Quay lại

Thời trang nhanh bắt đầu đụng “tường lửa” tại châu Âu

Hạ viện Pháp mới đây đã thông qua dự luật xử phạt các sản phẩm “thời trang nhanh”, nhằm hạn chế tác động tới môi trường của các sản phẩm này. Với 146 phiếu ủng hộ và không có phiếu chống, dự luật  mới của Pháp sẽ được chuyển tới Thượng viện để xem xét trước khi có thể trở thành luật.

Dự luật này được đưa ra trong bối cảnh Bộ Môi trường Pháp cho biết họ sẽ đề xuất lệnh cấm xuất khẩu quần áo đã qua sử dụng của Liên minh châu Âu nhằm giải quyết vấn đề rác thải dệt may ngày càng trầm trọng. Sự phổ biến của các nhà bán lẻ thời trang Shein và Temu - tăng quy mô đơn đặt hàng dựa trên nhu cầu nhờ chuỗi cung ứng cực kỳ linh hoạt - đã làm gián đoạn lĩnh vực bán lẻ, trong khi những công ty lâu đời như Zara và H&M tiếp tục chủ yếu dựa vào việc dự đoán sở thích của người mua hàng.

Dự luật cho biết: "Sự phát triển của ngành may mặc theo hướng thời trang không bền vững, kết hợp với số lượng tăng và giá thấp, đang ảnh hưởng đến thói quen mua hàng của người tiêu dùng bằng cách tạo ra các xung lực mua hàng và nhu cầu đổi mới liên tục, điều này dẫn tới hậu quả về môi trường, xã hội và kinh tế". Viết trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Bộ Môi trường Pháp Christophe Béchu mô tả dự luật là một "bước tiến lớn", đồng thời nói thêm: "Một bước tiến lớn đã được thực hiện để giảm ảnh hưởng tới môi trường của ngành dệt may".

Hạ viện Pháp mới đây đã thông qua dự luật xử phạt các sản phẩm “thời trang nhanh”, nhằm hạn chế tác động tới môi trường của các sản phẩm này.

Hạ viện Pháp mới đây đã thông qua dự luật xử phạt các sản phẩm “thời trang nhanh”, nhằm hạn chế tác động tới môi trường của các sản phẩm này.

Mặc dù nhận được sự ủng hộ từ các nghị sĩ Quốc hội, cũng như các Hiệp hội về môi trường, nhưng dự luật này vẫn đang vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều trong xã hội Pháp. Một số ý kiến cho rằng tác động duy nhất của dự luật là "làm suy yếu sức mua của người tiêu dùng Pháp, vào thời điểm họ đã phải hứng chịu tác động của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt".

Trước đó, ngày 13/3, Nghị viện châu Âu (EP) cũng đã bỏ phiếu thông qua các đề xuất nhằm ngăn chặn và giảm thiểu hiệu quả rác thải thực phẩm và dệt may trên toàn Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể, tại phiên họp toàn thể diễn ra ở Strasbourg (Pháp), các nghị sỹ EP đã thông qua lập trường về đề xuất sửa đổi Chỉ thị về chất thải dệt may và thực phẩm với 514 phiếu thuận, 20 phiếu chống và 91 phiếu trắng. Đề xuất này nhằm giảm lượng rác thải thực phẩm từ nay đến năm 2030, đồng thời siết chặt các quy định về rác thải dệt may liên quan ngành công nghiệp thời trang nhanh.

Các nước thành viên được yêu cầu nỗ lực thực hiện các mục tiêu mang tính ràng buộc và tham vọng hơn từ nay đến năm 2030 đồng thời xem xét thêm và yêu cầu EC đánh giá về khả năng đưa ra các mục tiêu cao hơn (lần lượt ít nhất 30% và 50%) cho năm 2035.

Đề xuất trên đặt ra các nghĩa vụ mới đối với lĩnh vực dệt may, với việc đề nghị thiết lập các chương trình mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) nhằm buộc các công ty có các sản phẩm dệt may bán ra thị trường phải chịu trách nhiệm về toàn bộ vòng đời của sản phẩm. Các nhà sản xuất sẽ phải chịu trách nhiệm thu thập, phân loại và tái chế quần áo cũng như mọi vật dụng từ thảm đến nệm, dựa trên trách nhiệm của các quốc gia thành viên.

Xét trên toàn cầu, chưa đến 1% lượng rác thải dệt may được tái chế.

