang là tài sản của ngân hàng trung ương, giao dịch tài sản này trở nên thưa thớt.
BOJ từng nói rằng việc điều chỉnh biên độ YCC là nhằm cải thiện sự vận hành của thị trường. Lập trường này đã được YCC tái khẳng định vào ngày 28/7.
4. ĐÂY ĐÃ PHẢI LÀ SỰ KẾT THÚC KỶ NGUYÊN CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ SIÊU LỎNG LẺO CỦA NHẬT BẢN HAY CHƯA?
Câu trả lời của BOJ là chưa. Ông Ueda - cũng như người tiền nhiệm Kuroda vào tháng 12 năm ngoái - phủ nhận việc cho rằng điều chỉnh YCC là tiền đề của chính sách tiền tệ thắt chặt.
“Động thái này không phải là một bước tiến tới bình thường hoá chính sách tiền tệ. Như chúng tôi vẫn nói, những động thái này là nhằm củng cố sự bền vững của YCC”, ông Ueda nói trong cuộc họp báo ngày 28/7.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học xem động thái điều chỉnh YCC của BOJ là đặt nền móng ban đầu cho việc rút lui khỏi một thập kỷ chính sách kích thích bất thường.
5. ĐỘNG THÁI CỦA BOJ CÓ ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN THỊ TRƯỜNG TOÀN CẦU?
BOJ là “thành trì” lớn cuối cùng của lãi suất siêu thấp trên toàn cầu, và nhà đầu tư Nhật Bản đã rót hơn 3 nghìn tỷ USD ra thị trường nước ngoài nhằm tìm kiếm mức lợi tức cao hơn. Giới kinh tế học cảnh báo rằng dù chỉ một sự dịch chuyển nhỏ của Nhật Bản tiến tới bình thường hoá chính sách tiền tệ có thể thúc đẩy sẽ khuyến khích dòng vốn Nhật rút khỏi thị trường toàn cầu về nước. Ngoài việc là chủ nợ nước ngoài nắm giữ nhiều trái phiếu kho bạc Mỹ nhất, các quỹ đầu tư của Nhật Bản còn nắm nhiều khoản đầu tư khác từ trái phiếu chính phủ Brazil, cho tới các trạm điện ở châu Âu và các khoản vay rủi ro cao.
Đồn đoán về một sự dịch chuyển lớn hơn, chẳng hạn từ bỏ hoàn toàn YCC, có thể thúc đồng Yên tăng giá mạnh và giáng một đòn vào các thị trường trái phiếu nơi các nhà đầu tư Nhật Bản đang chiếm tỷ trọng nắm giữ lớn. Những thị trường như vậy có thể bao gồm trái phiếu Australia - nơi lợi suất của các kỳ hạn chủ chốt đã tăng tới 20 điểm cơ bản trong phiên ngày 28/7 - hay Pháp và Mỹ.
Tại Nhật Bản, kỳ vọng về việc BOJ cuối cùng cũng đến lúc phải thắt chặt đã đẩy giá cổ phiếu các ngân hàng tăng lên, sau khi các nhà băng suốt nhiều năm chứng kiến mức lợi nhuận từ tiền lãi bị ghìm ở mức thấp vì lãi suất thấp.
Cổ phiếu ngân hàng lớn nhất Nhật Bản Mitsubishi UFJ Financial Group tăng tới 5,6% trong phiên ngày 28/7, cổ phiếu Mizuho Financial Group và Sumimoto Mitsui Financial Group cũng tăng. Các ngân hàng và công ty bảo hiểm nằm trong số ít những cổ phiếu tăng giá trong chỉ số Topix của chứng khoán Nhật phiên này, khi chỉ số giảm 1,4%
6. VIỆC BOJ ĐIỀU CHỈNH YCC CÓ THỂ GÂY RA BẤT LỢI GÌ?
BOJ muốn tránh những đồn đoán sớm về việc tăng lãi suất. Hiện chưa ai dám chắc liệu Thống đốc Ueda sẽ thành công như thế nào trong việc nới kiểm soát lợi suất mà không gây biến động lớn trên thị trường. Động thái ngày 28/7, vốn được tờ báo Nikkei đưa tin từ trước, có thể đặt ra những câu hỏi về uy tín của ông Ueda.
Cách diễn đạt của BOJ về động thái này cũng có thể làm suy giảm tính minh bạch trong truyền đạt chính sách của BOJ. Biến động giằng co của tỷ giá đồng Yên sau khi tuyên bố của BOJ được đưa ra có thể đã phản ánh rủi ro đó.
Nguồn: TBKTVN