Khai mạc lễ hội trái cây Việt Nam tại Trung Quốc

Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề “Trái cây Việt Nam - Bốn mùa thơm ngon” diễn ra trong 2 ngày 29-30/9 tại Trung tâm Phân phối Nông sản Tân Phát Địa, quận Phong Đài, thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), nhằm chào mừng kết quả tốt đẹp trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm và cuộc gặp cấp cao với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Lễ hội trái cây do Bộ Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và Hiệp hội rau quả Việt Nam tổ chức, nhân sự kiện Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.

XUẤT KHẨU TRÁI CÂY VIỆT NAM SANG TRUNG QUỐC ƯỚC ĐẠT 4,5 TỶ USD NĂM 2024

Phát biểu khai mạc lễ hội trái cây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết đây là lần đầu tiên lễ hội trái cây được tổ chức và là cơ hội quý báu để các doanh nghiệp và người tiêu dùng hai nước được thưởng thức những trái cây thơm ngon, tinh khiết của Việt Nam. Sự kiện lần này có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu kết quả hợp tác tốt đẹp trong lĩnh vực nông nghiệp và thương mại nông sản giữa hai quốc gia. Đây cũng là cơ hội rất quý để các doanh nghiệp của cả hai bên kết nối, giao thương, thúc đẩy hợp tác phát triển ngành hàng trái của hai nước.

Một gian hàng tại lễ hội trái cây Việt Nam tại Trung Quốc.

Một gian hàng tại lễ hội trái cây Việt Nam tại Trung Quốc.

“Việt Nam - Trung Quốc là hai nước láng giềng, có mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp, truyền thống lâu đời; sự gần gũi về địa lý, thổ nhưỡng và khí hậu; sự tương đồng về văn hóa ẩm thực, là tiền đề để thúc đẩy thương mại hai nước nói chung và trao đổi đặc sản trái cây nói riêng. Việc đưa trái cây của Việt Nam đến thị trường Trung Quốc là cách để người tiêu dùng có thể thưởng thức hương vị tuyệt vời của nhiều loại trái cây như đang ở Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ.

"Hiện tại, toàn Việt Nam đã có 5.840 mã số vùng trồng trái cây đã được nước nhập khẩu cấp mã số, trong đó qua thị trường Trung quốc chiếm 40,2% với 2.350 vùng trồng đã được cấp mã số xuất khẩu".

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, trong những năm vừa qua, với sự hỗ trợ, giúp đỡ đắc lực của Tổng cục Hải quan và các cơ quan liên quan của phía Trung Quốc, cùng với sự vào cuộc và cố gắng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng Bộ Công thương Việt Nam trong công tác quy hoạch vùng trồng, minh bạch hóa quá trình canh tác, quản lý nghiêm việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, hệ thống truy xuất nguồn gốc…

Đến thời điểm hiện tại, đã có 12 loại trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước tính khoảng 4,5 tỷ USD trong năm 2024.

Việt Nam là quốc gia nhiệt đới, lãnh thổ trải dài trên 15 vĩ độ, đây là điều kiện lý tưởng trồng nhiều loại trái cây mang hương vị đặc trưng, trong đó phải kể đến như: Thanh long, sản lượng hàng năm đạt 1,3 triệu tấn, xoài 1,1 triệu tấn, sầu riêng 1,2 triệu tấn, chuối 2,5 triệu tấn, bưởi 1,1 triệu tấn, mít 980 nghìn tấn, vải thiều 320 nghìn tấn, nhãn 635 nghìn tấn, dứa 725 nghìn tấn, chôm chôm 320 nghìn tấn, bơ, chanh leo... Đây là những sản phẩm đã được trồng tại các khu vực có mã số vùng trồng, đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế, phục vụ xuất khẩu.

Thứ trưởng  Trần Thanh Nam: "Đến thời điểm hiện tại, đã có 12 loại trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc".

Thứ trưởng  Trần Thanh Nam: "Đến thời điểm hiện tại, đã có 12 loại trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc".

“Trái cây Việt Nam không chỉ là món quà tuyệt vời từ thiên nhiên, mà còn là sứ giả của nông sản Việt Nam, mang đậm nét văn hóa của người Việt”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Để thúc đẩy giao thương nông sản giữa hai quốc gia trong thời gian tới, qua lễ hội lần này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong muốn các cơ quan có liên quan của hai nước tiếp tục, tăng cường phối hợp hơn nữa trong việc tháo gỡ rào cản, mở cửa thị trường nông sản, đặc biệt các cơ quan của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để mở rộng các mặt hàng nông lâm thủy sản, nhất là các mặt hàng trái cây đặc sản của Việt Nam được giới thiệu và tiêu thụ trên thị trường của Trung Quốc.

Các hiệp hội, doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước cần tăng cường hợp tác, liên kết để mở rộng thị trường, phát triển các chuỗi liên kết nông sản bền vững phục vụ xuất khẩu, mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực phục vụ xuất khẩu như: Xúc tiến thương mại, logistics, chợ đầu mối, chuỗi kho lạnh, bảo quản chế biến và chọn tạo giống... Cơ quan thương mại và nông nghiệp của hai nước cần tăng cường phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để tiếp tục tổ chức các lễ hội giao thương nông sản tại nhiều địa phương, khu vực tiềm năng khác của Trung Quốc trong thời gian tới.

