Thúc đẩy các giải pháp dựa vào tự nhiên trong phát triển bền vững doanh nghiệp

Tại Hội nghị COP-27, lần đầu tiên các giải pháp dựa vào tự nhiên (Nature Based Solutions - NbS) được đề cập trong quyết định bao trùm. Đến COP-28, NbS là điểm sáng được đánh giá cao và tập trung thảo luận bởi các chuyên gia, các tổ chức cũng như các doanh nghiệp.

NBS LÀ ƯU TIÊN CỦA VIỆT NAM

NbS được hiểu là các giải pháp sử dụng các hệ sinh thái và quy trình tự nhiên để giải quyết các thách thức xã hội, kinh tế và môi trường. NbS bảo vệ, phục hồi thiên nhiên đồng thời mang lại lợi ích kinh tế, xã hội cho con người.

Theo Ngân hàng thế giới, dự kiến nhóm giải pháp này có thể đóng góp 37% lượng cắt giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2030 theo Thỏa thuận Paris, đồng thời mang lại những lợi ích bổ sung như tăng cường khả năng chống chịu, sức phục hồi cho môi trường và hệ sinh thái trước thiên tai.

Tại COP 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh quan điểm “Mọi hành động ứng phó với biến đổi khí hậu phải dựa vào tự nhiên, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể để phát triển bền vững”. Đây là “kim chỉ nam”, phương châm hành động cho các cấp chính quyền, cho người dân, khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên.

Tại buổi tập huấn cho các cơ quan truyền thông về phát triển bền vững năm 2024 với chủ đề “Hướng tới phát triển bền vững và mục tiêu Net Zero thông qua các giải pháp dựa vào tự nhiên (NbS)”, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), nhận định đối với doanh nghiệp vốn tài chính là quan trọng nhưng còn 2 nguồn vốn khác nữa cũng quan trọng không kém nhưng dường như bị lãng quên, không được coi trọng đó là vốn xã hội và vốn tự nhiên.

Song trong thời gian tới đây, NbS trở thành một trong những hướng đi được các Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam ưu tiên mạnh mẽ.

NÂNG CAO UY TÍN, DANH TIẾNG CỦA DOANH NGHIỆP

Ông Phạm Hoàng Hải, Phụ trách Quan hệ đối tác, Ban Thư ký VBCSD, nhấn mạnh, NbS không phải là những điều xa vời mà là những vấn đề quen thuộc mà hàng ngày hàng giờ doanh nghiệp thực hành việc kinh doanh của mình.

Kinh doanh bền vững thông qua các giải pháp dựa vào tự nhiên sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín, giá trị thương hiệu và trách nhiệm của doanh nghiệp với các vấn đề xã hội. Giúp các doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cũng như tăng cường trách nhiệm giải trình, tính minh bạch trong sản xuất, kinh doanh đối với các bên liên quan.

Thúc đẩy các giải pháp dựa vào tự nhiên trong phát triển bền vững doanh nghiệp - Ảnh 1

Đồng thời giúp tạo ra các giá trị tích hợp, đồng lợi ích; mang lại giá trị về môi trường, kinh tế, xã hội cho các bên liên quan cùng tham gia; đảm bảo tính công bằng, hòa nhập, bao trùm cho cộng đồng địa phương cũng như trong chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đặc biệt, NbS giúp doanh nghiệp tăng cường quản trị rủi ro và hiệu quả tài chính. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất kinh doanh thích ứng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và thảm họa thiên nhiên, từng bước phục hồi hệ sinh thái.

Không chỉ vậy, theo các chuyên gia, các giải pháp NbS còn tạo cơ hội thúc đẩy các đầu tư từ khu vực tư nhân, nhằm nâng cao các nguồn doanh thu, lợi ích từ việc tăng cường tính chống chịu với khí hậu, từ đó giảm chi phí, nâng cao danh tiếng và tầm nhìn kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Đào Thuý Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Traphaco, cho biết Traphaco đã lựa chọn phát triển bền vững là sứ mệnh của doanh nghiệp. Ngoài việc phát triển kinh doanh, tạo hiệu quả kinh tế, Traphaco còn là doanh nghiệp luôn quan tâm chăm sóc người lao động, phát triển cộng đồng, gìn giữ hệ sinh thái xanh.

Traphaco là đơn vị tiên phong trong cuộc cách mạng Đông dược khi đưa ra sáng kiến phát triển dược liệu bền vững GreenPlan, sáng tạo mô hình liên kết 4 nhà (doanh nghiệp- Nhà nước/chính quyền địa phương- nhà khoa học- nhà nông) để phát triển vùng trồng.

GreenPlan đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hộ nông dân (từ 80-160 triệu đồng/năm), nâng cao tri thức cho bà con nông dân hợp tác trồng, thu hái dược liệu với Traphaco. Đến nay, Traphaco có 7 dược liệu có vùng trồng đạt tiêu chuẩn quốc tế GACP.

DOANH NGHIỆP THỰC HIỆN NBS NHƯ THẾ NÀO?

Hiện nay, một số thị trường như EU đã bắt buộc công bố ESG, trong đó có 2 yêu cầu quan trọng là: (i) Lập báo cáo phân bổ tài chính của doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu; (ii) Phân bổ nguồn lực tài chính cho phục hồi hệ sinh thái tự nhiên.

Các doanh nghiệp trong thị trường châu Âu đã và đang bắt đầu thực hiện điều này. Hành động này ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp Việt Nam do chúng ta tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, muốn phát triển bền vững, thực hiện NbS với các doanh nghiệp là không thể chậm trễ.

Đại diện VBCSD gợi ý 5 bước cơ bản doanh nghiệp Việt Nam cần phải thực hiện để lồng ghép NbS vào chiến lược kinh doanh của mình.

Trước hết, cần xác định các vấn đề môi trường, xã hội, kinh tế mà doanh nghiệp cần hoặc muốn giải quyết. Đánh giá tài nguyên tự nhiên sẵn có, các cơ hội mà hệ sinh thái có thể mang lại.

Thứ hai, lập kế hoạch, xây dựng chiến lược cụ thể sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững. Xác định các bên liên quan để hỗ trợ, hợp tác để triển khai các giải pháp.

Thứ ba, phát triển và triển khai các dự án: Thiết kế các dự án cụ thể nhằm cải thiện, phục hồi và bảo vệ hệ sinh thái; đảm bảo tính khả thi về ngân sách, nhân lực cũng như tiến độ các dự án.

Thứ tư, giám sát, đánh giá thực thi bằng việc liên tục theo dõi, đánh giá hiệu quả của các giải pháp NbS. Sử dụng dữ liệu thu thập được để điều chỉnh và cải thiện các giải pháp định kỳ.

Thứ năm, tăng cường nâng cao nhận thức về lợi ích của các giải pháp NbS trong cộng đồng và nội bộ doanh nghiệp. Đào tạo, tập huấn nhân viên, các bên liên quan về phương pháp cũng như lợi ích của NbS.

Nguồn: TBKTVN