4 ngành sẽ chịu tác động mạnh từ CBAM khi xuất khẩu vào EU

Văn phòng dịch vụ dự án Liên Hợp quốc (UNOPS) phối hợp với Cục biến đổi khí hậu (Bộ Tài Nguyên môi trường) đã thực hiện Báo cáo tóm tắt về tác động của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đối với Việt Nam. 

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 15 của EU và là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu lớn thứ 11 vào EU, chiếm 1.8% tổng giá trị nhập khẩu của EU.

EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU giai đoạn 2012 - 2022 có xu hướng mở rộng quy mô và đối tác, tốc độ tăng trưởng trung bình xuất khẩu đạt 10,5%/năm, nhập khẩu đạt 6,4%/năm. Trong giai đoạn 2020 - 2022, sau khi EVFTA thực thi, xuất khẩu sang EU phục hồi từ mức giảm 1,8% năm 2020 lên mức tăng trưởng 14,2% năm 2021 và 16,8% năm 2022.

4 NHÓM NGÀNH SẼ CHỊU TÁC ĐỘNG TỪ CBAM

Kể từ năm 2017, giá một hạn ngạch của EU-ETS đã tăng mạnh từ khoảng 5€/tCO2 đến hơn 100€/tCO2. Giá carbon bắt buộc ở các nước xuất khẩu sẽ được tính khi bắt đầu áp dụng CBAM, vì vậy các bên xuất khẩu sẽ chỉ cần phải trả khoản chênh lệch so với giá hạn ngạch của EU-ETS.

Xuất khẩu thép vào EU tăng trưởng mạnh. 

Xuất khẩu thép vào EU tăng trưởng mạnh. 

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào EU gồm: nông sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép, thủy hải sản, sắt thép, máy tính, linh kiện và sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị.

Những ngành hàng phải chịu CBAM khi muốn nhập khẩu vào EU bao gồm sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón, điện và khí hydro. Trong các ngành trên, Việt Nam không xuất khẩu điện và xuất khẩu không đáng kể hydro sang EU. Lượng hàng hóa thuộc phạm vi áp dụng của CBAM xuất khẩu từ Việt Nam sang EU hiện không đáng kể. Việc đánh giá tác động CBAM đối với Việt Nam chỉ tập trung vào 4 ngành: xi măng, sắt thép, nhôm và phân bón.

Với cơ chế CBAM, hiện 4 ngành trên sẽ chỉ còn thời gian 2 năm trước khi CBAM chính thức áp dụng (1/1/2026) để thực hiện “chuyển đổi xanh” hoặc sẽ phải chịu một mức thuế carbon theo quy định của CBAM khi xuất khẩu vào EU.

Tuy nhiên, ngay từ 1/10/2023, các doanh nghiệp sắt thép, nhôm, xi măng và phân bón có sản phẩm xuất khẩu vào EU đã phải thực hiện Báo cáo kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính. Do đó, doanh nghiệp nào thuộc 4 nhóm ngành trên đang xuất khẩu vào EU bắt buộc phải triển khai các biện pháp giảm phát thải từ trước đó.

NGÀNH THÉP CÓ THỂ CHỊU THIỆT HẠI TỶ ĐÔ

Để đánh giá tác động hiện tại của CBAM tới Việt Nam, nhóm thực hiện Báo cáo đã sử dụng mô hình cân bằng một phần. Mô hình này được xây dựng để phù hợp với dữ liệu sẵn có ở Việt Nam và được điều chỉnh cho giai đoạn đánh giá 10 năm, từ năm 2026 (khi CBAM có hiệu lực) đến năm 2035 khi lượng phát thải của Việt Nam dự kiến đạt đỉnh.

Tác động được ước tính bằng cách so sánh kịch bản phát triển thông thường (BAU), với các kịch bản thay thế. Các kịch bản thay thế được xem xét bao gồm liệu Việt Nam có áp dụng định giá carbon từ năm 2028 như dự kiến hay không và liệu cường độ phát thải của Việt Nam có giảm hay không. Trong các kịch bản mà Việt Nam có áp dụng định giá carbon, giá carbon được định giá ở mức 11 USD/tCO2 (giá trị USD của năm 2019). Đây là chi phí xã hội trung bình thấp nhất để giảm phát thải KNK nhằm đạt được các mục tiêu trong NDC của Việt Nam.

Thép là một trong những ngành có phát thải carbon và tiêu tốn năng lượng lớn nhất. Riêng với mặt hàng này, Hiệp định EVFTA được cho là đã mở ra một “con đường cao tốc” cho sắt thép Việt Nam tiến sâu vào 27 thị trường thành viên EU, với mức độ tăng trưởng không thể ngờ tới. Hiện EU đang là thị trường nhập khẩu thép lớn số 2 của Việt Nam với tốc độ gia tăng “khủng” cả về lượng lẫn trị giá.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong năm 2023 lượng thép xuất khẩu vào EU tăng gần gấp đôi năm 2022 với gần 3,2 triệu tấn, phần trị giá đạt gần 2,5 tỷ USD. 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 1,47 triệu tấn thép vào Châu Âu, trị giá hơn 1 tỷ USD, gần bằng kim ngạch của cả năm 2022 là 1,52 triệu tấn.

Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của kim ngạch xuất khẩu thép, việc áp dụng CBAM của EU sẽ gây một số tác động tiêu cực đến các chỉ số hoạt động kinh tế chính của ngành, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo tính toán trong báo cáo, trong kịch bản cường độ phát thải của Việt Nam với tốc độ giảm ở mức 1% - 1,5%/năm, như đã đặt ra trong Chiến lược tăng trưởng xanh, thì sản lượng sản xuất sẽ giảm khoảng 0,8% vào năm 2030 tương đương 0,4 triệu tấn. Tổng giá trị xuất khẩu thép của Việt Nam vào năm 2030 ước tính giảm khoảng 3,6% tương đương khoảng 0,7 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang EU vào năm 2030 ước tính giảm khoảng 51,2% tương đương 1.1 tỷ USD.

Tổng kim ngạch xuất khẩu (ước tính) giảm thấp hơn kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường EU, cho thấy Việt Nam sẽ xuất khẩu nhiều thép hơn sang các thị trường ngoài EU để bù đắp một phần tác động của CBAM tại các thị trường EU. Do sản lượng thép giảm, lượng phát thải cũng sẽ giảm khoảng 0,9 triệu tấn CO2 vào năm 2030.

Báo cáo CBAM cho rằng, nếu ngành thép có thể giảm cường độ phát thải theo đúng kịch bản đề ra trong Chiến lược, các tác động kinh tế tiêu cực của CBAM sẽ giảm bớt, đồng thời lượng giảm phát thải sẽ tăng, từ mức 0,9 triệu tấn CO2 đến 7,5 triệu tấn CO2 vào năm 2030.  

Đối với ngành nhôm, do hạn chế về mặt dữ liệu, báo cáo chỉ giả định cường độ phát thải trong sản xuất nhôm của Việt Nam bằng với mức trung bình toàn cầu. Đây được coi là một đánh giá cao bởi Việt Nam không có nhà máy luyện nhôm có lượng phát thải lớn. Do đó, kết quả sử dụng cường độ phát thải trung bình toàn cầu trong sản xuất nhôm có thể được coi là chỉ số giới hạn trên của ước tính tác động.

Hiện EU chiếm 3% - 12% thị trường xuất khẩu nhôm của Việt Nam, với cường độ giảm phát thải giả định như trên, sản lượng Nhôm sẽ giảm khoảng 0,4%, tổng giá trị xuất khẩu nhôm vào năm 2030 ước tính giảm khoảng 4,3% tương đương 0.1 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhôm sang EU vào năm 2030 ước tính giảm khoảng 72,2% xấp xỉ 0,1 tỷ USD. Nhờ giảm sản lượng sản xuất, lượng phát thải của ngành Nhôm sẽ giảm khoảng 0,2 triệu tấn CO2 vào năm 2030.  

Nếu ngành nhôm có thể giảm cường độ phát thải, tác động kinh tế tiêu cực từ CBAM sẽ giảm đi một chút, đồng thời tổng lượng giảm phát thải cũng sẽ tăng từ 0,2 triệu tấn CO2 đến 3,6 triệu tấn CO2 vào năm 2030.

2 ngành hàng còn lại như phân bón, xi măng chịu ảnh hưởng từ CBAM không đáng kể do lượng hàng xuất khẩu sang EU không đáng kể.

Xi măng là ngành sản xuất có phát thải khói bụi lớn

Xi măng là ngành sản xuất có phát thải khói bụi lớn

Lượng phân bón xuất khẩu từ Việt Nam sang EU là rất ít (3-12%), và việc áp dụng CBAM tại EU sẽ có tác động không đáng kể đến các chỉ số hoạt động kinh tế chính của ngành phân bón. Tuy nhiên, do Xi Măng là ngành có mức độ gây ô nhiễm về khí và bụi rất lớn nên dù việc giảm cường độ phát thải trong ngành xi măng sẽ chỉ có tác dụng nhỏ trong việc làm giảm các tác động tiêu cực tới kinh tế của CBAM tới hoạt động của ngành xi măng, nhưng sẽ làm tăng đáng kể mức giảm phát thải. Cụ thể là có thể giảm từ khoảng 0,1 triệu tấn tới 7,4 triệu tấn CO2 vào năm 2030.

Báo cáo nhận định, với những mối quan hệ chặt chẽ trong quan hệ thương mại của Việt Nam và EU, tác động của CBAM đối với Việt Nam có thể trở nên đáng kể hơn nếu phạm vi áp dụng CBAM được mở rộng sang các loại hàng hóa khác trong tương lai. Thực tế là hiện chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng chuyển đổi xanh và không đáp ứng đủ điều kiện. Ngoài các tác động kinh tế, CBAM cũng sẽ ảnh hưởng đến chính sách khí hậu của Việt Nam.

Thách thức bao giờ cũng đi kèm với cơ hội, việc EU áp dụng CBAM với các thị trường bên ngoài sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi công nghệ sản xuất, thực hiện các giải pháp giảm phát thải. Chỉ còn gần 2 năm nữa sẽ đến thời hạn EU áp CBAM, do đó đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp “nhanh chân” ứng dụng công nghệ chuyển đổi sớm, giảm lượng phát thải theo cơ chế CBAM giành được thị phần.

Nguồn: TBKTVN