Quay lại

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ có nguồn hỗ trợ 120 triệu USD từ World Bank

Tại hội thảo "Tham vấn tổ chức quốc tế và tín dụng trong nước về Đề án 1 triệu ha lúa bền vững Đồng bằng sông Cửu Long", chiều 29/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết Bộ này đang triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

 NÔNG DÂN TRỒNG LÚA ĐƯỢC ƯU ĐÃI VAY VỐN

Mục tiêu của Đề án là hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao trên quy mô lớn; nâng cao thu nhập của người trồng lúa và hiệu quả của chuỗi giá trị lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính. Lộ trình đến năm 2024, Đề án có thể bán tín chỉ carbon trước mắt ở 200.000ha lúa và sau đó nhân rộng.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, để thực hiện Đề án sẽ cần tới 40.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 25.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách và vốn xã hội hóa. Còn lại khoảng 15.000 tỷ đồng vốn từ người dân. Giai đoạn từ năm 2023 - 2025 sẽ đầu tư 20.000 tỷ đồng. Số còn lại sẽ đầu tư trong giai đoạn 2025 - 2030.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì hội thảo.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì hội thảo.

“Nếu chỉ dùng ngân sách thì không thể đủ, do đó đòi hỏi huy động nguồn lực xã hội, các tổ chức quốc tế, các tổ chức tín dụng. Nguồn lực sẽ tập trung vào các chủ thể chính của đề án là nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp, để xây dựng chuỗi giá trị bền vững”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định: Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có lợi thế để xây dựng “cánh đồng lớn” song chưa được phát huy do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

“Việc xuất khẩu gạo đơn thuần, khai thác các giá trị khác của gạo, tham gia vào thị trường carbon và đóng góp cho NDC (Đóng góp giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự quyết định) cần phải được “cân đo đong đếm”. Các lợi thế của gạo, sản phẩm chế biến sâu từ gạo, tận dụng phế phụ phẩm từ gạo vẫn chưa được khai thác triệt để”.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Trong khi đó, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long lại thiếu vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, logistics, chuyển giao, tiếp nhận công nghệ... Nông dân trồng lúa phụ thuộc nhiều vào đầu vào phân bón, thuốc trừ sâu. Đôi khi nông dân còn không nghe theo sự hướng dẫn của các cơ quan khuyến nông bằng các đơn vị bán thuốc bảo vệ thực vật.

“Cần xác định các điểm nghẽn và có cơ chế, chính sách để giải quyết. Tín dụng cho nông dân, hợp tác xã có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao này. Đây là điểm nghẽn cần được tháo gỡ để Đề án đạt được kết quả như kỳ vọng”, ông Cường nhấn mạnh.

Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), cho biết tổng dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp nông thôn lên tới 1 triệu tỷ đồng. Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, có đến 80% dư nợ của nông thôn nông nghiệp dành cho lúa gạo. Ngân hàng Agribank đã thành lập được nhiều tổ vay vốn để truyền tải vốn đến các nông hộ.

Theo Agribank, nông dân tham gia vào đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được hỗ trợ chi phí mua giống lúa xác nhận, được ngân hàng cho vay không thế chấp tối đa 20 triệu đồng/vụ. Thời gian vay 6 tháng, được hỗ trợ bảo hiểm với cây lúa.

Hợp tác xã tham gia Đề án được ưu tiên đầu tư, nâng cấp hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng, kiến thiết đồng ruộng. Được vay vốn ưu đãi không thế chấp để xây dựng kho, máy sấy và máy móc, thiết bị. 

Doanh nghiệp tham gia Đền án cũng sẽ được vay đủ vốn ngắn hạn để tiêu thụ lúa từ vùng liên kết. Đồng thời, được vay đủ vốn dài hạn đầu tư xây dựng kho, hệ thống sấy, chế biến.

