Nền kinh tế tăng trưởng nóng vì chiến tranh, Nga nâng lãi suất lên gần 20%

Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) mới đây đã tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ khi điện Kremlin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cách đây 2 năm rưỡi. Tăng lãi suất là một biện pháp để Nga chống lại sự leo thang của lạm phát trong bối cảnh Chính phủ Nga chi mạnh cho quân sự và nhu cầu của người tiêu dùng vượt quá khả năng cung cấp của nền kinh tế.

Lãi suất cơ bản được CBR tăng 1 điểm phần trăm, từ 18% lên 19%, sát mức ghi nhận ở thời điểm cuối tháng 2/2022. Khi đó, lãi suất của Nga đạt mức cao chưa từng có 20% do nhà chức trách ra sức củng cố sức mạnh cho đồng rúp đang rớt giá mạnh và chống lại dòng vốn chảy khỏi Nga dưới sức ép từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

So với khi đó, tình hình kinh tế Nga hiện nay có nhiều điểm khác. Lạm phát là một biểu hiện của nền kinh tế đang tăng trưởng quá nóng do Chính phủ chi tiêu mạnh và nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh hơn khả năng sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong nước.

“Tôi ước gì tiền lương cũng tăng nhanh như giá cả trong siêu thị. Mọi thứ đều đắt đỏ. Trứng, bánh mì, bột mì, đường muối, cái gì cũng đắt”, một người phụ nữ có tên Natalya ở Moscow nói với phóng viên hãng tin ABC News khi đang đi mua sắm.

Một người tên Andrei cho hay “một nửa tiền lương phải dùng để mua thực phẩm. Nếu bạn tính tới việc 70% người dân bình thường có khoản vay thế chấp nhà hoặc các khoản vay tiêu dùng lớn như vay mua xe, có thể nói rằng cuộc sống của họ đang khó khăn”.

Các nhà máy ở Nga đang vận hành hết công suất để sản xuất hàng hóa như quần áo và xe cộ cho quân đội. Điện Kremlin hiện dành 7% sản lượng kinh tế hàng năm cho mục đích quân sự và mỗi tháng huy động tới 30.000 người trong độ tuổi lao động tham gia vào cuộc chiến.Trong bối cảnh đó, nhiều công nhân được trả lương cao hơn, dẫn tới nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn, khiến lạm phát càng tăng mạnh.

Bởi vậy, bất chấp các biện pháp trừng phạt và mối lo của nhiều người tiêu dùng Nga về hóa đơn thực phẩm, nền kinh tế nước này vẫn đang vững vàng trên nhiều phương diện. Quý 2 năm nay, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Nga tăng 4,4%. Tỷ giá đồng rúp gần đây đã ổn định sau khi giảm khoảng 40% so với đồng USD và đồng euro kể từ năm 2022. Ngân sách chính phủ Nga, với nguồn thu từ dầu lửa, vẫn ổn dù chi tiêu tăng lên. Thâm hụt chỉ ở mức nhỏ và được bù đắp bằng các khoản vay từ các ngân hàng trong nước.

Nhưng trong dài hạn, lạm phát và việc Nga mất thị trường ở nước ngoài và vốn đầu tư nước ngoài do lệnh trừng phạt có thể đồng nghĩa với tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu nhập giảm xuống. Bên cạnh đó, chi phí đi vay tăng cao có thể trở thành một thách thức đối với doanh nghiệp Nga cũng như tăng trưởng kinh tế trong những tháng sắp tới.

Tuy nhiên, Thống đốc CBR Elvira Nabiullina nói rằng cơ quan này có thể tiếp tục tăng lãi suất để đưa lạm phát từ mức 9,1% hiện nay về mục tiêu 4%. Theo dự báo, tốc độ lạm phát cả năm nay ở Nga là 7,3%.

“Chúng tôi cảm thấy có thể đạt được mục tiêu lạm phát trong năm tới và chúng tôi đang theo đuổi chính sách để làm được điều đó. Chúng tôi sẵn sàng duy trì điều kiện chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian đủ dài, chúng tôi sẵn sàng tăng thêm lãi suất”, bà Nabiullina nói tại một cuộc họp báo sau khi CBR tăng lãi suất hôm 13/9.

Vị Thống đốc cũng nêu rõ những ảnh hưởng tiêu cực của lạm phát quá cao, gồm bào mòn tiền tiết kiệm của người dân, dẫn tới lãi suất cao đối với các khoản vay dài hạn và vay thế chấp nhà, và đặt ra rủi ro kỳ vọng lạm phát ăn sâu vào tiền lương và giá cả. Hiện tại, phần thắng chưa nghiêng về CBR trong cuộc chiến chống lạm phát và các nhà kinh tế học nói rằng sẽ đến lúc điều kiện tín dụng sẽ gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế.

Tiền lương tăng và thị trường việc làm mạnh đã giúp người tiêu dùng Nga bù đắp lại phần nào tác động của lạm phát. Nhờ đó, “hoạt động của người tiêu dùng vẫn duy trì ở mức cao” - CBR cho hay.

“Lý do khiến họ tăng lãi suất là họ muốn hạ nhiệt thị trường tiêu dùng đang tăng trưởng rất nhanh. Mối lo của họ là trừ phi hạ nhiệt được thị trường tiêu dùng, sẽ xảy ra tình trạng bong bóng, rồi bong bóng sẽ vỡ và đẩy nền kinh tế vào một tình trạng tồi tệ hơn nhiều”, CEO Chris Weafer của công ty tư vấn Macro-Advisory Ltd. nhận định.

Thu ngân sách của chính phủ Nga đang được hỗ trợ bởi tăng trưởng kinh tế và hoạt động xuất khẩu dầu khí được duy trì bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Dù nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) đưa ra mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu nga, Moscow vẫn lách được sự trừng phạt này bằng cách sử dụng đội tàu chở dầu của riêng mình không cần tới dịch vụ bảo hiểm của phương Tây. Trong tháng 7 năm nay, Nga thu được khoảng 17 tỷ USD từ xuất khẩu dầu thô.

Chính phủ Nga hiện tại dự báo nền kinh tế tăng trưởng 3,9% trong năm nay, cao hơn mức dự báo tăng 2,8% đưa ra hồi tháng 4, nhưng thấp hơn mức tăng 4,6% ghi nhận trong nửa đầu năm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Nga tăng trưởng 3,2% trong năm nay và 1,5% trong năm 2025.

Nguồn: TBKTVN