Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường: Chỉ tiêu về môi trường trở thành tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả, tính bền vững

Sáng 21/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành tài nguyên và môi trường. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

KHƠI THÔNG CÁC ĐIỂM NGHẼN CHÍNH SÁCH, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG HIỆU QUẢ, BỀN VỮNG NGUỒN TÀI NGUYÊN

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết trong năm 2024, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là khơi thông các điểm nghẽn về chính sách, bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Thứ nhất, thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý và thực tiễn phát triển của đất nước. Việc tổ chức thực thi chính sách, pháp luật được toàn Ngành triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Thứ hai, hệ thống các quy hoạch ngành quốc gia được xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để phân bổ, bố trí, sử dụng hợp lý không gian và nguồn lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng kinh tế xã hội, các địa phương và cả nước.

Thứ ba, công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, đáp ứng nhu cầu phát triển, làm nền tảng thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự Hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự Hội nghị.

Thứ tư, công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, có chuyển biến tích cực; các chỉ tiêu về môi trường đã trở thành tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả, tính bền vững kinh tế xã hội của quốc gia và từng địa phương. Các giải pháp về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế toàn hoàn, kinh tế carbon thấp đã đạt được kết quả bước đầu.

Thứ năm, công tác dự báo khí tượng, thủy văn, dự báo, cảnh báo thiên tai luôn chủ động “đi sớm, đi trước”, chất lượng được nâng lên, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai các biện pháp phòng, chống, qua đó góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Thứ sáu, công tác chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực; công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, thông tin, truyền thông ngày càng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng cho rằng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác quản lý nhà nước ngành Tài nguyên và Môi trường cũng còn những mặt tồn tại, hạn chế, như: một số thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; chất lượng triển khai chính sách, pháp luật không đồng đều giữa các địa phương.

Nguồn lực tài nguyên ở nhiều nơi chưa được sử dụng hiệu quả, nhất là tài nguyên đất đai, gây nên tình trạng lãng phí; việc vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản còn xảy ra ở nhiều nơi.

Tình trạng ô nhiễm môi trường các lưu vực sông, cụm công nghiệp, làng nghề, ô nhiễm không khí tại các đô thị chưa được quan tâm khắc phục.

Công tác phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính chưa triệt để; công tác chuyển đổi số trong Ngành chưa đáp ứng với yêu cầu quản trị hiện đại. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, địa bàn còn hạn chế.

HƠN 92% KHU CÔNG NGHIỆP, KHU CHẾ XUẤT CÓ HỆ THỐNG XỬ LÝ NƯỚC THẢI ĐẠT QUY CHUẨN

Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhiều ngày lễ lớn của quốc gia và dân tộc. Tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Ở trong nước có những thuận lợi rất cơ bản, vừa phải "tăng tốc, bứt phá", tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của cả nhiệm kỳ 2021-2025; vừa phải thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Trong bối cảnh đó, ngành tài nguyên và môi trường đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ 2021-2025 với tinh thần: “Mục tiêu, nhiệm vụ nào chưa hoàn thành thì phải hoàn thành; mục tiêu, nhiệm vụ nào đã hoàn thành rồi thì phải tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả”.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường: Chỉ tiêu về môi trường trở thành tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả, tính bền vững - Ảnh 1

Về những nhiệm vụ trọng tâm, toàn ngành phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Trong đó, tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật bao quát toàn diện các lĩnh vực; tổ chức bộ máy được sắp xếp, kiện toàn tinh gọn, hoạt động hiệu quả; chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường được đẩy mạnh, phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước của Bộ và các địa phương.

Cùng với đó, các nguồn lực tài nguyên được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững; chất lượng môi trường được cải thiện, kiểm soát tốt các nguồn gây ô nhiễm; chủ động, linh hoạt trong huy động các nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu; dự báo, cảnh báo chính xác, kịp thời tình hình khí tượng và các hiện tượng thời tiết cực đoan để chủ động phòng, chống, ứng phó.

Ngành cũng đặt ra các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể phấn đấu đặt được trong năm 2025, cụ thể: Hoàn thành kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành tài nguyên và môi trường theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số18-NQ/TW, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hệ thống chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường được tổ chức thực thi đồng bộ, đầy đủ, toàn diện, thông suốt từ Trung ương đến địa phương; Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu để kết nối với hệ thống thông tin đất đai theo mục tiêu đã được nêu tại Nghị quyết số18-NQ/TW vào năm 2025.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đặt mục tiêu cải thiện các chỉ số thành phần môi trường. Theo đó, trên 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường; 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 80% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý bảo đảm quy chuẩn; 30- 40% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý kết hợp thu hồi năng lượng…

Để tăng tốc phát triển, ngành Tài nguyên và Môi trường nêu rõ 3 giải pháp đột phá.

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, rõ ràng, minh bạch; tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn trong quy định của pháp luật, xây dựng hệ thống quy hoạch đồng bộ để giải phóng, phát huy các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế, xã hội.

Thứ hai, tập trung nguồn lực thực hiện chuyển đổi số, xây dựnghệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường; xây dựng, vận hành hệ thống thông tin đất đai (MPLIS), số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và các cơ sở dữ liệu quan trọng, cấp bách tạo nền tảng phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.

Thứ ba, tập trung nguồn lực để giải quyết hiệu quả các vấn đề cấp bách về môi trường, đặc biệt là xử lý nước thải tại các đô thị, cụm công nghiệp, làng nghề; cải tạo, phục hồi các lưu vực sông, hồ chứa, công trình thủy lợi bị ô nhiễm nghiêm trọng. Xây dựng hạ tầng phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đẩy mạnh xử lý kết hợp thu hồi năng lượng, hạn chế chôn lấp; giảm thiểu rác thải nhựa. Nâng cao chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, khu vực đông dân cư.

Trong lĩnh vực môi trường, triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tổ chức xây dựng, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ: Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam; tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường…

Nguồn: TBKTVN