Xem xét cách tạo cơ chế thu hút vốn quốc tế vào hạ tầng

Áp lực trên thị trường trái phiếu và cơ chế để xây dựng niềm tin

Thị trường trái phiếu Việt Nam đang gặp áp lực, đặc biệt là do nhiều dự án bất động sản không thể trả nợ đúng hạn (23% trái phiếu liên quan đến bất động sản đã không trả được). Theo FiinGroup, tính đến ngày 17/3/2023, 69 nhà phát hành có ít nhất một trái phiếu chưa thể đáp ứng nghĩa vụ vào ngày đáo hạn, với tổng giá trị 94.430 tỷ đồng, tương đương 8,15% giá trị trái phiếu đang lưu hành trên thị trường.

Đáng chú ý, 65 nhà phát hành không trả nợ đầy đủ và đúng hạn, 4 nhà phát hành đã điều chỉnh trái phiếu bằng cách  kéo dài ngày đáo hạn và cập nhật lãi suất. Theo phân loại ngành, 43 nhà phát hành là các công ty trong lĩnh vực bất động sản, với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bị mất giá lên đến 78.900 tỷ đồng, chiếm 83,6% tổng giá trị mất giá. TP.HCM - trọng tâm kinh tế của Việt Nam, đương nhiên cũng bị ảnh hưởng đặc biệt từ tình hình này.

Trong lĩnh vực đầu tư, việc giành được sự tin tưởng của nhà đầu tư đặc biệt quan trọng, nhất là trong tình hình hiện tại, việc các trái phiếu bất động sản không trả được có thể lây lan sang các trái phiếu khác. Vậy, có những cơ chế hữu ích nào có thể giúp khôi phục niềm tin này?

Thứ nhất, đối với các công ty, việc xếp hạng trái phiếu hiện vẫn chỉ là một phương án tùy chọn. Theo đó, việc sử dụng đánh giá độc lập có thể giảm thiểu vấn đề tác nhân chính giữa nhà đầu tư và các công ty bất động sản. Nhìn chung, điều này cũng giúp giảm lãi suất và do đó giảm chi phí vay.

Thứ hai, phát hành bảo đảm đầu tư trong trường hợp không thể thực hiện trả nợ.

Thứ ba, tăng cường tính minh bạch của trái phiếu hạ tầng hoặc bất động sản được phát hành.

Thứ tư, cung cấp các khung hành chính và pháp lý minh bạch cho từng dự án, với các biện pháp chống tham nhũng mạnh mẽ, cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả và quyền sở hữu rõ ràng.

Tin rằng, những biện pháp xây dựng niềm tin nêu trên sẽ giúp TP.HCM thu hút thêm vốn cho các dự án hạ tầng.

Xây dựng trung tâm tài chính

Để thu hút vốn đầu tư vào khu vực trong dài hạn, một trung tâm tài chính hoạt động hiệu quả là rất quan trọng (ngoài các dự án phát triển hạ tầng). Dựa trên Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI), Sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM được xếp hạng cuối cùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và xếp hạng 112 trên 120 trên toàn thế giới. Tuy nhiên, TP.HCM không nên nản lòng trước những con số này, mà coi đây là một thách thức với các nhà hoạch định chính sách trong việc đưa ra lộ trình phù hợp để tạo ra một trung tâm tài chính của riêng mình tại Việt Nam.

Ý tưởng Việt Nam với tư cách là một nước công nghiệp hóa trong tương lai cũng có thể có một trung tâm tài chính không phải mới. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận vẫn chưa có kết quả. TP.HCM và các tỉnh xung quanh như Bình Dương, đã đưa ra những điều kiện tuyệt vời cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các ngân hàng và công ty fintech có đại diện tốt trong Thành phố.

Tạo ra một trung tâm tài chính ở TP.HCM là nhiệm vụ khó khăn, nhưng chắc chắn là khả thi. Tuy nhiên, điều này không thể nhìn thấy trong ngắn hạn, mà ít nhất là 10 năm. Ví dụ về Dubai cho thấy, điều này là có thể. TP.HCM còn có điều kiện khởi đầu tốt hơn. Một quốc gia mới nổi như Việt Nam xứng đáng có trung tâm tài chính của riêng mình.

