Việt Nam trong nhóm 4 thị trường dẫn đầu ngành thực phẩm từ thực vật

Dinh dưỡng từ thực vật: Ngành hàng nhiều dư địa

Thế giới đang hưởng ứng mạnh mẽ trước xu hướng tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Theo đó, ngày càng nhiều người tiêu dùng công nhận lợi ích và tác động tích cực của dinh dưỡng thực vật đến sự cân bằng dinh dưỡng nói riêng và sức khỏe nói chung cũng như ảnh hưởng tích cực, bền vững đến môi trường. Ngành này đang trở thành cơ hội kinh doanh tiềm năng, dự kiến tăng gấp 5 lần và đạt 162 tỉ USD vào năm 2030. Trong đó, 40% sẽ đến từ thị trường châu Á Thái Bình Dương (APAC).

Theo khảo sát từ Kantar, COVID-19 đã thúc đẩy ngành thực này phát triển vượt bậc khi ngày càng nhiều người tiêu dùng chủ định đưa thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào chế độ ăn hàng ngày. Tại Việt Nam, xu hướng này đang từng bước bắt nhịp với thế giới bởi tính đúng đắn và cấp thiết mà dinh dưỡng thực vật mang lại. Bởi lẽ, việc thiếu kiến thức và giải pháp hiệu quả về chế độ dinh dưỡng lành mạnh đang dẫn đến tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân đẩy tỷ lệ gia tăng các bệnh mạn tính không lây (MTKL) trở thành báo động đỏ ở cả Việt Nam và trên thế giới. (Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2022, khoảng 81% nguyên nhân tử vong toàn quốc đến từ các bệnh MTKL).

Có nhiều tác động chủ quan và khách quan đang thúc đẩy sự phát triển ngành hàng thực phẩm từ thực vật. Kết quả nghiên cứu từ Kantar Singapore cho thấy đại dịch đã khiến nhiều người tiêu dùng chủ động đưa thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào chế độ ăn uống hằng ngày, đặc biệt là người tiêu dùng Việt: 83% người Việt đang tìm kiếm giải pháp mới tăng cường hệ miễn dịch và 82% người Việt đang nỗ lực cải thiện sức khoẻ của bản thân. Trong đó, thực phẩm có nguồn gốc thực vật đang rất hấp dẫn người tiêu dùng trẻ tuổi, ở đô thị và người có thu nhập khá. Năm 2022 ghi nhận tích cực 2 trên 3 người dùng thuộc Gen Z và Millennial Việt Nam đã cố gắng đưa đạm từ thực vật vào chế độ ăn uống của họ.

Xu hướng quan tâm đến dinh dưỡng thực vật đang phát triển tích cực, nhưng cần được thúc đẩy mạnh mẽ và nhanh chóng hơn. Bởi lẽ, xu hướng này được các chuyên gia nhận định là giải pháp tối ưu cho nhiều bài toán về tình trạng gia tăng của các bệnh MTKL lẫn về môi trường. Cụ thể, trong năm 2016, Bộ Y tế và Viện dinh dưỡng đưa ra Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị (RDA) cho người Việt là 35% RDA đạm động vật/đạm tổng số. Tuy nhiên đến năm 2020, lượng tiêu thụ thịt vượt mức khuyến nghị với 136,4g/người/ngày, đạt 48% RDA đạm động vật/đạm tổng số.

Đáng chú ý, trong 136,4g thịt mà người Việt tiêu thụ, lượng thịt đỏ chiếm đến 95,5g. Trong khi đó, lượng tiêu thụ rau chỉ đạt 74% mức khuyến nghị với 218,0 g/người/ngày cùng năm. Đây có thể là nguyên nhân làm gia tăng các bệnh mạn tính không lây trong các thập kỷ qua.

các chuyên gia khuyến nghị người Việt cân đối khẩu phần ăn hằng ngày, giảm mức tiêu thụ thịt, đặc biệt là thịt đỏ và tăng tiêu thụ thực phầm có nguồn gốc từ thực vật.

