Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng

Trong Nghị quyết 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, hay trong các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội trình Bộ Chính trị mới đây, Chính phủ đều nhấn mạnh điều này. Đó là tập trung ưu tiên hơn cho thúc đẩy mạnh tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thực tế, điều này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong hai phiên họp thường kỳ Chính phủ gần đây, đặc biệt là sau khi mức tăng trưởng 3,72% của 6 tháng đầu năm 2023 được cơ quan thống kê công bố. Con số này cho thấy, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 nói riêng và của cả nhiệm kỳ 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng là rất nặng nề.

Trong đó, việc đạt mục tiêu tăng trưởng là một thách thức rất lớn.

Nửa đầu năm, tăng trưởng GDP chỉ là 3,72%. Muốn cả năm đạt tốc độ tăng trưởng 6,5%, thì 6 tháng cuối năm, con số phải đạt được là 8,9% - một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Và không chỉ là khó khăn cho riêng năm nay, mà còn tạo sức ép rất lớn cho các năm 2024-2025, chưa kể là sức ép đối với cả mục tiêu 2030 và 2045, mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Chưa nói câu chuyện liệu năm 2023 có đạt mục tiêu 6,5% hay không, mà ngay cả trong trường hợp đạt được, thì bình quân hai năm (2024-2025), tăng trưởng GDP phải đạt 7,76%/năm, mới đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 6,5% (cận dưới mục tiêu 5 năm 6,5-7%, theo Nghị quyết Đại hội Đảng). Còn nếu mức tăng trưởng năm 2023 chỉ là 6%, thì bình quân năm 2024-2025, phải tăng trưởng 8%/năm.

Đây là những mức tăng trưởng rất cao, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn quá nhiều yếu tố bất định, còn kinh tế trong nước vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay. Rất khó để đạt được các con số này, nếu như không có thêm cơ chế, chính sách đột phá.

Khi cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ, Bộ Chính trị cũng đã nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, theo dõi sát, dự báo chính xác tình hình thế giới, trong nước, kịp thời phản ứng chính sách trước các tình huống phát sinh…

Các giải pháp được Bộ Chính trị nhấn mạnh còn là tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất. Đồng thời, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tạo động lực tăng trưởng; rà soát, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi, phát triển sản xuất - kinh doanh và củng cố, thúc đẩy các động lực tăng trưởng…

Một cách rất rõ ràng, mọi giải pháp đều đang hướng tới mục tiêu quan trọng là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng. Đó chính là “mệnh lệnh” của nền kinh tế, là giải pháp mang tính “sống còn” hiện nay. Nếu không, Việt Nam sẽ lại bỏ lỡ một giai đoạn phát triển…

Nguồn: Báo Đầu tư