Những lợi thế cho Việt Nam như sau:

Thứ nhất là nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam như một phần của quá trình chuẩn bị lâu dài để xây dựng một trung tâm tài chính. Các hoạt động này sẽ đòi hỏi nỗ lực phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả, giải quyết tỷ lệ nợ xấu hiện vẫn còn nghiêm trọng, làm trong sạch thị trường, chuyên nghiệp hóa vốn chủ sở hữu, thị trường trái phiếu và giới thiệu một hệ thống đánh giá đáng tin cậy.

Thứ hai là tác động lan tỏa đối với các ngành khác. Không thể phủ nhận rằng, hệ thống ngân hàng chuyên nghiệp hóa bao gồm các tổ chức tín dụng quốc tế và quốc gia cũng giúp cải thiện điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước.

Thứ ba là tác dụng phụ tích cực trong việc giới thiệu tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) và công nghệ blockchain. Tất cả những nỗ lực liên quan đến việc tạo ra một trung tâm tài chính cũng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của CBDC, mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bên liên quan khác đang bắt tay vào thực hiện.

Thứ tư là lợi ích về uy tín cho Việt Nam. Việt Nam đã chứng tỏ là một điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Sự hiện diện của một trung tâm tài chính sẽ bổ sung một khía cạnh hấp dẫn khác thúc đẩy danh tiếng quốc tế của Việt Nam đi lên.

Hướng đi cho TP.HCM

Vấn đề phát triển bền vững cũng là một nhân tố quan trọng thúc đẩy đầu tư tại TP.HCM. Ví dụ, việc thúc đẩy các dự án xây dựng bền vững có thể làm tăng sự hấp dẫn của Thành phố với các nhà đầu tư nước ngoài. Tôi cho rằng, cần tạo ra các động cơ khuyến khích ở đây, đặc biệt đối với các dự án phát triển hạ tầng bền vững.

Bên cạnh đó, khuyến khích hợp tác với các sáng kiến trái phiếu xanh hoặc bền vững để tạo ra một khuôn khổ, trong đó trái phiếu phát triển cơ sở hạ tầng có thể được coi là trái phiếu xanh hoặc bền vững. Xu hướng phát triển bền vững trên toàn cầu của các nhà đầu tư chắc chắn còn tiếp nối lâu dài, TP.HCM nên bắt kịp xu hướng này.

Ngoài các điểm đã đề cập ở trên, còn có những phương pháp khác để thu hút vốn đầu tư quốc tế vào TP.HCM. Các phương pháp này bao gồm tăng tính minh bạch, đặc biệt là trong thị trường trái phiếu và chứng khoán, cấp các ưu đãi thuế phù hợp với thuế tối thiểu toàn cầu, giảm gánh nặng quy định và hành chính, tối giản hóa quy trình phê duyệt và đảm bảo bảo vệ đầu tư quy mô lớn.

Bên cạnh các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài và các công ty đầu tư nước ngoài lớn, cũng có thể tranh thủ sự hỗ trợ của các ngân hàng phát triển, đặc biệt là việc hợp tác với các ngân hàng phát triển có thể tăng cường uy tín và lòng tin vào các trái phiếu hạ tầng được phát hành.

Bản thân tôi đã làm việc trong lĩnh vực ngân hàng ở Đức và Việt Nam trong hai thập kỷ. Do đó, tôi có thể đánh giá rất tốt những cơ hội nào có sẵn trong ngành tài chính của một quốc gia. Những cơ hội này chắc chắn có thể được tìm thấy ở TP.HCM và Việt Nam.

Điều quan trọng là phải tiến về phía trước trên con đường mở cửa và tự do kinh tế. Điểm yếu phải được xác định và đưa ra quyết định. Những tháng gần đây, đã có dấu hiệu cho thấy sự miễn cưỡng của nhà đầu tư, nhưng cũng có sự hạn chế nhất định trong việc ra quyết định từ phía các cơ quan chức năng, như trong quá trình phê duyệt. Ở đây, Việt Nam phải trở lại với sự quyết đoán cũ.

Nhằm đạt được mục tiêu sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới của Đông Nam Á và châu Á theo Nghị quyết 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Ban Bí thư, TP.HCM cần phải có hạ tầng tốt. Một loạt dự án đã được lên kế hoạch để đảm bảo mục tiêu này, nhưng nguồn vốn để triển khai đang thiếu. Lý do là đầu tư hạ tầng ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng luôn chủ yếu dựa vào ngân sách công, trong khi ngân sách của Thành phố chỉ đủ để đầu tư hạ tầng tối đa là 30-40%, cộng với các lĩnh vực khác.

Nguồn: TBKTVN