Giới chuyên gia bi quan về kinh tế Trung Quốc

Sau khi Trung Quốc công bố loạt số liệu kinh tế u ám vào cuối tuần vừa rồi, giới phân tích cắt giảm kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng cả năm nay của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Không có nhiều tin tốt trong loạt dữ liệu mới nhất. Và đây cũng là tình trạng chung của những tháng gần đây”, giáo sư Eswar Prasad của Đại học Cornell nhận định trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.

“Cả những vấn đề dài hạn của Trung Quốc như khủng hoảng bất động sản và những vấn đề ngắn hạn như nhu cầu trong nước - nhất là đầu tư của khu vực tư nhân và tiêu dùng của hộ gia đình - hiện đều không ổn chút nào”, ông Prasad nhận định. Ông cảnh báo rằng triển vọng kinh tế của Trung Quốc trong nửa sau của năm nay đang “phát tín hiệu báo động đỏ, hoặc khá gần mức đỏ”.

Chiến lược gia trưởng Duncan Wrigley của công ty Everbright Securities International nói rằng “ở mặt tích cực, dù cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc hiện nay không kém phần nghiêm trọng so với khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ hay khủng hoảng bất động sản ở Nhật trước kia, nhưng Trung Quốc vẫn chưa xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính có hệ thống, và một cuộc khủng hoảng có quy mô toàn cầu cũng chưa xuất hiện”.

“Bởi vậy, xét trên một số phương diện, Chính phủ Trung Quốc đã cách ly được cuộc điều chỉnh lớn trên thị trường bất động sản khỏi khu vực tài chính và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lớn hơn. Vì thế, nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua một sự điều chỉnh chậm rãi, đau đớn và thê thảm”, ông Wrigley nói thêm.

Các số liệu công bố vào cuối tuần vừa rồi cho thấy doanh thu bán lẻ, sản lượng công nghiệp và đầu tư đô thị của Trung Quốc trong tháng 8 đều yếu hơn so với kỳ vọng của giới phân tích. Tỷ lệ thất nghiệp thành thị tăng lên mức cao nhất 6 tháng, trong khi tốc độ giảm của giá nhà so với cùng kỳ năm trước là mạnh nhất 9 năm.

Những con số này nối dài những nỗi thất vọng của giới đầu tư và chuyên gia về triển vọng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc sau những năm đại dịch Covid-19.

Ông Prasad chỉ trích Chính phủ Trung Quốc đã quá chậm chạp trong việc đưa ra những biện pháp mạnh mẽ hơn để kích cầu nền kinh tế. “Sử dụng chính sách tiền tệ để kích cầu đòi hỏi những động thái lớn. Việc này cũng đòi hỏi hành động sớm. Nhưng chúng tôi chưa hề thấy cả hai điều đó từ phía Chính phủ Trung Quốc”, ông nói.

Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào ngày thứ Tư tuần này, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc Helen Qiao của ngân hàng Bank of America cho rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) có thể sẽ không giảm lãi suất nhiều như Fed.

Dù vậy, bà Qiao khẳng định rằng sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đòi hỏi PBOC phải tiếp tục giảm lãi suất. Theo nhà kinh tế này, an ninh việc làm và tăng trưởng thu nhập - những động lực chính cho tiêu dùng - đều là những yếu tố mà Trung Quốc đang đang thiếu ở thời điểm hiện tại.

Bank of America đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc năm nay về 4,8%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 5% mà Chính phủ nước này đề ra. Ngân hàng Citigroup cũng giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc còn 4,7% sau loạt dữ liệu mới nhất.

Ông Prasad chỉ ra thêm rằng hoạt động sản xuất của Trung Quốc - sau một khoảng thời gian được nhịp tăng trưởng khá tốt cho tới vài tháng trước - cũng đang bắt đầu yếu đi. “Tôi không nói là nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng thảm hại, nhưng câu chuyện sẽ đi theo hướng như vậy”, ông nhấn mạnh.

Nguồn: TBKTVN