KINH TẾ THƯƠNG MẠI LÀ ĐỘNG LỰC CHÍNH CHO QUAN HỆ VIỆT - TRUNG

Đại diện cho phía Trung Quốc, ông Lý Ngạn - Phó Vụ trưởng Vụ châu Á, Bộ Thương mại Trung Quốc phát biểu, Việt Nam - Trung Quốc núi liền núi, sông liền sông, là đồng chí tốt, đối tác tốt, láng giềng tốt, người bạn tốt của nhau. Dưới sự chỉ đạo chiến lược của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nhà nước, mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc đã gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực.

“Hợp tác kinh tế thương mại là động lực chính cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Kể từ năm 2004, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và kể từ năm 2016, Việt Nam chính là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN”, ông Lý Ngạn khẳng định.

Ông Lý Ngạn: "Việt Nam là nguồn cung cấp trái cây lớn nhập khẩu vào Trung Quốc".

Ông Lý Ngạn: "Việt Nam là nguồn cung cấp trái cây lớn nhập khẩu vào Trung Quốc".

Theo ông Lý Ngạn, từ tháng 1 đến tháng 8/2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt gần 170 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam là nguồn cung cấp trái cây lớn nhập khẩu vào Trung Quốc.

Với nỗ lực chung của hai bên, các loại trái cây chất lượng cao của Việt Nam như sầu riêng, thanh long, chuối, xoài… đã có mặt trên thị trường 1,4 tỷ dân. Đồng thời, các sản phẩm thực phẩm sản xuất tại Việt Nam như cà phê, phở… cũng được rất nhiều người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.

Cùng với việc triển khai toàn diện của Hiệp định RCEP cũng như việc liên tục nâng cấp Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN, hợp tác giữa hai nước về công nghệ, tiêu chuẩn, sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển theo hướng sâu rộng hơn.

“Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức sự kiện quảng bá trái cây tại Bắc Kinh. Hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng tốt cơ hội này, tích cực tìm hiểu thị trường Trung Quốc. Tôi cũng hy vọng, người dân Bắc Kinh sẽ nắm bắt cơ hội hiếm có này, để thưởng thức trái cây thơm ngon Việt Nam và giới thiệu hương vị trái cây độc đáo này cho bạn bè, người thân của mình”.

Ông Lý Ngạn - Phó Vụ trưởng Vụ châu Á, Bộ Thương mại Trung Quốc.

Ông Trương Ngọc Tỷ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Trung tâm Phân phối Nông sản Tân Phát Địa, cho biết Bắc Kinh là một thành phố quốc tế hóa với dân số lên tới 30 triệu người và nhu cầu về nông sản chất lượng cao là vô cùng lớn. Trung tâm Tân Phát Địa là nơi cung cấp rau củ quả chính cho người dân thủ đô, cung cấp tới 90% nông sản tại Bắc Kinh. Năm 2023, tổng khối lượng giao dịch nông sản tại Tân Phát Địa đạt 15,16 triệu tấn, tổng kim ngạch giao dịch đạt 126,7 tỷ Nhân dân tệ.

“Tỷ lệ tự cung cấp nông sản của Bắc Kinh là rất thấp, hầu hết nông sản đều đến từ các tỉnh thành khác và nhập khẩu từ nước ngoài. Hàng năm, các sản phẩm nông nghiệp từ 46 quốc gia và khu vực được trưng bày tại Tân Phát Địa, có thể nói “Chỉ cần bước vào Tân Phát Địa có thể thưởng thức ẩm thực từ khắp nơi trên thế giới”, ông Tỷ nói.

Để nâng cao khả năng kiểm soát chất lượng nông sản, đồng thời tích cực thúc đẩy hợp tác xây dựng và chia sẻ “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, Tân Phát Địa đã đẩy mạnh mở rộng cơ sở trồng trọt tại Việt Nam, Thái Lan, Lào, Myanmar, Campuchia, Philippines, Malaysia…. Trong đó, thanh long, chuối, xoài, dưa hấu, khoai lang tím được trồng chủ yếu ở Việt Nam, với diện tích hơn 20.000 mẫu Anh (1 mẫu Anh bằng 4.047 m2). Trong tương lai, Tân Phát Địa sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác về sầu riêng, mít, nhãn, chanh leo, măng cụt và các giống cây trồng khác tại Việt Nam.

“Lễ hội Trái cây Việt Nam là một hội chợ có ý nghĩa quan trọng và mang tính thời đại, thể hiện sự nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân Việt Nam trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc.  Chúng tôi vô cùng mong chờ sẽ có thêm nhiều loại rau quả Việt Nam chất lượng cao có mặt trên thị trường Trung Quốc, góp thêm sắc màu phong phú cho bữa ăn của người dân thủ đô Bắc Kinh”, lãnh đạo Tân Phát Địa nhấn mạnh.

Nguồn: TBKTVN