Thách thức và triển vọng trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu năm 2023
Năm 2022 là một năm cực kỳ biến động đối với ngành năng lượng toàn cầu. Các vấn đề về chuỗi cung ứng, xuất hiện trong thời gian phong tỏa vì Covid-19, cũng như cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến giá cả tăng vọt. Sự leo thang giá năng lượng là một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy lạm phát toàn cầu.
Đó là nhận định của chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng Sirri Uyanik, giảng viên tại Đại học Karatay (Thổ Nhĩ Kỳ) với hãng thông tấn Anadolu mới đây.
Theo ông Uyanik. với sự tăng giá của khí đốt tự nhiên, dầu mỏ, than đá và điện, đặc biệt là vào mùa xuân, cộng với những lo ngại về khả năng tiếp cận nguồn cung năng lượng, thế giới đã chứng kiến cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trong lịch sử.
Bên cạnh đó, địa chính trị năng lượng đã trở thành vấn đề mang tính quyết định trong quan hệ quốc tế. Sau khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine và với nguồn năng lượng dồi dào của mình, Nga đã nhắc nhở điều này bằng tuyên bố: “Năng lượng không bao giờ chỉ là năng lượng”.
Xung đột và các biện pháp trừng phạt sau đó từ phương Tây, các cùng chính sách năng lượng mới đã dẫn đến sự phân chia thị trường năng lượng với sự phân phối lại các nguồn tài nguyên trên toàn cầu.
Do đó, những diễn biến chính trị và những lo ngại về an ninh năng lượng đã cản trở một phần nỗ lực chống biến đổi khí hậu hoặc gây ra sự chậm trễ trong việc đạt được một số mục tiêu trong cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu.
Một số nước ở châu Âu mở lại nhà máy điện than và thế giới quay trở lại với nhiên liệu hóa thạch. Trong hai tháng qua, cường độ carbon trong sản xuất điện đã vượt quá 700 gram carbon dioxide (gCO₂eq/kWh) ở nhiều quốc gia.
Dự báo trong năm 2023, ông Uyanik cho rằng vai trò của nhà nước trong các chính sách năng lượng có nhiều khả năng sẽ được tăng cường. Thật vậy, xu hướng toàn cầu hóa đang có sự điều chỉnh, do đó các chính phủ và chính sách công sẽ vẫn mang tính quyết định về các biện pháp khuyến khích và can thiệp thị trường.
"Thuế biên giới carbon" của EU và xu hướng công nghệ năng lượng sạch của Mỹ có thể làm gia tăng cạnh tranh và căng thẳng giữa hai bên.
Mối quan hệ giữa OPEC và Nga, cũng như hạn ngạch và lệnh trừng phạt, sẽ tiếp tục là chủ đề nóng trong ngành dầu mỏ. Suy thoái kinh tế có thể là một yếu tố khác sẽ ảnh hưởng đến thị trường này.
Ngoài ra, các nước châu Âu sẽ tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ năng lượng với số lượng kỷ lục để hỗ trợ công dân của họ chống lại giá điện và khí đốt cao hơn. Đức đã công bố gói cứu trợ trị giá 265 tỷ euro, tương ứng với 7% GDP của họ.
Trong khi đó, việc tìm kiếm LNG (từ Mỹ, Qatar, châu Phi) thay thế cho khí đốt của Nga, mà EU vốn phụ thuộc lớn vào Moskva, và nghiên cứu khả thi về sản xuất hydro xanh sẽ là một trong những xu hướng quan trọng trong những năm tới.
Chuyên gia năng lượng Uyanik kết luận diễn biến địa chính trị sẽ quyết định việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và số lượng khí thải. Bất chấp sự ủng hộ của các chính phủ và giới bảo vệ môi trường, những trở ngại quan trọng nhất đối với chuyển đổi năng lượng sạch sẽ là những lo ngại về an ninh năng lượng toàn cầu và sự bất cập của cơ sở hạ tầng (đặc biệt là mạng lưới truyền tải).
Nguồn: Báo Đầu tư