Xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư trong Chiến lược phát triển ngành Cơ khí - tự động hóa và ngành Cao su - nhựa TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Cùng trong ngày 26/7/2024, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định 2902/QĐ-UBND phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí - tự động hóa TP.HCM và quyết định 2899/QĐ-UBND phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cao su - nhựa TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Chiến lược). Bản tin ITPC trích một số nội dung về hoạt động xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư trong Chiến lược phát triển hai ngành này theo văn bản của UBND TP.HCM. 

Chiến lược phát triển ngành cơ khí - tự động hóa TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Mục tiêu cụ thể đến 2030 tỷ trọng giá trị gia tăng ngành cơ khí - tự động hóa trong toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 15 - 16% và đến 2050 đạt tối thiểu 60%. Chiến lược xác định nhóm các sản phẩm chủ lực (thành phố đủ điều kiện để phát triển) gồm thép kết cấu; cơ khí chính xác, thiết kế chế tạo khuôn mẫu; sản phẩm thiết bị điện; cơ khí nông nghiệp; thiết bị, máy móc phục vụ tự động hóa sản xuất và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Nhóm các sản phẩm tiềm năng (Thành phố định hướng phát triển các sản phẩm chiến lược trong tương lai) gồm sản phẩm cơ khí cung cấp cho các dự án công trình giao thông đô thị, đường sắt đô thị; sản phẩm công nghiệp bán dẫn, vi mạch (phát triển sản phẩm từ khâu thiết kế, chế tạo chip, chế tạo và sản xuất ứng dụng) và sản phẩm là hệ thống, thiết bị, phần mềm, phân tích, nhận dạng, dự báo, điều khiển dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT).

Để đạt mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra 5 Giải pháp về hỗ trợ và thu hút đầu tư như sau:

- Ngành cơ khí – tự động hóa hoạt động trên nền tảng các doanh nghiệp hiện có, đồng thời thu hút các nhà đầu tư mới trong và ngoài nước. Đối với các dự án đầu tư mới, ưu tiên thu hút đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm thông minh. Đối với các dự án hiện đang hoạt động, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến.

 - Hướng dẫn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cơ khí - tự động hóa tham gia Chương trình hỗ trợ lãi suất thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh. 

- Các dự án đầu tư mới ngành sản xuất sản phẩm cơ khí - tự động hóa được khuyến khích, ưu tiên đầu tư tại các khu công nghiệp. Các dự án đầu tư mới để sản xuất sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao được khuyến khích, ưu tiên đầu tư tại các khu công nghệ cao, khu công nghiệp công nghệ cao. 

- Thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, ứng dụng công nghệ cao, trong đó có cam kết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí - tự động hóa Thành phố tham gia cung ứng cho các doanh nghiệp này. 

- Triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng phù hợp cho các doanh nghiệp ngành cơ khí - tự động hóa, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trên cơ sở hiệu quả của các dự án đầu tư, cho vay đối với các dự án đầu tư sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường. 

Về các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, truyền thông, kết nối cung cầu sản phẩm, Chiến lược đưa ra 6 giải pháp: 

- Đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm cơ khí - tự động hóa. Tăng cường hoạt động trao đổi, học tập kinh nghiệm quốc tế, khu vực; hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí - tự động hóa khảo sát thị trường, tham gia các hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm của ngành cũng như xây dựng thương hiệu.

 - Tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh ngành cơ khí - tự động hóa, giữa doanh nghiệp các tỉnh, Thành phố và khu vực.

 - Tổ chức hội thảo, diễn đàn công nghiệp, diễn đàn kinh tế Thành phố nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trao đổi thông tin, kết nối, hợp tác kinh doanh. Triển khai các hoạt động truyền thông ngành cơ khí - tự động hóa thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm và tổ chức tuyên truyền, quảng bá sản phẩm ưu tiên phát triển và doanh nghiệp tiêu biểu của ngành trên các phương tiện truyền thông. 

- Tăng cường hoạt động đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp để giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong thực thi các chính sách; từ đó đề ra phương án giải quyết nhanh chóng, tránh lãng phí thời gian, nguồn vốn và thời cơ bứt phá. 

- Tạo kênh thông tin làm cầu nối hợp tác, nghiên cứu, phát triển giữa hiệp hội, doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo (viện, trường, đại học) để hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển với quy trình cộng sinh, đôi bên cùng có lợi. 

 - Cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu về sản phẩm và thị trường cho ngành cơ khí - tự động hóa; thực hiện các điều tra, khảo sát, thống kê về sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng và công nghiệp hỗ trợ, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm ngành cơ khí - tự động hóa của Thành phố.

