Thời thế cắt giảm

Mới đây, trong báo cáo về thói quen tiêu dùng toàn cầu, PwC đã nêu ra 2 vấn đề quan trọng. Trong đó, 62% người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết và sẽ chi tiêu ít hơn cho các mặt hàng xa xỉ. 

Sóng gió kinh doanh

Là người đam mê và theo đuổi công nghệ nhưng anh Đặng Công (30 tuổi, quận 3, TP.HCM) đã không lên đời smartphone bằng chiếc Galaxy S23. “Công ty cắt giảm lương, tiền  nhà, tiền ăn... lại tăng cao nên tôi nghĩ nên tạm hoãn mua smartphone mới không có gì phải bàn”, anh nói.

Những người như anh Công đang đẩy nhiều doanh nghiệp bán lẻ công nghệ rơi vào khó khăn và tạo ra bức tranh tương đối ảm đạm đối với nền kinh tế nói chung. Theo dữ liệu từ nền tảng của Payoo, trong quý I, đa phần các cửa hàng thuộc nhóm điện thoại, điện máy đều giảm 30-50% doanh thu so với quý trước.

 

Thực tế, không đợi đến báo cáo PwC công bố, hầu hết lãnh đạo các công ty cùng chung cảm nhận, 2023 là năm rất gian khó. Dù GDP quý I ước tăng 3,32% so với cùng kỳ nhưng đây là mức giảm sâu nhất trong giai đoạn 2011-2023 (chỉ cao hơn tốc độ của quý I/2020).

Trong bối cảnh khó khăn này, doanh nghiệp cũng đã thấm đòn. Mới 3 tháng đầu năm nay, doanh thu lũy kế của chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đã giảm tới 34% so với cùng kỳ. Nguyên nhân được xác nhận là do nhu cầu giảm. Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), cho biết doanh thu sụt giảm còn vì nhu cầu vay trả góp giảm. Nếu trong quá khứ, có những thời điểm doanh thu từ vay tiêu dùng chiếm đến 35% tổng doanh thu và Công ty có đến 3-4 đối tác trả góp thì nay chỉ còn 1 bên có khả năng cung cấp dịch vụ. Tỉ lệ hồ sơ được xét duyệt vay cũng chỉ chiếm 20% trong khi trước đây có khi lên đến 60-70%.

Ở TTC Hospitality (VNG), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phan Thị Hồng Vân chia sẻ: “Ngoài mùa Tết thì số liệu kinh doanh đầu năm thật sự ảm đạm”. Người đứng đầu TTC Hospitality dự báo: “Đến quý III và quý IV hoặc từ vào mùa hè tháng 7 trở đi, tình hình du lịch mới có thể khởi sắc tại thị trường Việt Nam”.

Ngay cả những công ty lớn như Vinamilk cũng đưa ra kế hoạch khá thận trọng cho năm 2023. Hãng sữa này ước đạt doanh thu khoảng 63.380 tỉ đồng, chỉ tăng 5,5% so với năm ngoái; lợi nhuận dự kiến đi ngang. Riêng Đạm Cà Mau (DCM), Đạm Phú Mỹ (DPM), Digiworld (DGW) thì lên phương án kinh doanh sụt giảm. Digiworld ước chỉ đạt 20.000 tỉ đồng doanh thu và 400 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 9% và 42% so với năm ngoái.

 

Ông Đoàn Hồng Việt, CEO của Digiworld, cho biết: “Nội bộ đã họp nhiều lần để đi đến quyết định đặt ra kế hoạch kinh doanh thận trọng hơn vì các yếu tố khó đoán của nền kinh tế trong và ngoài nước vẫn đang hiện hữu”.

“Thói quen chi tiêu của người tiêu dùng cũng dần thay đổi. Người tiêu dùng đang có xu hướng cắt giảm chi tiêu, kết hợp mua sắm trực tiếp và trực tuyến và ưu tiên sử dụng sản phẩm từ các nhà cung cấp có uy tín. Các doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ các xu hướng này và kịp thời thích ứng để có thể duy trì tính cạnh tranh trong một thị trường không ngừng thay đổi”, ông Johnathan Ooi, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Thương vụ, PwC Việt Nam, nhận định. 

