Quay lại

“Đói vốn”, nhiều doanh nghiệp buộc phải bán cho nước ngoài để giải vây

Sáng 17/2/2023, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

CƠN “KHÁT VỐN” ĐANG TĂNG
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho biết các doanh nghiệp đang rất “khát vốn” và không có nguồn tiền để trả nợ, đầu tư.

Hiện có một số ngành đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Trước hết là ngành mỹ nghệ chế biến gỗ, đơn hàng sụt giảm mạnh, hoạt động cầm chừng, nhất là các doanh nghiệp nội địa (gỗ dăm và viên nén tăng nhưng chủ yếu do doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp FDI). Thực tế ghi nhận cho thấy, chỉ có 10% doanh nghiệp còn 50% đơn hàng, có 50% doanh nghiệp còn 30-40% đơn hàng, các doanh nghiệp còn lại là không có đơn hàng. Do đó, hàng tồn kho tăng cao, thiếu dòng tiền.

Riêng trong lĩnh vực bất động sản, hiện rất khó khăn và có xu hướng đi vào suy thoái. Sự ngưng trệ của thị trường bất động sản đã kéo theo sự ảnh hưởng đến nhiều ngành liên quan. Đơn cử, ngành vật liệu xây dựng đang ghi nhận sụt giảm nghiêm trọng cả trên thị trường trong và ngoài nước. Cụ thể, hiện giá thép giảm 60% do lượng cung quá lớn trong khi nhu cầu giảm, sản lượng xuất khẩu thép giảm 69,3%; nhà máy xi măng ế ẩm, xuất khẩu giảm 55%, thị trường trong nước cũng sụt giảm do đầu tư công và dự án bất động sản đóng băng, doanh nghiệp nợ lẫn nhau. Người lao động bị sa thải, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống an sinh xã hội…

Cũng nằm trong tình trạng rất cần vốn để hoạt động nhưng các doanh nghiệp ngành dệt may đang quá gian nan. Nhiều công ty đang bị ngân hàng đánh giá lại giá trị tài sản chỉ còn 50 - 60% so với trước đây khiến hạn mức cho vay giảm mạnh.

Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho biết nhiều quy định cho vay siết chặt hơn cũng như lãi suất lên quá cao trong khi ngành dệt may vẫn đang sụt giảm đơn hàng từ 30 - 40% và lợi nhuận trên từng đơn hàng cũng lao dốc.

“Các ngân hàng cần linh hoạt hơn khi cho vay, nhất là với các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó vì tình hình kinh tế chung”, ông Việt kiến nghị.

Một trong những ngành hàng vẫn duy trì tốt hoạt động sản xuất là lương thực, thực phẩm, nhưng các doanh nghiệp ngành này cho biết họ cũng không có lãi, khi mà lãi suất cho vay của ngân hàng tăng trên 10%/năm, cộng thêm giá nước tăng.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP.HCM, thực tế đáng báo động hiện nay là một số doanh nghiệp lớn, có thương hiệu lớn tại TP.HCM, đầu tư công nghệ tiên tiến nhưng hiện quá khó khăn về tài chính. Các quỹ đầu tư nước ngoài đang "săn" các doanh nghiệp này.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP.HCM: "Không ai muốn “bán mình” cho các đơn vị khác khi đã ổn định việc kinh doanh. Doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ về tất cả các ngành, lãi suất… để yên tâm sản xuất" - Ảnh: PV.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP.HCM: "Không ai muốn “bán mình” cho các đơn vị khác khi đã ổn định việc kinh doanh. Doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ về tất cả các ngành, lãi suất… để yên tâm sản xuất" - Ảnh: PV.

Bà Chi cho rằng nếu cứ để mai một các doanh nghiệp này thì thật đáng tiếc, vì số doanh nghiệp lớn tại TP.HCM luôn chiếm trên 40% lượng hàng lưu thông trên cả nước. Không ai muốn “bán mình” cho các đơn vị khác khi đã ổn định việc kinh doanh. Doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ về tất cả các ngành, lãi suất… để yên tâm sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp ngành Cơ khí - Điện TP.HCM cũng đang chật vật phải bán nhà để trả nợ, có doanh nghiệp đàm phán với nước ngoài để tránh vỡ nợ.

Theo ông Đỗ Phước Tuấn, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, chính sách hỗ trợ lãi suất của TP.HCM khiến họ gặp khó. Các doanh nghiệp được UBND thành phố duyệt dự án xong, sau đó hỗ trợ lãi suất theo quyết định của dự án nhưng đến nay vẫn chưa nhận được, không có nguồn tiền để giải quyết với ngân hàng.

CẦN MỞ ROOM, GIẢM LÃI VAY
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, về lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, bà Lý Kim Chi cho rằng UBND TP.HCM cần chỉ đạo các sở ban ngành tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển. Một số cán bộ công chức vẫn bình chân như vại trước các thủ tục, chuyển đi chuyển lại, chỉ doanh nghiệp phải chịu đựng.

Bà Chi cũng kiến nghị TP.HCM có đề xuất với Chính phủ, bộ ngành khi ban hành nghị định, thông tư thì có tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp để hạn chế việc ban hành các nghị định, thông tư không phù hợp, làm ách tắc trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp cho biết đang rất khó khăn về vốn.

Nhiều doanh nghiệp cho biết đang rất khó khăn về vốn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, hiện nay, lãi suất tiền vay hầu hết đều trên 10%/năm sẽ là khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ vay. Bởi vậy, Ngân hàng nhà nước cần chỉ đạo hạ lãi suất cho vay.

Đồng thời, nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 1 năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, cần áp dụng chính sách ân hạn 1 năm như lần hỗ trợ năm 2021, thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau, vì càng làm doanh nghiệp khó khăn thêm.

Ngân hàng Nhà nước cần sớm công bố chỉ tiêu tín dụng từ đầu năm để các ngân hàng thương mại cân đối thực hiện, tôn trọng và giữ đúng cam kết giải ngân với khách hàng để tránh đưa doanh nghiệp vào tình trạng bất ngờ.

Ghi nhận những ý kiến của các doanh nghiệp, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết mặc dù tăng trưởng kinh tế của thành phố năm 2022 đạt mức 9,03%, cao hơn mức trung bình của cả nước là 6%, nhưng từ cuối năm 2022 tình hình diễn biến phức tạp, ảnh hưởng khá toàn diện lên hoạt động của doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Nhiều thông tin đã được gửi đến chính quyền thành phố, đòi hỏi thành phố phải có giải pháp tháo gỡ, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng cho TP.HCM. Các đề xuất của doanh nghiệp, thành phố  sẽ tập trung giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.

Nguồn: TBKTVN