CẦN LÀM RÕ CƠ CHẾ CHI TRẢ CARBON TRONG NÔNG NGHIỆP

Tại hội thảo, đại diện các tổ chức quốc tế đã đưa ra những đề xuất hỗ trợ về mặt tài chính, các giải pháp khoa học công nghệ, đặc biệt là xây dựng hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV) ở vùng chuyên canh để định lượng mức giảm phát thải, làm cơ sở đăng ký chứng nhận sản phẩm gạo các-bon thấp. 

Đại diện Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) cho biết tổ chức này đã phối hợp với Cục Trồng trọt triển khai dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”. Dự án sử dụng nguồn vốn ODA trị giá 15 triệu USD là đòn bẩy để huy động đầu tư của khu vực tư nhân trong đẩy mạnh công nghệ sản xuất lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới tính đa mục tiêu, đa giá trị của Đề án 1 triệu ha lúa.

“Qua khảo sát ban đầu, các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long cam kết triển khai từ 200-300.000 ha đất lúa chất lượng cao. Chúng tôi mong muốn dự án này sẽ gắn với Đề án 1 triệu ha lúa”, đại diện SNV cho biết, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của công tác điều phối và sử dụng hỗ trợ ODA.

Bên cạnh đó, đại diện này cũng cho rằng đề án cần cân nhắc về vấn đề chi trả tín chỉ carbon cho vùng nhân rộng từ dự án VnSAT trong khuôn khổ 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Ông  Li Guo, Điều phối viên Chương trình quốc gia về nông nghiệp, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết quy định về vốn ODA của Chính phủ Việt Nam nêu rõ, vốn của các cơ quan phát triển quốc tế có thể sử dụng cho xây dựng hạ tầng.

Ông Li Guo phát biểu tại hội thảo

Ông Li Guo phát biểu tại hội thảo

Áp dụng các thành tựu từ dự án VnSat vào đề án, World Bank mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có yêu cầu rõ ràng với World Bank về dự án 1 triệu ha lúa và đề xuất các hỗ trợ hạ tầng. “Khi có thư đề xuất chính thức, đề án 1 triệu ha lúa sẽ nằm trong danh mục ưu tiên của chúng tôi”, ông Li Guo khẳng định.

“Như vậy, World Bank có tổng 120 triệu USD hỗ trợ Việt Nam thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Chúng tôi mong muốn làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, BIDV và các ngân hàng tư nhân khác để sớm thực hiện các hỗ trợ".

Ông  Li Guo, Điều phối viên Chương trình quốc gia về nông nghiệp, Ngân hàng Thế giới.

Ông Li Guo thông tin thêm, World Bank có thể hỗ trợ về các chuyên gia trong xây dựng tín chỉ carbon. World Bank đã huy động 40 triệu USD để hỗ trợ các hoạt động liên quan đến tín chỉ carbon cho đề án 1 triệu ha lúa.

Cùng với đó, có thể huy động 20 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại từ dự án hệ thống lương thực, thực phẩm, để làm tiền cam kết hỗ trợ nông dân tiếp cận các vốn vay từ BIDV hoặc các ngân hàng tư nhân khác. Sau năm 2027, World Bank tiếp tục dự kiến dành ra 60 triệu USD để phục vụ chương trình tín chỉ carbon.

Ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB tại Việt Nam cho rằng đề án cần làm rõ việc giảm phát thải sẽ đóng góp thế nào cho chương trình Đóng góp cho Quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.

"Bên cạnh đó, cần làm rõ giải pháp về vốn, trong đó khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân với cơ chế, chính sách rõ ràng. Ngoài ra, về cơ chế chính sách tiếp nhận các nguồn vốn từ các quỹ khí hậu, quỹ các-bon, quỹ nông thôn cũng cần nêu rõ, nhất là cơ chế chi trả các-bon cho phần tái đầu tư, cho người sản xuất...", ông Bình khuyến cáo.

Nguồn: TBKTVN