Trung Quốc khiến lợi nhuận của các nhà sản xuất toàn cầu giảm 9%

Suy thoái kinh tế của Trung Quốc đang kéo giảm hiệu suất của ngành sản xuất toàn cầu. Ngoài sự sụt giảm của điện thoại thông minh, chất bán dẫn và các thiết bị điện tử khác, nhu cầu về máy móc cũng chậm lại do vốn đầu tư yếu.

Theo phân tích của Nikkei Asia, thu nhập ròng của khoảng 13.000 công ty niêm yết lớn ở Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản và các nền kinh tế khác trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 đạt khoảng 1,1 nghìn tỉ USD. Lợi nhuận ngành sản xuất giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, và là quý giảm thứ 4 liên tiếp.

 

Theo phân tích của Nikkei, tổng hợp dữ liệu từ QUICK và FactSet, 13.000 công ty được đưa vào danh sách nghiên cứu chiếm khoảng 90% tổng số công ty niêm yết xét về vốn hóa thị trường.

Có 9 trong số 16 ngành công nghiệp chính, chủ yếu là lĩnh vực sản xuất, báo cáo lợi nhuận giảm.

Ngành hóa chất bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi lợi nhuận giảm 43%. Lĩnh vực điện tử giảm 12%. Lĩnh vực máy móc chứng kiến ​​lợi nhuận sụt giảm lần đầu tiên trong 5 quý, ở mức 10%. Trong khi lợi nhuận ở lĩnh vực phi sản xuất tăng 16%
 
Dữ liệu cho thấy thu nhập ròng của khoảng 240 nhà sản xuất không phải của Trung Quốc, có tỷ lệ doanh số bán hàng tại Trung Quốc trên tổng doanh số ước tính từ 30% trở lên, giảm 30%.

Sự kém hiệu quả thậm chí còn rõ rệt hơn khi so sánh với các công ty ít phụ thuộc vào Trung Quốc. Mức giảm thu nhập ròng là 1% đối với các công ty phụ thuộc 10-30% doanh thu vào Trung Quốc. Đối với những công ty nhận được dưới 10% doanh thu từ thị trường Trung Quốc, thu nhập ròng của họ đã tăng 7%.

Với việc “công xưởng của thế giới” ít có nhu cầu về thiết bị tự động hoá hơn, trong khi công nhân tại đây ít cần điện thoại thông minh mới và các sản phẩm khác hơn, nhiều ngành công nghiệp đang cảm nhận được tác động. Trong đó, công ty bán dẫn khổng lồ Texas Instruments của Mỹ và Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) báo cáo lợi nhuận giảm hơn 20%.

Giám đốc điều hành TSMC CC Wei cho biết trong cuộc họp báo cáo doanh thu ngày 19/10 rằng đối tác của công ty vẫn thận trọng do điều kiện kinh tế vĩ mô yếu kém kéo dài và nhu cầu phục hồi chậm ở Trung Quốc.

Các nhà sản xuất hóa chất, nền tảng của nhiều ngành công nghiệp, cũng đang trên đà suy giảm. Tại Dow, lợi nhuận giảm 59%. Tại DuPont, một gã khổng lồ hóa chất khác của Mỹ, mức giảm là 13%.

Khi vốn đầu tư ở Trung Quốc chậm lại, doanh số bán thiết bị tự động hóa nhà máy như thiết bị điều khiển số cũng giảm theo. Làn sóng chấn động được cảm nhận ở Nhật Bản, công ty cung cấp giải pháp bảo trì máy móc Fanuc công bố lợi nhuận giảm 20%. Đơn đặt hàng, chỉ số hàng đầu về thu nhập của nhà sản xuất robot công nghiệp, đã giảm 35% tại Trung Quốc.

Nguồn: NHipcaudautu