Xuất khẩu thủy sản sang EU khả quan nhưng giảm mạnh tại thị trường Trung Quốc

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu thủy sản trong tháng 5/2023 đạt 800 triệu USD, giảm 24% so với tháng 5/2022. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản chỉ được 3,47 tỉ USD, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2022.

THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC KHÔNG NHƯ KỲ VỌNG
Trong báo cáo phân tích ngành thủy sản của Công ty chứng khoán VNDirect mới đây cho thấy, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ 4 tháng đầu năm 2023 đã giảm 51% so với cùng kỳ năm trước do lạm phát gia tăng và tồn kho ở mức cao.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thị trường nhiều khả năng sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023 do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm và nhu cầu cao để phục vụ dịp lễ cuối năm. Điều này sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ trong nửa cuối năm 2023 sẽ tăng 40-50% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh lạm phát cao, nhu cầu tiêu thụ cá tra ổn định đang giúp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giữ thị phần ở EU. Trong 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU đạt 60 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

"Trong số các mặt hàng thủy sản chủ lực, xuất khẩu tôm và các tra trong 5 tháng đầu năm 2023 đều giảm sâu: xuất khẩu cá tra chỉ đạt 690 triệu USD, giảm 40,7%; xuất khẩu tôm đạt 1,22 tỉ USD, giảm 34,4% so với cùng kỳ năm trước"

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Dữ liệu từ công ty phân tích Agromonitor cho thấy, giá trung bình cá tra xuất khẩu quý 1/2023 sang EU tăng 9,5% so với cùng kỳ, trong khi giá sang thị trường Mỹ giảm lần lượt 22%.

Điều này chứng tỏ nhu cầu cá tra ở các nước châu Âu tiếp tục cải thiện, ổn định trong nửa cuối năm 2023. Lạm phát ở EU vẫn ở mức cao trong khi nguồn cung các loại cá thịt trắng khác như cá minh thái bị ảnh hưởng bởi căng thẳng giữa Nga và Ukraine, cá tra Việt Nam vẫn rộng cửa ở thị trường này.

Trung Quốc là thị trường được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ phục hồi sớm hơn so với các thị trường khác như Mỹ, EU trong bối cảnh doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đang phải đối mặt với nhiều thách thức hiện tại.

Thế nhưng trái với kỳ vọng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc hồi phục không như mong đợi. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cá tra và tôm sang thị trường Trung Quốc lại giảm mạnh lần lượt 68% và 30% trong 4 tháng đầu năm.

Với những số liệu này cho thấy, xuất khẩu cá tra và tôm sang Trung Quốc đang sụt giảm mạnh hơn nhiều so với xuất khẩu các mặt hàng này sang EU và Mỹ.

“Giá thịt heo điều chỉnh mạnh và nguồn cung cá rô phi tăng trở lại làm giảm nhu cầu tiêu thụ cá tra. Trong khi đó, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường tỷ dân phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các nước có nguồn tôm giá rẻ như Ấn Độ, Ecuador...”, VNDirect nhận định.

Do nền tảng kinh tế vĩ mô của nền kinh tế Trung Quốc khó đoán định và sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác, VNDirect dự báo xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc trong nửa cuối 2023 sẽ không tăng trưởng mạnh so với nửa đầu năm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc vẫn chưa hồi phục như kỳ vọng, vì giá trung bình xuất khẩu giảm. Trái với kỳ vọng, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cá tra và tôm sang thị trường Trung Quốc lại giảm mạnh lần lượt 68% và 30% trong 4 tháng đầu năm.

Lý giải nguyên nhân thị trường Trung Quốc sụt giảm sâu, VASEP cho rằng dù đã mở cửa sau dịch Covid-19, nhưng nhu cầu tiêu thụ của thị trường này hồi phục chậm hơn so với dự đoán. Nền kinh tế này vẫn đang phải đối mặt với những cơn gió ngược liên tục, khiến khả năng phục hồi chậm và không có dấu hiệu bền vững. Chính sản xuất nội địa của Trung Quốc cũng đang khó khăn vì chi tiêu của khách hàng yếu hơn dự kiến.

ĐỀ NGHỊ TRUNG QUỐC KÝ NGHỊ ĐỊNH THƯ VỀ THỦY SẢN
Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, 4 tháng đầu năm 2023, thị trường này đã nhập khẩu 1,26 triệu tấn thủy sản, trị giá 5,8 tỉ USD, tăng 6% về lượng và 10% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 363,28 triệu USD, giảm tới 37% so với 4 tháng của năm 2022. 

Trong một diễn đàn giao thương nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc cách đây vài tháng, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Trung Quóc phàn nàn rằng hiện các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc các mặt hàng thủy sản chế biến. Phía Trung Quốc chưa cho nhập khẩu các mặt hàng thủy sản tươi sống qua đường chính ngạch, nên các doanh nghiệp chỉ có thể đưa hàng qua biên giới theo hình thức xuất khẩu cư dân biên giới. Vấn đề này đang gây cản trở và hạn chế đối với xuất khẩu thủy sản.

"Đến thời điểm này, đã có 805 doanh nghiệp của Việt Nam đã được phía Trung Quốc cấp phép cho xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đã cấp 128 mã sản phẩm liên quan tới thủy sản của Việt Nam".

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngày 8/6/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công hàm gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc về đề xuất một số giải pháp thúc đẩy giao thương nông sản và tháo gỡ tình trạng ùn tắc. Trong Công văn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm hoàn tất thủ tục ký nghị định thư giữa Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam về yêu cầu an toàn thực phẩm, kiểm dịch và kiểm tra đối với sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Việt Nam cũng đề nghị Trung Quốc xem xét bổ sung một số trái cây, loài, sản phẩm thủy sản và một số doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc đã được cơ quan chức năng phía Việt Nam kiểm tra đạt yêu cầu theo quy định lệnh 248, 249 của Hải quan Trung Quốc và đề xuất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đè nghị Trung Quốc cho phép xuất khẩu thủy sản sống qua các cửa khẩu tại tỉnh Vân Nam nhằm giảm áp lực thông quan giữa các cửa khẩu và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Đồng thời chỉ đạo Cục Hải quan tỉnh Quảng Tây, tỉnh Vân Nam tăng cường giao lưu trao đổi quy trình nghiệp vụ, cập nhật thông tin xử lý kịp thời vướng mắc nâng cao năng lực thông quan.

Tổ chức họp luân phiên thường niên vào tháng 11 hằng năm giữa Cục Hải quan tỉnh với các cơ quan chức năng của Việt Nam và cử các đơn vị đầu mối thường xuyên liên hệ, trao đổi công việc.

Trước đó, từ ngày 29/5 đến 2/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử đoàn công tác do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn sang làm việc với chính quyền nhân dân, Cục Hải quan hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) nhằm thúc đẩy hợp tác, gia tăng kim ngạch thương mại nông sản giữa hai nước qua cửa ngõ các tỉnh có chung biên giới trên bộ.

Nguồn: TBKTVN