Quay lại

AI sẽ giúp nền kinh tế số Việt Nam đạt 220 tỷ USD vào năm 2030

Chia sẻ tại Chương trình “Kiến tạo tương lai AI Việt Nam” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Google khởi động ngày 11/7, ông Marc Woo, Giám đốc điều hành, phụ trách Việt Nam, Google Châu Á - Thái Bình Dương cho biết nền kinh tế số hiện nay của khu vực Đông Nam Á đã tăng trưởng vượt bậc, đạt giá trị kinh tế 100 tỷ USD (gấp 8 lần chỉ trong 8 năm) và được dự báo có thể lên tới 835 tỷ USD nhờ AI vào năm 2030.

“Trong đó, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ tăng trưởng gấp 11 lần vào năm 2030, đạt mức 220 tỷ USD, tương đương gần một nửa GDP hiện tại của Việt Nam”, ông Marc Woo cho biết.

Theo đại diện Google, AI sẽ là một trong những yếu tố then chốt để Việt Nam hiện thực hóa dự báo trên. Tuy vậy, Việt Nam hiện đang đối mặt với thách thức quan trọng, đó là thiếu hụt nhân sự và chuyên gia trong lĩnh vực AI. Sự khan hiếm nhân lực cùng với việc thiếu hụt cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo AI chất lượng cao càng làm nới rộng khoảng cách giữa nhu cầu của thị trường và sự đáp ứng nguồn nhân lực.

Ngoài tình trạng thiếu hụt nhân tài, các startup về AI tại Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức như thiếu cơ hội tiếp cận với các chuyên gia và cố vấn để đánh giá và thẩm định sản phẩm AI phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Startup AI của Việt Nam cũng thiếu cơ hội tiếp cận các cơ sở hạ tầng, nền tảng và công cụ sẵn sàng cho doanh nghiệp. Đây được xem là những yếu tố thiết yếu cho việc phát triển, thương mại hóa và mở rộng quy mô sản phẩm AI.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Google tại lễ khởi động chương trình "Kiến tạo tương lai AI" ngày 11/7.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Google tại lễ khởi động chương trình "Kiến tạo tương lai AI" ngày 11/7.

Theo ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược phát triển kinh tế xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã luôn chủ động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để Việt Nam nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp các Bộ ngành: (i) nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030; (ii) đề xuất thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để thúc đẩy hình thành hệ sinh thái; (iii) hình thành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam với hàng nghìn chuyên gia, trí thức người Việt trên khắp thế giới; (iv) xây dựng và đang trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn” với mục tiêu đến 2030 đào tạo được 50.000 kỹ sư bán dẫn, trong đó, bao gồm 5.000 kỹ sư bán dẫn chuyên môn sâu về phát triển AI.

Theo đó, việc NIC hợp tác với Google cùng khởi động chương trình “Kiến tạo tương lai AI Việt Nam” sẽ tập trung vào hai trụ cột chính, kiến tạo cho nhân tài và kiến tạo cho doanh nghiệp. Trong đó, mỗi trụ cột sẽ giải quyết các việc then chốt nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực Việt Nam, nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp và củng cố nền tảng để tối đa hóa việc áp dụng AI.

Chương trình sẽ cung cấp 40.000 suất học bổng với 10 khoá học, bao gồm khóa học về trí tuệ nhân tạo nhằm trang bị các kỹ năng AI mới nhất cho thế hệ trẻ Việt Nam, trong đó có nhiều cán bộ, giảng viên và sinh viên của hơn 80 trường đại học và cao đẳng trên cả nước.

Đây là hoạt động nâng cấp từ chương trình Phát triển Nhân tài số đã được Google và NIC ra mắt hồi tháng 7/2022. Tính đến nay, chương trình đã trang bị bộ kỹ năng số cho 60.000 người trong độ tuổi lao động tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhận thấy vai trò then chốt của các startup địa phương, Google đã cam kết hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam ngay từ giai đoạn đầu. Năm nay, với Google for Startups Accelerator, Google tìm kiếm hướng đến mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy các startup Việt Nam trong kỷ nguyên AI.

Nguồn: TBKTVN