Khoảng lặng của thị trường trái phiếu chính phủ toàn cầu

Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường toàn cầu ít có khả năng tăng mạnh hoặc giảm mạnh trong ngắn hạn, vì lãi suất đã đạt đỉnh trong khi lạm phát còn dai dẳng đồng nghĩa việc cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra chậm - giới phân tích nhận định trong các cuộc trao đổi với Wall Street Journal.

Tờ báo này dẫn dữ liệu từ nhà cung cấp số liệu thị trường tài chính Refinitiv cho thấy thị trường đang đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất khoảng 0,42 điểm phần trăm trong năm nay, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giảm 0,65 điểm phần trăm và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) giảm 0,55 điểm phần trăm.

Lượng cắt giảm lãi suất như được dự báo ở trên thấp hơn nhiều so với mức dự báo của thị trường ở thời điểm đầu năm nay. Ngoài ra, kỳ vọng về thời điểm mà các ngân hàng trung ương có thể tiến hành đợt giảm lãi suất đầu tiên cũng được đẩy lùi về muộn hơn.

“Chúng tôi thuộc phe cho rằng Fed sẽ có hai đợt giảm lãi suất trong năm nay, bắt đầu vào tháng 9, và không cho rằng giá trái phiếu chính phủ sẽ tăng thêm nhiều từ mức hiện tại”, nhà kinh tế trưởng về châu Âu của ngân hàng đầu tư Jefferies, ông Mohit Kumar, nhận định trong một báo cáo.

Lợi suất trái phiếu tính bằng lợi tức cuống phiếu chia cho giá trái phiếu, có đơn vị tính là %/năm, phản ánh mức lợi nhuận mà nhà đầu tư kỳ vọng nhận được khi mua một trái phiếu cụ thể. Khi giá trái phiếu tăng, lợi suất giảm; khi giá trái phiếu giảm, lợi suất tăng.

Theo ông Kumar, thị trường hiện tại gần như tin chắc phải đến tháng 9 Fed mới có đợt giảm lãi suất đầu tiên, và điều này hạn chế dư địa giảm của lợi suất.

Jefferies khuyến nghị nhà đầu tư rút sớm khỏi các đặt cược giá lên - đồng nghĩa đặt cược vào lợi suất giảm - đối với trái phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn ngắn. Ngân hàng đầu tư này cũng nhận thấy sẽ không có nhiều khác biệt chính sách tiền tệ giữa Fed và ECB, với dự báo ECB sẽ cắt giảm lãi suất vào các tháng 6, 9 và 12.

Triển vọng lãi suất ít biến động hơn cũng khiến cho chiến lược đầu tư trái phiếu dựa vào sự nhạy cảm của trái phiếu với việc tăng, giảm lãi suất (duration strategy) cũng trở nên kém hấp dẫn hơn - theo các nhà phân tích.

“Việc thiếu sức ép về giảm lãi suất, nói cách khác là sự vắng bóng của rủi ro khủng hoảng hoặc suy thoái, khiến chúng tôi hiện tại thận trọng với chiến lược đầu tư như vậy”, chiến lược gia Jamie Searle của Citi Research nhận định.

Citi Research dự báo lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm sẽ giảm về mức 2% trong quý 4 năm nay, thay vì giảm về mức 1,85% như đưa ra trong lần dự báo trước. Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh được dự báo giảm còn 3,4%, so với dự báo trước là 3,25%. Hiện tại, lợi suất của trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm là 2,52%, và của trái phiếu Anh là 4,14% - theo dữ liệu từ Tradeweb.

Chủ tịch Chris Iggo của Viện đầu tư AXA IM cũng có quan điểm tương tự về chiến lược đầu tư trái phiếu dựa trên kỳ vọng biến động lãi suất. “Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm có thể sẽ không tăng thêm đáng kể so với phạm vi đã duy trì trong năm nay… Nhưng mặt khác, lợi suất cũng khó có thể giảm đáng kể”, ông Iggo nhận định trong một báo cáo.

Lãi suất đã đạt đỉnh và rủi ro lãi suất tăng thêm gần như bằng 0 ở thời điểm hiện tại, nhưng cùng với đó, việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ diễn ra chậm chạp vì lạm phát còn cao so với mục tiêu của các ngân hàng trung ương - ông Iggo nhận định.

Dù vậy, sự ổn định hiện tại của thị trường trái phiếu có thể sẽ không kéo dài lâu, vì triển vọng lãi suất và lạm phát vẫn còn bấp bênh. Thị trường hiện dự báo ECB bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 6, tiếp sau đó là BOE vào tháng 8 và Fed vào mùa thu - theo Refinitiv.

Nguồn: TBKTVN