Xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục suy giảm, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng mới

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 4/2023 ước đạt 4,54 tỷ USD, giảm 1,2 triệu USD so với tháng 3/2023, và so với cùng kỳ năm 2022 giảm 8,3%.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản chỉ đạt 15,66 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến hết tháng 4/2023, toàn ngành nông lâm ngư nghiệp xuất siêu 2,51 tỷ USD, giảm 37,7% so với cùng kỳ năm trước.

XUẤT KHẨU SẢN PHẨM GỖ GIẢM GẦN 37%
Cụ thể, đối với ngành gỗ, trong tháng 4/2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đem về 1,2 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng 3/2023, nhưng giảm 24,5% so với tháng 4/2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 820 triệu USD, tăng 6% so với tháng 3/2023, nhưng giảm 28,2% so với tháng 4/2022.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4 tỷ USD, giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2,6 tỷ USD, giảm 36,7% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ (mây, tre, cói thảm) là 245 triệu USD, giảm 29,2%.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh là do giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp ngành gỗ.

Bên cạnh đó, yếu tố lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có tác động nhất định đến xu hƣớng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm không thiết yếu như gỗ và sản phẩm gỗ tại một số thị trường lớn như Mỹ, EU, khiến nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh.

Hơn nữa, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với mặt mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam.

Ngoài ra, phòng vệ thương mại giữa các quốc gia có nhiều diễn biến phức tạp. Ngành gỗ đối mặt với các vụ kiện về ván dán và các vụ điều tra về mặt hàng tủ bếp và bàn trang điểm đối với thị trường Mỹ. Ngành bất động sản tại các thị trường lớn như Mỹ, EU... đang ở giai đoạn trầm lắng.

Trong khi xuất khẩu các mặt hàng gỗ, đặc biệt là mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam phụ thuộc lớn vào hoạt động của ngành này. Hiện tại, chưa có tín hiệu ngành sẽ khởi sắc trong năm 2023.

Cùng với đó, doanh nghiệp ngành gỗ còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao. Nhiều doanh nghiệp còn đang trong tình trạng thiếu đơn hàng do nhu cầu yếu từ các thị trường tiêu thụ chính. Vì vậy, các doanh nghiệp vẫn phải tìm mọi biện pháp để duy trì sản xuất, giữ chân lao động để chờ tình hình khởi sắc hơn.

Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa đầu năm 2023 sẽ giảm từ 28% đến 32% so với cùng kỳ năm 2022.

CHỦ ĐỘNG TÌM KIẾM VÀ MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết không chỉ kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm sâu, mà kim ngạch thủy sản cũng giảm nhiều. Trong tháng 4/2023, giá trị xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 800 triệu USD, giảm 28,6 so với tháng 4/2022.

Trong khi đó, nhóm hàng nông sản và chăn nuôi đã chứng kiến kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Cụ thể, trong tháng 4/2023 so với cùng kỳ năm 2022, nhóm nông sản đạt 2,33 tỷ USD, tăng 24%; chăn nuôi đạt 41 triệu USD, tăng 46,7%.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, gồm: Cà phê 1,7 tỷ USD, tăng 2,5%; rau quả 1,39 tỷ USD, tăng 19,4%; hạt điều 942 triệu USD, tăng 3,4%; thịt, phụ phẩm 45 triệu USD, tăng 63,7%.... Đặc biệt, xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm đạt giá trị 1,56 tỷ USD, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, cũng có những mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm, như: Cao su 684,8 triệu USD, giảm 20,1%; chè đạt 50 triệu USD, giảm 5,8%; hồ tiêu đạt 325 triệu USD, giảm 10,2%; sắn và sản phẩm sắn đạt 453 triệu USD, giảm 12,1%; cá tra đạt 558 triệu USD, giảm 39,9%; tôm đạt 843 triệu USD, giảm 39,6%

Trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường  lớn nhất cho xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,9%, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ chiếm 18,9%, giảm 40,5% và Nhật Bản chiếm 8,1%, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

Giá xuất khẩu bình quân một số nông sản xuất khẩu chính giảm, cụ thể: Hồ tiêu 5.846 USD/Tấn, giảm 34,3%; phân bón các loại 421 USD/Tấn, giảm 33,6%; cao su 1.392 USD/Tấn, giảm 21,2%; sắn và sản phẩm từ sắn 384 USD/Tấn, giảm 11,2%... Riêng giá gạo đạt 526 USD/Tấn, tăng 7,6%; cà phê đạt 2.261 USD/Tấn, tăng 0,7%.

Về thị trường xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 7,58 tỷ USD, tăng 2,7%; châu Mỹ đạt 3,28 tỷ USD, giảm 39,6%; châu Âu đạt 1,93 tỷ USD, giảm 13%; châu Phi đạt 223 triệu USD, giảm 21,2%; châu Đại Dương đạt 216 triệu USD, giảm 31%.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm và thị trường xuất khẩu tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn là do kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại; ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga - Ukraine; lạm phát cao tại một số nước trên thế giới, trong đó có những thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...), làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu (sức mua, cầu giảm).

Bên cạnh đó, nhiều nước đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và tăng nguồn cung trên thị trường; trong khi lượng hàng tồn nhập khẩu 2022 của một số thị trường tiêu thụ lớn như Hoa Kỳ, EU… còn lớn khiến, nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới. Giá nguyên liệu vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản biến vẫn đang ở mức cao, ảnh hưởng đến điều tiết, quản trị sản xuất kinh doanh và tác động đến thu nhập của nông dân, lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trong thời gian tới tình hình thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, vì vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó tập trung vào tiêu chí giá sản phẩm phải tốt; sản phẩm phải phù hợp với thị hiếu; sản phẩm phải đạt chất lượng và có chính sách hậu mãi tốt. Song song với đó là tái cấu trúc, tổ chức lại sản xuất của doanh nghiệp, trong đó chú trọng đổi mới công nghệ, hoàn thiện hệ thống quản trị sản xuất, nâng cao tính hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh sản xuất sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Cụ thể, sẽ tổ chức các hoạt động (1) Đoàn công tác làm việc với 2 tỉnh: Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) để đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản;  (2)Tổ chức Diễn đàn “970” kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ rau gia vị sang thị trường EU; (3) Chuẩn bị tổ chức chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam tại Vương quốc Anh (nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Anh).

Nguồn: TBKTVN