Chiến lược phát triển ngành cao su – nhựa TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tỷ trọng giá trị gia tăng ngành cao su - nhựa (không tính phân ngành sản xuất hoá chất và các sản phẩm hoá chất; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu) trong toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 6 - 7%, đến năm 2050 đạt khoảng 7 - 8%. Ngành cao su - nhựa hoàn thiện hệ thống phân loại và tái chế rác thải cao su, nhựa theo hướng tái chế, tái sử dụng được trên 80% các loại rác thải cao su nhựa trên địa bàn Thành phố.

Các loại sản phẩm định hướng ưu tiên phát triển của ngành cao su - nhựa bao gồm: Vật tư y tế; Các loại cao su - nhựa tái chế đáp ứng xu thế kinh tế tuần hoàn và giảm thiểu rác thải nhựa; Bao bì đa lớp, bao bì mềm, màng mỏng được sử dụng cho khâu đóng gói cho các ngành công nghiệp khác, bao bì có khả năng tái chế; Nhựa phân hủy sinh học và nhựa có nguồn gốc sinh học; Các loại nguyên liệu cao su - nhựa dạng hạt compound; Các loại cao su - nhựa kỹ thuật phục vụ ngành điện - điện tử, cơ khí - phương tiện giao thông và các ngành khác; Nhựa giao thông, xây dựng; Các loại mực in, sơn; Các loại phụ gia, phụ liệu cho ngành cao su - nhựa; Các loại sản phẩm cung cấp cho ngành da giày, may mặc theo tiêu chí phát triển bền vững; Các sản phẩm từ vật liệu composite; Các loại nệm mút từ nguyên liệu cao su; Cao su tự nhiên sản xuất theo tiêu chuẩn xanh, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cao su - nhựa, đặc biệt là khuôn mẫu.

Chiến lược phát triển của UBND TP.HCM đề ra 5 Giải pháp về hỗ trợ và thu hút đầu tư là:  

- Hướng dẫn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp ngành cao su - nhựa tham gia Chương trình hỗ trợ lãi suất thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh. 

- Xây dựng chính sách khuyến khích các công ty đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp điều chỉnh quy mô mặt bằng, nhất là nhà xưởng diện tích nhỏ hoặc xây dựng sẵn các nhà xưởng cao tầng có quy mô phù hợp với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành cao su - nhựa. 

- Xây dựng chính sách hỗ trợ nguồn lực tài chính bên cạnh các hoạt động tư vấn, đào tạo, chuyển đổi sản xuất, công nghệ để phát triển một số doanh nghiệp mạnh trở thành nhà cung ứng cấp 1 trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trên cơ sở đó, hỗ trợ phát triển số lượng nhà cung ứng cấp 2 nhằm mục tiêu phát triển sản xuất và tận dụng sức mạnh hệ thống từ sự liên kết của các doanh nghiệp trong ngành.

 - Thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, ứng dụng công nghệ cao, trong đó có cam kết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cao su - nhựa Thành phố tham gia cung ứng cho các doanh nghiệp này. 

- Triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng phù hợp cho các doanh nghiệp ngành cao su – nhựa, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trên cơ sở hiệu quả của các dự án đầu tư, cho vay đối với các dự án đầu tư sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường.

 

Về các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, truyền thông, kết nối cung cầu sản phẩm, Chiến lược đề ra các 7 giải pháp sau:

- Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường, đối tác trong và ngoài nước thông qua các hoạt động tổ chức hoặc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế. Hỗ trợ cung cấp các thông tin về thị trường và luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu.

 - Tăng cường hoạt động trao đổi, học tập kinh nghiệm quốc tế, khu vực; hỗ trợ các doanh nghiệp ngành cao su - nhựa khảo sát thị trường, tham gia các hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm của ngành cũng như xây dựng thương hiệu.

 - Tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh ngành cao su - nhựa, giữa doanh nghiệp các tỉnh, Thành phố và khu vực.

 - Tổ chức hội thảo, diễn đàn công nghiệp, diễn đàn kinh tế Thành phố nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trao đổi thông tin, kết nối, hợp tác kinh doanh. Triển khai các hoạt động truyền thông ngành cao su - nhựa thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm và tổ chức tuyên truyền, quảng bá sản phẩm ưu tiên phát triển và doanh nghiệp tiêu biểu của ngành trên các phương tiện truyền thông. 

- Tăng cường hoạt động đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp để giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong thực thi các chính sách; từ đó đề ra phương án giải quyết nhanh chóng, tránh lãng phí thời gian, nguồn vốn và thời cơ bứt phá.

 - Tạo kênh thông tin làm cầu nối hợp tác, nghiên cứu, phát triển giữa hiệp hội, doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo (viện, trường, đại học) để hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển với quy trình cộng sinh, đôi bên cùng có lợi.

- Cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu về sản phẩm và thị trường cho ngành cao su - nhựa; thực hiện các điều tra, khảo sát, thống kê về sản phẩm 9 chủ lực, sản phẩm tiềm năng và công nghiệp hỗ trợ, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm ngành cao su - nhựa của Thành phố.

Nguồn: Phòng Thông tin.