Thức thời đổi mới 

Dù chi tiêu sụt giảm nhưng theo báo cáo PwC, hầu hết người tiêu dùng sẵn lòng chi trả giá cao hơn để mua sản phẩm của các công ty có đạo đức kinh doanh và biết quan tâm đến phát triển bền vững. Đây là xu thế mà nhiều doanh nghiệp đã nhìn thấy. Chẳng hạn, Rạng Đông đã sản xuất loại bóng đèn compact chuyên dụng với thời gian chiếu sáng giảm từ 10 giờ xuống còn 8 giờ, 4 giờ, thậm chí 1 giờ. Ngoài ra, Công ty còn chế tạo các thiết bị chao chụp giúp tập trung ánh sáng, nâng cao năng suất cây trồng cho nông dân...

Hay ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Việt Thắng Jean, cho biết sản phẩm dệt may truyền thống xuất sang thị trường châu Âu có giá khoảng 11 USD/cái, trong khi sản phẩm sử dụng nguyên liệu hữu cơ hoặc nguyên liệu tái chế, đáp ứng tiêu chí sản xuất bền vững có thể bán được với giá 23 USD/cái. Hiện tỉ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn Ecotech của Việt Thắng Jean đang chiếm 35% cơ cấu sản xuất của doanh nghiệp này. Ông Việt cho biết, đây cũng là nhóm sản phẩm có thị trường ổn định nhất vì rất được người tiêu dùng EU đón nhận.

Nhìn chung, đến 80% số doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện các cam kết ESG hoặc dự định xây dựng bộ tiêu chuẩn này, theo PwC. Đặc biệt, năm 2021, Việt Nam đã phát hành 1,5 tỉ USD trái phiếu xanh, đứng thứ 2 trong ASEAN và cao gấp 5 lần so với năm 2020. Điều này cho thấy mức độ quan tâm ngày càng lớn đến yếu tố xanh và tiêu chuẩn ESG. Các doanh nghiệp cũng có thể tập trung phát triển danh mục sản phẩm và các tính năng phù hợp, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, theo kiến nghị của PwC. Thực tế, từ 2 năm trước, theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Việt Nam đã là 1 trong 4 quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình bắt kịp đà tăng chỉ số đổi mới sáng tạo của thế giới, xếp thứ 44. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chú trọng đến yếu tố quản lý dữ liệu. 79% doanh nghiệp đồng ý rằng không nắm bắt được dữ liệu lớn có thể mất lợi thế cạnh tranh và thậm chí dẫn đến phá sản, theo Accenture. Vì thế, PwC đề xuất, việc thu thập, phân tích dữ liệu người dùng là rất quan trọng. 

Qua nghiên cứu về nhu cầu và các hành vi thói quen mua sắm, doanh nghiệp có thể hiểu khách hàng và biết cách tiếp cận khách hàng hợp lý hơn, để có thể mở rộng “khách hàng” sang “người tiêu dùng”. Công nghệ cũng giúp các doanh nghiệp dự báo được kết quả và những tác động liên quan để đưa ra quyết định chuẩn xác hơn. Mặt khác, muốn tạo trải nghiệm tốt cho khách hàng, PwC cho rằng, các doanh nghiệp cần đổi mới và tổ chức nhiều khóa đào tạo kỹ năng.

Rõ ràng, công nghệ góp phần tạo ra các thay đổi để giúp doanh nghiệp trụ vững trong bối cảnh khó khăn. PwC còn cho rằng, từ quản trị hệ thống dữ liệu, các doanh nghiệp có thể đón đầu các xu hướng, dự trù chi phí từ các mô hình kinh doanh mới (cá nhân hóa tiêu dùng), quản lý hàng tồn kho, tăng khả năng phục hồi.

Nguồn: Nhipcaudautru