Xuất nhập khẩu của Trung Quốc bất ngờ tăng tốc

Xuất khẩu là điểm sáng hiếm hoi

Dữ liệu từ cơ quan hải quan Trung Quốc cho thấy xuất khẩu trong tháng 12/2024 đã tăng vọt 10,7% (tính theo giá đô la Mỹ) so với cùng kỳ năm trước, vượt kỳ vọng tăng trưởng 7,3% theo kết quả thăm dò của Reuters. Con số này cho thấy chuyển biến tích cực trong hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc sau mức tăng 6,7% trong tháng 11 và mức tăng đột biến 12,7% trong tháng 10.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tháng 12/2024 đã tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước, đảo ngược mức giảm của hai tháng trước đó.

Trước đó, các nhà phân tích đã dự báo nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 12/2024 sẽ giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Con số này thấp hơn mức giảm lần lượt 3,9% trong tháng 11 và 2,3% trong tháng 10.

Năm 2024, Trung Quốc ghi nhận tổng kim ngạch xuất khẩu (tính bằng đồng nhân dân tệ) tăng 7,1% so với năm trước, đánh dốc một bước tăng tốc đáng kể từ mức tăng khiêm tốn 0,6% vào năm 2023, các quan chức hải quan Trung Quốc nêu tại một cuộc họp báo ngày 13/1.

Tương tự, kim ngạch nhập khẩu năm 2024 ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng 2,3% sau mức giảm 0,3% vào năm 2023.

Với triển vọng đồng nhân dân tệ suy yếu, bà Zichun Huang, nhà kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, cho rằng: "Lượng hàng xuất khẩu có khả năng sẽ duy trì được sức bật trong ngắn hạn, được hỗ trợ bởi sự gia tăng hơn nữa về thị phần toàn cầu".

Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu năm 2025 của Trung Quốc có vẻ kém lạc quan hơn vì "mức thuế quan tiềm ẩn có thể làm giảm đà tăng trưởng", ông Bruce Pang, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia (Trung Quốc), nhận định.

"Trong ngắn hạn, khối lượng nhập khẩu cũng dự kiến sẽ phục hồi hơn nữa, nhờ nhu cầu mạnh hơn đối với hàng hóa công nghiệp, với chi tiêu tài chính được đẩy nhanh", ông Pang lưu ý.

Cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài đã ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước, khiến Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng.

Các nhà kinh tế cho rằng xuất khẩu đã hỗ trợ đáng kể cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024. Thực vậy nó là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang chững lại và căng thẳng thương mại gia tăng với các đối tác thương mại lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu.

Theo các quan chức hải quan Trung Quốc, xuất khẩu xe điện và chất bán dẫn của Trung Quốc đã tăng lần lượt 13,1% và 18,7% vào năm ngoái.

Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc có thể bị đe dọa sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại nắm quyền Nhà Trắng.

Rủi ro rình rập

Ông Trump - người sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ ở nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 20/1/2025 -  đã làm dấy lên lo ngại về khả năng Mỹ tăng thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Ông đã tuyên bố áp thêm 10% thuế quan đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.

Kể từ cuối tháng 9/2024, chính quyền Trung Quốc đã tăng cường hỗ trợ chính sách để thúc đẩy nền kinh tế. Thế nhưng, họ "vẫn còn một chút thận trọng và kiềm chế", ông Gabriel Wildau, giám đốc điều hành công ty tư vấn quản trị doanh nghiệp Teneo, đánh giá.

Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất chính sách, nới lỏng các hạn chế mua bất động sản, bơm thanh khoản vào thị trường tài chính cũng như công bố chương trình hoán đổi nợ để giảm bớt căng thẳng tài chính cho chính quyền các địa phương.

"Các nhà hoạch định chính sách (Trung Quốc - BTV) nên sẵn sàng tung ra một số gói kích thích để có thể phản ứng rộng rãi nếu tác động của thuế quan là nghiêm trọng", ông Wildau khuyến nghị, đồng thời cho rằng sự không chắc chắn về tăng trưởng xuất khẩu cũng là căn cứ bổ sung để Bắc Kinh tránh "cách tiếp cận [kích thích] bùng nổ".

Một loạt dữ liệu kinh tế quan trọng của Trung Quốc sẽ được công bố trong tuần này, trong đó số liệu GDP quý IV và cả năm 2024 dự kiến sẽ được công bố vào ngày 17/1. Kết quả thăm dò gần đây của Reuters, trong quý IV/2024 kinh tế Trung Quốc ước đạt tăng trưởng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với năm 2025, các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã cam kết sẽ ưu tiên hàng đầu cho việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đồng thời mở rộng chi tiêu tài chính để tài trợ cho chính sách đổi hàng tiêu dùng và nâng cấp thiết bị.

Đơn cử, chương trình kích thích thương mại được triển khai vào tháng 7 năm ngoái, đã trợ cấp cho người tiêu dùng nước này khi đổi ô tô cũ hoặc đồ gia dụng cũ, đồng thời hỗ trợ mua sản phẩm mới với giá chiết khấu.

Nguồn: Báo Đầu tư