Khách hàng thắt lưng buộc bụng - TP.HCM tìm cách kích cầu tiêu dùng

Người tiêu dùng tiếp tục cắt giảm chi tiêu

7 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP.HCM tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước, riêng tháng 7 chỉ tăng 4,3% so với tháng trước.

Nói về con số thống kê trên, theo ý kiến nhiều doanh nghiệp, nguyên nhân do sức mua khá chậm và không đạt như kỳ vọng. Bởi, kinh tế vẫn chưa hết khó khăn nên người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm hơn. Nếu trước đây, người tiêu dùng chỉ cắt giảm các món hàng xa xỉ phẩm, đắt tiền, hoặc quần áo, giày dép thời trang…thì giờ đây cả hàng tiêu dùng cũng cân nhắc hơn.

Ông Nguyễn Đức Hưng- Giám đốc Công ty Napoli coffee cho biết, 7 tháng qua doanh số bán hàng của doanh nghiệp qua các kênh siêu thị, cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống và chuỗi thức uống cà phê Napoli coffee đã giảm 40% so với cũng kỳ năm trước. Trước đây, khách hàng 1 tháng uống khoảng 20 ly cà phê thì giờ giảm 1 tháng chỉ còn 12 ly.

Thời điểm này, người tiêu dùng cũng “thắt lưng buột bụng” trong tiêu dùng nên các quán cà phê, tiệm tạp hóa, siêu thị... sức mua cũng giảm mạnh. Doanh nghiệp cũng đẩy mạnh kích cầu nhiều giải pháp truyền thông, maketing… để thay tạo thói quen mua sắm mới.

khach hang that lung buoc bung - tp.hcm tim cach kich cau tieu dung hinh anh 1

Sức mua ở các cửa hàng tạp hóa, siêu thị, chợ truyền thống chậm (Ảnh: Lệ Hằng)

Theo ông Hà Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), mặc dù giá trị giỏ hàng của khách hàng trong hệ thống siêu thị vẫn ở mức tương đương so với cùng kỳ năm trước, nhưng do đang bị trượt giá nên thực tế không có tăng trưởng. Khách hàng cũng chỉ tập trung mua hàng tiêu dùng thực phẩm thiết yếu. Vì vậy, các mặt hàng tiêu dùng khác, siêu thị phải tặng phiếu giảm giá để kích cầu tiêu dùng.

 

Để đẩy mạnh sức mua từ nay đến cuối năm, Satra phối hợp với các doanh nghiệp, nhà cung ứng triển khai 14 chương trình khuyến mại, trong đó cao điểm là dịp lễ Quốc khánh 2/9 và Tết Dương lịch.

Ông Hà Ngọc Sơn kiến nghị: Sở Công thương Thành phố nên tổ chức chương trình khuyến mại tập trung với thời gian ngắn hơn, có thể trong 1 tháng, nửa tháng hoặc thậm chí 1 tuần, nhưng khuyến mại đồng loạt. Đồng thời, sở có chương trình truyền thông thật rộng rải để tất cả người dùng biết thời điểm đó là các doanh nghiệp đều cùng khuyến mại, như vậy sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa đồng bộ thì lúc đó mới thực sự có lợi, hiệu quả cho người tiêu dùng và cả doanh nghiệp  

Kiểm soát chặt chất lượng hàng khuyến mại

Để đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa, từ nay đến cuối năm nay, TP.HCM sẽ tổ chức 2 đợt khuyến mại tập trung. Hơn 60 doanh nghiệp lớn của thành phố tham gia sẽ được phép áp dụng giảm giá tối đa lên đến 100% giá trị hàng hóa.

Chương trình này có mức giảm giá sâu nên cơ quan chức năng của TP.HCM sẽ kiểm soát chặt chẽ để tránh tình trạng bán hàng không đúng chất lượng và hàng hóa cận thời hạn sử dụng.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương TP.HCM cho biết: Doanh nghiệp sẽ tập trung giảm giá nhiều nhất, nhưng kiên quyết không đánh đổi chất lượng. Đó là lý do mà Sở Công thương Thành phố và Ủy ban Mặt trận tổ quốc Thành phố phát động triển khai "tít xanh trách nhiệm", hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa. Đơn vị đầu tàu kéo chương trình này chính là các hệ thống phân phối

Để tăng hiệu quả chương trình khuyến mại tập trung, kích cầu tiêu dùng, ông Bùi Tá Hoàng Vũ- Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, Thành phố còn triển khai đồng bộ với các chương trình kết nối tín dụng để nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời, sở cũng sẽ kết nối cung cầu, phối hợp, liên kết với các tỉnh, thành phía Nam để triển khai chương trình.

Bên cạnh khuyến mại thì sở tiếp tục các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, từ tiếp cận nguồn vốn, kích cầu, liên kết ngân hàng và doanh nghiệp. Thành phố có Chương trình kết nối với các tỉnh, thành, từ đó các doanh nghiệp của Thành phố thông qua chương trình này để phát triển thị trường bán lẻ, phân phối hàng hóa sản xuất từ TP.HCM.

khach hang that lung buoc bung - tp.hcm tim cach kich cau tieu dung hinh anh 2

TP.HCM kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phía Nam để kích cầu tiêu dùng (Ảnh: Lệ Hằng)

Kích cầu tiêu dùng nội địa là một trong ba giải pháp trọng tâm TP.HCM đặt ra để hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 từ 7-7,5%. Những giải pháp mới, cần thiết  trong kích cầu tiêu dùng để doanh nghiệp và người dân cùng có lợi có thể sẽ góp phần thúc đẩy sức mua của thành phố từ nay đến cuối năm.

Nguồn: VOV