Tránh gián đoạn xuất khẩu trước quy định EUDR của EU
Thông tin tại “Chương trình đào tạo, nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây, ông Hoàng Thành, Quản lý chương trình, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho biết quy định của EU về chuỗi cung ứng không gây phá rừng và suy thoái rừng (EUDR) nhằm giảm thiểu nguy cơ các sản phẩm, chuỗi cung ứng liên quan đến phá rừng, suy thoái rừng được đưa vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ thị trường EU, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, giảm mất đa dạng sinh học trên toàn cầu.
THÁCH THỨC LỚN VỚI DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
Theo đó, từ 31/12/2024, quy định này bắt đầu áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức cũng như các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia thành viên EU và tháng 6/2025 áp dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
7 hàng hóa được lựa chọn ban đầu, gồm: dầu cọ, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cà phê, cao su và một số sản phẩm có nguồn gốc từ các hàng hóa trên. Danh sách các mặt hàng và sản phẩm sẽ được cập nhật thường xuyên.
Trong 7 nhóm mặt hàng bị cấm nhập khẩu vào EU nếu quá trình sản xuất gây mất rừng, Việt Nam có 3 nhóm hàng bị tác động chính, đó là gỗ, cao su và cà phê. Trong đó, cà phê chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ EUDR vì chiếm 55% kim ngạch xuất khẩu, khoảng hơn 1,1 tỷ USD; tiếp đến là mặt hàng gỗ (636 triệu USD); cao su (252 triệu USD).
Ngoài ra, ông Thành cho hay, các mặt hàng trong lĩnh vực chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng bởi EUDR. Do nhu cầu ngày càng tăng về thịt, sữa và các sản phẩm động vật khác đòi hỏi phải có những vùng đất rộng lớn để chăn nuôi, trồng cây thức ăn... dẫn đến nạn phá rừng trên diện rộng, phát thải khí nhà kính, ô nhiễm nguồn nước...
Chỉ ra những thách thức do tác động của EUDR đến doanh nghiệp Việt Nam, ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), cho biết đầu tiên là chi phí xuất khẩu sang EU tăng, có khả năng gây rủi ro cho các công ty vừa và nhỏ: Thủ tục truy xuất nguồn gốc và chứng nhận của EUDR sẽ yêu cầu các công nghệ, quy trình và chi phí hành chính cho việc tuân thủ.
Kế đến, hàng hóa của Việt Nam sẽ bị cạnh tranh xuất khẩu và mất thị phần tại EU bởi đối thủ cạnh tranh đã sẵn sàng cho việc tuân thủ đầy đủ EUDR. Tiếp theo là hạn chế năng lực truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng. Trong đó, việc khó xác định vùng trồng hợp pháp ảnh hưởng đến kết quả đánh giá và phân loại rủi ro vùng trồng của EU theo quốc gia, vùng sản xuất.
Cụ thể, với cà phê, 40% diện tích đất trồng cà phê tại Việt Nam đã được cấp chứng chỉ sản xuất bền vững, vấn đề tồn tại là diện tích mở rộng trên nền đất rừng kể từ sau năm 2003 đến nay đã và sẽ chứng nhận sử dụng đất thế nào? Với gỗ rừng trồng sản xuất, cả nước có 3,5 triệu ha rừng sản xuất, trên 60% số hộ trồng rừng đã được nhận giấy chứng nhận sử dụng đất, diện tích rừng sản xuất có chứng chỉ bền vững hiện mới đạt khoảng dưới 10% tổng diện tích rừng sản xuất. Diện tích cây cao su tại Việt Nam hiện khoảng 918 ngàn ha, 300 nghìn hộ tiểu điền tham gia trồng chiếm hơn 50%... thông tin về tình trạng giấy chứng nhận sử dụng đất của hộ trồng cao su cũng là một vấn đề nan giải.
Nói thêm về thách thức thực hiện EUDR ở Việt Nam, TS. Nguyễn Trung Kiên, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng yêu cầu của EUDR là truy xuất nguồn gốc hàng hóa nghiêm ngặt đến tận thửa đất, lô rừng nơi hàng hóa đó được sản xuất. 100% sản phẩm phải có định vị GPS/polygon đến từng mảnh vườn. Nhưng vùng sản xuất Việt Nam do diện tích có định vị thấp, chi phí định vị cao, quy mô nhỏ lẻ, manh mún; chuỗi giá trị phức tạp với nhiều lớp trung gian.
Bên cạnh đó, EUDR yêu cầu theo dõi diễn biến mất rừng bằng công cụ viễn thám, cà phê sản xuất trên đất gây mất rừng sau ngày 31/12/2020 không được thông quan, nhưng chúng ta lại chưa rõ về nền bản đồ rừng tham chiếu phản ánh đúng thực trạng vào mốc 31/12/2020. Những vùng đã chuyển sang trồng cà phê trước năm 2020 chưa thể hiện trên nền bản đồ rừng, một số chưa trùng khớp giữa bản đồ rừng và địa chính.
“Chúng ta chưa có cơ chế, biện pháp phản hồi thông tin minh bạch, hoặc biện pháp hỗ trợ nông hộ nguy cơ cao không xâm lấn rừng và tham gia trồng phục hồi rừng. Chưa có đánh giá tổng thể về nguy cơ xã hội và thử nghiệm giải pháp can thiệp”, TS. Kiên nêu thực trạng.
Mặc dù nhiều thách thức, nhưng các chuyên gia cho rằng cơ hội cho doanh nghiệp cũng lớn không kém nếu biết tận dụng lợi ích từ những yêu cầu này. Theo ông Lăng, sản phẩm tuân thủ yêu cầu về EUDR và có chứng chỉ của Hội đồng quản lý rừng thế giới (FSC) sẽ làm tăng tính cạnh tranh và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.
Hơn nữa, EUDR giúp doanh nghiệp hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững theo một chiến lược bài bản về vùng trồng và nguồn nguyên liệu hợp pháp (nguồn gốc và vị trí đất đai, truy xuất nguồn gốc, chia sẻ thông tin và phối hợp nhận hỗ trợ của cơ quan quản lý, hiệp hội nhằm đáp ứng tuân thủ...), nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nguồn cung và đảm bảo là sự lựa chọn ưu tiên đối với bạn hàng châu Âu.
Đồng thời, doanh nghiệp đáp ứng EUDR sẽ xây dựng hình ảnh doanh nghiệp xanh, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng môi trường sống xanh, giảm thiểu biến đổi khí hậu, xây dựng nền tảng để sẵn sàng đáp ứng cho các quy định xanh khác của EU (như CBAM).
BÀI HỌC KINH NGHIỆM CỦA PERU
Để vượt qua sự phức tạp của việc tuân thủ, đại diện Bộ Công Thương dẫn chứng kinh nghiệm của Peru. Quốc gia này là nơi xuất khẩu các mặt hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR, bao gồm cà phê, ca cao, gỗ và dầu cọ chiếm khoảng 12% tổng lượng hàng xuất khẩu sang EU.
Đối mặt với EUDR, Peru đã đẩy mạnh hợp tác và phối hợp giữa các bộ của chính phủ. Khu vực tư nhân có sự hỗ trợ nhanh chóng và thiết thực từ cả người mua quốc tế và chính phủ để xác định vị trí địa lý của các khu vực sản xuất, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc và xác minh rằng luật pháp địa phương đã được tuân thủ. Hợp tác quốc tế cũng được Peru ưu tiên, theo đó nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, FAO và Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đang phát triển các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp Peru tuân thủ EUDR...
Nguồn: TBKTVN