Đón "thập kỷ" của đường sắt, với tổng vốn đầu tư 150 tỷ USD

Mốc tiến độ trên là bắt buộc phải hoàn thành để Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam kịp trình Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, khai mạc vào sáng thứ Hai, ngày 21/10/2024.

Trong những ngày qua, các đơn vị tư vấn lập dự án, tư vấn thẩm tra, tổ chuyên gia thẩm định liên ngành, các thành viên của Hội đồng Thẩm định nhà nước, Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan đã làm việc hết sức khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao để có thể hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Với tâm thế là công trình hạ tầng có quy mô, độ phức tạp công nghệ lớn nhất từ trước đến nay, có tác động sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội lâu dài, nên các nội dung của Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án chắc chắn sẽ được các đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm đặc biệt.

Sự quan tâm này xuất phát từ việc tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế. Đây cũng sẽ là một trong những công trình hạ tầng mang tính biểu tượng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, khi quyết định đầu tư đường sắt tốc độ cao, các quốc gia đều xem xét hiệu quả tổng thể do dự án mang lại cho toàn bộ nền kinh tế. Thực tiễn chứng minh, sau khi tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải (Trung Quốc) đi vào khai thác từ năm 2012, GRDP các địa phương dọc tuyến tăng lên gấp đôi sau 10 năm. Đây còn là phương thức vận tải xanh, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Ngoài việc cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng về đột phá kết cấu hạ tầng, phát triển giao thông đường sắt, đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ là “cú hích” cho phát triển kinh tế. Điều này thể hiện trên các khía cạnh như nâng cao tiềm lực, vị thế của đất nước; đáp ứng nhu cầu vận tải, tái cơ cấu vận tải, phát huy tối đa lợi thế của từng phương thức; mở ra không gian phát triển kinh tế mới, nguồn lực mới thông qua khai thác hiệu quả quỹ đất…

Nếu được triển khai theo đúng mục tiêu đề ra, công trình này sẽ tạo động lực lớn giúp phát triển công nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng; phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị; giảm ô nhiễm môi trường; giảm tai nạn giao thông; tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo hàng triệu việc làm… Trong thời gian xây dựng, ước tính góp phần tăng GDP bình quân của cả nước khoảng 0,97 điểm phần trăm/năm.

Nếu tính cả việc nâng cấp tuyến đường sắt Thống Nhất, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, 3 tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, xây dựng 580 km đường sắt đô thị tại Hà Nội - TP.HCM, thì giai đoạn 2025 - 2035, với tổng vốn đầu tư lên tới gần 150 tỷ USD, sẽ là “thập kỷ” của đường sắt, nối tiếp thời kỳ bùng nổ về phát triển đường bộ cao tốc được khởi phát từ năm 2020 tới nay.

Với quy mô công việc khổng lồ, Việt Nam lại chưa có kinh nghiệm, nên đây là những việc lớn, việc khó, đòi hỏi quá trình triển khai cần có sự thống nhất cao về nhận thức trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận xã hội. Trong đó, cần đổi mới cách nghĩ, cách làm, với quan điểm “hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công rõ người, rõ tiến độ, rõ thời gian, rõ kết quả, sản phẩm; huy động mọi nguồn lực, trong đó yếu tố nguồn lực con người là quyết định, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần; không nóng vội, không cầu toàn; với tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi; công tác chuẩn bị phải chặt chẽ, kỹ lưỡng nhưng khi thực hiện phải nhanh, hiệu quả”.

Do thời gian không còn nhiều, nên ngay từ lúc này, các cơ quan chức năng phải bắt tay xây dựng những nền tảng tiền đề để vừa đáp ứng tính khả thi về tiến độ triển khai, vừa đảm bảo hiệu quả đầu tư. Các nền tảng này bao gồm Đề án Phát triển ngành xây dựng Việt Nam, trong đó có lĩnh vực đường sắt với trọng tâm là sớm hình thành một số doanh nghiệp có năng lực tham gia đầu tư phát triển vật liệu xây dựng, công nghệ xây dựng, cơ khí xây dựng; Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành xây dựng và công nghệ thông tin trong lĩnh vực hạ tầng đường sắt…

Đây cũng chính là điều kiện để Việt Nam phát huy tối đa tinh thần độc lập, tự chủ; tiếp nhận được tinh hoa công nghệ của thế giới. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia các dự án hạ tầng lớn, phức tạp về kỹ thuật, mà Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là ví dụ điển hình.

Nguồn: Báo Đầu tư