Thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu: Cần gấp rút sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo phân tích của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam đang sử dụng ưu đãi thuế như một công cụ đòn bẩy tài chính để thu hút đầu tư. So với các nước trong khu vực, thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam có vẻ hấp dẫn.

ĐÃ ĐẾN LÚC SỬA LUẬT
Mặc dù con số chính thức 20% là khá cao nhưng thuế suất ưu đãi (đặc biệt) thường được áp dụng lại rất hấp dẫn, dao động từ 5% đến 17% tùy theo lĩnh vực, quy mô và địa bàn đầu tư. Hơn nữa, pháp luật hiện hành của Việt Nam cho phép các hình thức miễn giảm thuế, do đó thuế suất thực tế đối với FDI trong suốt thời gian đầu tư trung bình là 12,3%, với một số tập đoàn lớn, con số này thậm chí chỉ là một vài phần trăm.

Tuy nhiên, lợi thế này chắc chắn sẽ không còn khi thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi.

Tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã bày tỏ sự “sốt ruột” vì thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề cấp bách, cần có hành động chính sách, sửa đổi nội luật để tận dụng cơ hội và thích ứng với thách thức nhưng lại chưa thấy xuất hiện trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024.

Bởi vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng tìm đối sách cho thuế tối thiểu toàn cầu là việc rất cấp bách trong giai đoạn hiện nay và sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong những giải pháp thích ứng đầu tiên. Nhấn mạnh luật này dứt khoát phải làm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ nếu không làm ngay, có nghĩa Việt Nam từ bỏ quyền đánh thuế bổ sung và năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thu hút vốn FDI sẽ bị tác động rất nặng nề.

Sau phiên họp, tại văn bản số 2186/TB-TTKQH của Tổng Thư ký Quốc hội thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 nêu rõ, đề nghị Chính phủ cần khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đưa vào Chương trình năm 2023, năm 2024, kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; trong đó, cần tập trung nghiên cứu, xử lý nội dung liên quan đến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo đảm kịp thời áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.

Liên quan đến triển khai lập đề nghị xây dựng 3 đề án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) để đăng ký vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết: đến nay Bộ Tài chính đã xây dựng, hoàn thiện hồ sơ và ban hành công văn để gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, hiệp hội về việc lập đề nghị xây dựng về các dự án luật này. 

Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng và thực hiện thủ tục trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu với hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 cho đến khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) được ban hành và thay thế cho Nghị quyết này.

Đối với dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) liên quan đến chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng và thực hiện thủ tục để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, tháng 5/2023. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu với hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 cho đến khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) được ban hành và thay thế cho Nghị quyết này.

Theo các chuyên gia, Việt Nam phải thực hiện các quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu càng sớm càng tốt, bởi nếu không, khoản “thuế chênh lệch” sắp tới của các công ty đa quốc gia đặt tại Việt Nam sẽ được thu hồi về các quốc gia đã thực hiện chúng.

Hàn Quốc, một quốc gia đối tác quan trọng của Việt Nam, đã triển khai thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu thuế suất tối thiểu toàn cầu được áp dụng, thì bất kỳ khoản tiết kiệm thuế nào mà các công ty đa quốc gia đủ điều kiện tại Việt Nam đang được hưởng sẽ bị mất. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ được đánh thuế các công ty lớn (bao gồm cả trong mảng công nghệ) mà không lo bị chính phủ các nước phát triển trả đũa.

Mặt khác, môi trường đầu tư tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia khác có cơ chế chia sẻ lợi ích liên quan đến quy định thuế mới này.

Thuế tối thiểu toàn cầu là thách thức rất lớn nhưng cũng mang đến cơ hội mới cho Việt Nam. Trốn thuế, chuyển giá từng là vấn đề nhức nhối trong quá khứ nhưng tới đây sẽ phải được giải quyết trong bối cảnh thảo luận sửa đổi khung pháp lý về thuế để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu.

ĐỊNH VỊ LẠI LỢI THẾ CẠNH TRANH
Chia sẻ kinh nghiệm thực thi thuế tối thiểu toàn cầu ở Đức, GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia của Viện Friedrich Naumann (Đức) tại Việt Nam, cho biết cơ chế thuế này được nhìn nhận một cách tích cực dù đâu đó có ý kiến lo ngại. “Người ta hy vọng rằng một loại thuế như vậy sẽ giúp chống lại các thiên đường thuế và các chiêu trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Hầu hết các chính trị gia Đức đều ủng hộ dự án này, vì nó buộc các tập đoàn đa quốc gia trả phần thuế hợp lý của họ và do đó mang lại nhiều tiền hơn cho ngân sách. Thuế tối thiểu toàn cầu là một thực tế mà Việt Nam cùng với hơn 140 quốc gia trên toàn thế giới phải chấp nhận, không còn là vấn đề phải bàn cãi nữa”, GS.TS. Andreas Stoffers nói.

Nguồn: TBKTVN