Các chuyên gia khuyến nghị người Việt cân đối khẩu phần ăn hằng ngày, giảm mức tiêu thụ thịt, đặc biệt là thịt đỏ và tăng tiêu thụ thực phầm có nguồn gốc từ thực vật. Ảnh: canr.

Xu hướng tất yếu mang lại tác động lâu dài và bền vững với sức khoẻ và môi trường

Chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc tế về “Dinh dưỡng Thực vật và Giải pháp sức khỏe của thế kỷ 21” do Vinasoy phối hợp tổ chức cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Thị Hợp khẳng định, việc tiêu thụ thịt đỏ vượt mức khuyến cáo có thể gây dư thừa sắt và thúc đẩy phản ứng của gốc tự do gây hại và stress oxy hóa. Các gốc tự do phá huỷ màng tế bào khiến chất dinh dưỡng thất thoát, tế bào không tăng trưởng, rồi tự đào thải. Chúng gây ra nhiều hậu quả về mặt sức khoẻ như suy giảm thị lực, mù lòa, tổn thương thoái hóa tế bào thần kinh, đẩy nhanh quá trình lão hóa, tăng nguy cơ bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, rối loạn chức năng gan thận, suy giảm hệ thống miễn dịch…

Trong khi đó, chất chống oxy hóa như vitamin E, vitamin C, Beta-caroten, isoflavon, polyphenol… có nhiều trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Chúng có thể trung hòa, ức chế sự hình thành hoặc tăng đào thải các gốc tự do và bảo vệ con người chống lại quá trình lão hóa. Tuy nhiên cơ thể lại không thể tự tổng hợp được các chất chống oxy hoá này mà phải được cung cấp từ bên ngoài. 

Do đó, các chuyên gia khuyến nghị người Việt cân đối khẩu phần ăn hằng ngày, giảm mức tiêu thụ thịt, đặc biệt là thịt đỏ và tăng tiêu thụ thực phầm có nguồn gốc từ thực vật. Việc giữ chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý này sẽ giúp hạn chế thành phần không có lợi cho sức khỏe đưa vào cơ thể, đồng thời tăng các chất dinh dưỡng có lợi để giảm các nguy cơ gây bệnh MTKL.

Viện Dinh Dưỡng Quốc gia khuyến cáo, cần sử dụng cân đối đạm thực vật và đạm động vật trong khẩu phần ăn hàng ngày. Người trưởng thành nên sử dụng nhiều đạm thực vật hơn để bảo vệ sức khoẻ. Mỗi người trưởng thành nên tiêu thụ khoảng 100 gam đậu, đỗ, hạt mỗi ngày. Cục Quản Lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ khuyến cáo, nên tiêu thụ 25 gam protein đậu nành mỗi ngày, như một phần của chế độ ăn ít chất béo bão hòa và cholesterol, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Ngoài giá trị về dinh dưỡng nói trên, các thực phẩm dinh dưỡng thực vật nói chung và dinh dưỡng đậu nành nói riêng còn được người tiêu dùng cấp tiến, đặc biệt người trẻ đón nhận vì hoạt động tiêu dùng các sản phẩm này có khả năng giảm thiểu tác động của ngành chăn nuôi và trồng trọt đến môi trường, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ sinh thái. 

Số liệu từ Kantar Singapore ghi nhận 75% người dùng Việt nói chung bày tỏ ý định chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm tích cực đến môi trường. Đồng thời, 92% người tiêu dùng Việt Nam tin rằng sống theo cách thân thiện với môi trường hơn có thể cải thiện sức khỏe của họ vào năm 2022 (so với APAC: 78%).

Những dấu hiệu tích cực về hành vi và thái độ nói trên đã thúc đẩy sự sáng tạo của nhiều công ty trong nghiên cứu và sản xuất. Dự báo trong tương lai, các thực phẩm có nền tảng dinh dưỡng thực vật sẽ được đón nhận hơn, giá trị ngành hàng tại thị trường Việt Nam có thể đạt giá trị 249 triệu USD vào năm 2027.

Nguồn: Nhipcaudautu7