Suy thoái kinh tế ở Mỹ có thể đến sớm do biến cố sụp đổ ngân hàng?
Trong phiên giao dịch ngày 15/3, thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt lao dốc sau khi cổ phiếu ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse bị bán tháo do tin xấu liên quan tới cổ đông lớn nhất. Điều này diễn ra ngay giữa lúc thị trường đang lo ngại về tình hình của các ngân hàng ở Mỹ sau vụ ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank phá sản.
“Chúng ta sẽ chứng kiến các điều kiện tài chính bị thắt chặt đáng kể. Những diễn biến trên thị trường cho thấy rủi ro xảy ra suy thoái đang tăng lên và thực tế đúng như vậy”, ông Jim Caron, giám đốc chiến lược vĩ mô tại Morgan Stanley Investment Management, nhận xét.
Theo CNBC, hiện Phố Wall đang nổ ra tranh luận về việc liệu nền kinh tế Mỹ có đang rơi vào suy thoái trong vài tháng nữa hay không. Nhiều nhà kinh tế dự báo điều này sẽ xảy ra vào nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, những biến động nhanh và mạnh trên thị trường sau các vụ phá sản ngân hàng ở Mỹ khiến nhiều chiến lược gia dự báo rằng suy thoái kinh tế sẽ tới sớm hơn. Các nhà kinh tế cũng đang hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ do có thể chứng kiến sự sụt giảm trong hoạt động cho vay của các ngân hàng.
"Tốc độ tăng trưởng tín dụng các ngân hàng cỡ trung suy giảm có thể khiến tăng trưởng GDP của Mỹ giảm từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm trong 1-2 năm tới".
Các nhà kinh tế của JPMorgan
“Theo ước tính sơ bộ của chúng tôi, tốc độ tăng trưởng tín dụng các ngân hàng cỡ trung suy giảm có thể khiến tăng trưởng GDP của Mỹ giảm từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm trong 1-2 năm tới”, các nhà kinh tế của JPMorgan viết trong một báo cáo công bố ngày 15/3. “Nhìn chung điều này phù hợp với dự báo của chúng tôi rằng chính sách tiền tệ tiếp tục bị thắt chặt hơn sẽ đẩy Mỹ rơi vào suy thoái cuối năm nay”.
Trong phiên giao dịch ngày 15/3, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục dẫn đầu đà giảm của Phố Wall sau khi phục hồi nhẹ trong phiên trước đó. Giá cổ phiếu First Republic giảm 21% còn PacWest giảm gần 13%. Tuy nhiên, cổ phiếu năng lượng là nhóm giảm điểm mạnh nhất do giá dầu lao dốc hơn 5%. Hợp đồng tương lai dầu WTI giao dịch ở mức 67,61 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 12/2021.
Trong khi đó, chỉ số CBOE VIX theo dõi sự biến động của thị trường tăng vọt lên mức 29,91 điểm trong phiên 15/3, trước khi đóng cửa ở mức 26,1 điểm, tăng 10% so với phiên trước đó. Chỉ số S&P 500 đóng cửa giảm 0,7% còn 3.819 điểm.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm đứng ở mức 3,93% trong phiên giao dịch buổi chiều, sau khi giảm mạnh xuống còn 3,72%. Phiên trước đó, lợi suất đứng ở mức 4,22%. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm thường phản ánh sát nhất quan điểm của các nhà đầu tư về đường đi chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
“Tôi cho rằng mọi người đều đang căng thẳng”, ông Caron nhận xét. “Chúng ta có thể chứng kiến các ngân hàng nhỏ và vừa ở Mỹ và kể cả các ngân hàng lớn thắt chặt điều kiện cho vay".
Fed dang cố gắng hạ nhiệt tăng trưởng của nền kinh tế và thị trường lao động mạnh để ghìm lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 6% trong tháng 2 - con số vẫn cao dù đã “hạ nhiệt” so với các tháng trước đó. Tuy nhiên, vụ việc liên quan tới các ngân hàng phá sản gần đây đang khiến các nhà đầu tư lo rằng việc tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ kéo nền kinh tế đi xuống và việc Fed tiếp tục tăng lãi suất sẽ càng đẩy nhanh quá trình này.
Biến cố của ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse diễn ra ngay giữa lúc thị trường đang lo ngại về tình hình của các ngân hàng ở Mỹ sau vụ ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank phá sản - Ảnh: Getty Images
“Tôi cho rằng Fed sẽ không tăng lãi suất trong tuần tới”, ông John Briggs, giám đốc toàn cầu về chiến lược kinh tế và thị trường tại NatWest Markets, nói. “Tín dụng giống như dầu đối với một cỗ máy vậy. Kể cả khi cú sốc ngắn hạn đã được giải tỏa phần nào và chúng ta không lo về các tổ chức tài chính nói chung, nhưng tâm lý lo ngại rủi ro sẽ hình thành và khiến hoạt động tín dụng trong nền kinh tế suy giảm”.
Theo ông, hệ quả từ việc hoạt động cho vay giảm xuống có thể là giảm phát hoặc ít nhất là một cú sốc giảm lạm phát.
“Hầu hết doanh nghiệp nhỏ đều được các ngân hàng cộng đồng khu vực cấp vốn. Nhưng sau tất cả những gì đã xảy ra, kể cả ngân hàng vẫn ổn thì nhiều khả năng họ sẽ không cấp tín dụng cho một tiệm giặt khô mới”, ông Briggs phân tích.
Theo các chiến lược gia của công ty nghiên cứu CFRA Research, hiện vẫn còn rất mơ hồ về động thái tiếp theo của Fed.
“Việc chỉ số CPI và Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm xuống gần đây, cũng như việc doanh số bán lẻ giảm trong tháng trước, khiến nhiều nhiều người tin rằng Fed sẽ nới lỏng chính sách thắt chặt tiền tệ cứng nhắc của mình. Nhưng chưa có gì rõ ràng hay chắc chắn cả”, ông Sam Stovall, chiến lược gia trưởng tại CFRA nói. “Chỉ còn một tuần nữa sẽ có báo cáo và họp báo của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vào ngày 22/3 nhưng bạn có thể cảm thấy như vô tận. Việc chờ đợi tuyên bố của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sắp tới và phản ứng với cuộc khủng hoảng ngân hàng mới phát sinh ở châu Âu cũng làm tăng thêm sự biến động và thiếu chắc chắn”.
ECB dự kiến họp vào ngày 16/3 và được dự báo sẽ tăng lãi suất cơ bản 0,5 điểm phần trăm, nhưng một số chiến lược gia cho rằng ở thời điểm hiện tại, điều này sẽ khó xảy ra.
Trong khi đó, các nhà kinh tế của JPMorgan dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp vào thứ Tư tuần sau và thêm một lần tăng 0,25 điểm phần trăm nữa vào tháng 5.
Còn nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics lại dự báo Fed sẽ không nâng lãi suất vào tuần tới và có thể phát tín hiệu rằng chu kỳ tăng lãi suất đã chấm dứt. Ông cũng dự báo kinh tế Mỹ sẽ không suy thoái và vẫn có thể “hạ cánh mềm”.
“Theo tôi mọi người không nên đánh giá tháp tác động của việc lãi suất ngừng tăng. Lãi suất cho vay thế chấp mua nhà sẽ giảm và là một cú huých cho thị trường nhà ở”, ông Zandi nói. “Tuy nhiên, ông cho rằng Fed sẽ chưa đảo chiều chính sách và giảm lãi suất bởi cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa chấm dứt”.
Nguồn: TBKTVN