Xét trên toàn cầu, chưa đến 1% lượng rác thải dệt may được tái chế.

Sau khi EP thông qua lập trường về đề xuất trên, các cuộc đàm phán với các nước thành viên EU sẽ do nghị viện mới phụ trách. Ước tính  mỗi năm lại có 12,6 triệu tấn rác thải trong ngành dệt may tại EU. Xét trên toàn cầu, chưa đến 1% lượng rác thải dệt may được tái chế.

Theo báo cáo thường niên State of Fashion do The Business of Fashion và McKinsey & Company phát hành, trong số những ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất thế giới, thời trang chiếm từ 3% đến 5% lượng khí thải carbon toàn cầu và là một trong số những ngành công nghiệp gây ô nhiễm hàng đầu thế giới. Báo cáo cho biết thêm khoảng một nửa số sợi được ngành công nghiệp sản xuất là dạng polyester gốc dầu.

Năm 2023, Pháp đã đưa ra chương trình khuyến khích người dân sửa chữa và tái sử dụng quần áo và giày dép cũ thay vì vứt chúng đi. Chính phủ Pháp cam kết chi 154 triệu Euro (168 triệu USD) cho sáng kiến này, hoàn trả cho người mua hàng số tiền lên tới 25 Euro (27,20 USD) cho mỗi sản phẩm may mặc họ đã sửa chữa. Vào thời điểm đó, Bộ Sinh thái nước này cho biết người dân Pháp đã vứt đi 700.000 tấn quần áo - 2/3 trong số đó được đưa vào bãi rác - mỗi năm.

Các nhà hoạt động môi trường ở châu Âu phần lớn nhắm thẳng tới Shein khi cho rằng quần áo polyester do hãng sản xuất có tác động tiêu cực đến môi trường, và chiến lược tiếp thị khuyến khích mua sắm quá mức. Tại Đức, tổ chức Greenpeace đã phân tích 42 sản phẩm may mặc giá rẻ được mua trên khắp nước Áo, Đức, Italy, Thụy Sĩ và Tây Ban Nha và nói rằng 15% trong số đó vi phạm luật pháp châu Âu về hóa chất…

Theo Financial Times, doanh thu toàn cầu của Shein có thể đạt gần 60 tỷ USD năm 2025. Và hãng này đang tìm cách gia tăng hiện diện tại châu Âu trong bối cảnh lạm phát cao hiện nay đã sản sinh ra các nhà bán lẻ hàng giá rẻ. "Shein đã trở thành một đối thủ nặng ký trong ngành thời trang châu Âu, khi bán quần áo dưới 10 Euro. Họ có thể sản xuất thời trang trong nháy mắt và tiếp thị mạnh mẽ", ông Yann Rivoallan, Chủ tịch Liên đoàn quần áo may sẵn dành cho phụ nữ Pháp cho biết.

Các thương hiệu thời trang nhanh giá rẻ như Shein được cho là khuyến khích người dân tiêu dùng quá mức.

Các thương hiệu thời trang nhanh giá rẻ như Shein được cho là khuyến khích người dân tiêu dùng quá mức.

Công ty thời trang nhanh của Trung Quốc phản bác trong một tuyên bố với Reuters rằng quần áo mà họ sản xuất ra đáp ứng nhu cầu hiện có, điều này cho phép tỷ lệ hàng may mặc không bán được luôn ở mức thấp một con số, trong khi những các hãng may mặc truyền thống có thể có đóng góp tới 40% lượng rác thải. Đồng thời, phủ nhận các hoài nghi về điều kiện lao động, Phó chủ tịch Shein khẳng định công ty chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng, kiểm tra các nhà thầu phụ và yêu cầu sử dụng năng lượng mặt trời hoặc năng lượng tái tạo để giảm 30% lượng khí thải CO2 vào năm 2030.

Chuyên gia tiêu dùng Panhuber của Greenpeace nhấn mạnh “vấn đề lớn nhất là số lượng quần áo được sản xuất”. Theo đó, khi mà việc yêu cầu ngành dệt may ngừng sản xuất hoàn toàn polyester khó có thể xảy ra, thì giải pháp là mua ít quần áo hơn. Cô nói: “Chúng ta phải giảm mức tiêu thụ. Thay vì tiêu thụ nhiều hơn, chúng ta mua sản phẩm chất lượng để có thể sửa chữa, tái sử dụng và nâng cấp khi cần”.

Nguồn: TBKTVN