ECB cắt giảm 0,25% lãi suất, dự đoán Fed giảm lãi suất 0,25% tăng từng giờ

Đây là lần cắt giảm lãi suất lần thứ 2 của ECB kể từ tháng 6/2024 đến nay trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chững lại, dù lạm phát vẫn đang trong mục tiêu 2%. ECB không hé lộ bất kỳ manh mối gì về bước đi sắp tới trong khi các nhà đầu tư tin rằng ECB sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng những tháng tới.  

"Chúng tôi không cam kết trước về một lộ trình lãi suất cụ thể", Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho hay.

Trong thông báo được đưa ra, ECB cho biết, Hội đồng thống đốc sẽ dựa vào các số liệu ở thời điểm từng phiên họp để ra quyết định.

Hiện nay, thị trường đang tập trung vào phiên họp chính sách diễn ra tuần tới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Một khảo sát do Reuteur tiến hành gần đây cho thấy, hầu hết các nhà kinh tế đều dự báo khả năng Fed sẽ giảm lãi suất 0,25% trong phiên họp này.  Cụ thể, có tới 92 trong tổng số 101 nhà kinh tế dự báo một đợt cắt giảm 0,25% lãi suất. Ngoài ra, có 65 trong số 95 nhà kinh tế học cho rằng Fed sẽ thực hiện thêm hai đợt cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 11 và tháng 12 năm nay.  

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 87% Fed sẽ giảm 0,25% lãi suất, 14% còn lại dự báo Fed sẽ giảm 0,5% lãi suất. So với hôm qua, đặt cược Fed hạ lãi suất 0,25% đang tăng từng giờ.

Trước đó, ngân hàng trung ương nhiều quốc gia khác như Thụy Sỹ, Canada cũng đã lần đầu tiên hạ lãi suất kể từ sau covid 19. Mặc dù làn sóng hạ lãi suất của khối ngân hàng trung ương đang lan rộng, song theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Maybank Investment Bank cho rằng, nhà đầu tư cần tỉnh táo, bởi kỷ nguyên tiền rẻ chưa bắt đầu. Nguyên nhân là lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương châu Âu, Mỹ vẫn còn cao hơn rất nhiều so với lãi suất trung tính (khoảng 2,5-3%). Để kỷ nguyên tiền rẻ bắt đầu, lãi suất của các ngân hàng trung ương phải kéo giảm về dưới mức này - tức phải giảm 50% lãi suất hiện hành.

“Kỳ vọng kỷ nguyên tiền rẻ quay lại để kích hoạt thị trường tài chính, khiến thị trường tài sản ‘phi như điện’ là rất khó, nhất là trong bối cảnh nhiều lớp tài sản như chứng khoán, vàng, tài sản số… đều đang ở đỉnh như hiện nay”, ông Phan Dũng Khánh cảnh báo.

Với thị trường Việt Nam, theo các chuyên gia, tác động lớn nhất của việc Fed hạ lãi suất là áp lực với tỷ giá sẽ giảm, từ đó NHNN có thêm dư địa điều hành chính sách tiền tệ, ổn định lãi suất như hiện nay.

Nguồn: Báo Đầu tư