Quay lại

Minh bạch “đường đi” của sản phẩm

Ngày 21/3/2023, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo “Tổng kết Dự án Hỗ trợ Hợp tác kinh tế khu vực Châu Á (SRECA) và ra mắt Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại áp dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain)”.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại,  cho rằng số hoá các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến là một nội dung quan trọng hiện nay.

Trước yêu cầu thực tiễn này, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai “Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại- iTrace247” nhằm cung cấp bộ giải pháp truy xuất nguồn gốc trực tuyến giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân cập nhật thông tin về nguồn gốc sản phẩm (thông tin chung, nhật ký điện tử trong quá trình canh tác, sản xuất chế biến, vận chuyển, phân phối…).

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương

itrace247 sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường hơn nữa việc tận dụng công cụ số để xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Đồng thời, hỗ trợ người tiêu dùng không những được trải nghiệm quá trình sản xuất ra sản phẩm mà còn có cơ hội hiểu thêm về giá trị lịch sử, địa lý, hiểu rõ về cách thức chăm sóc và quy trình để tạo nên sản phẩm.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đặt vấn đề truy xuất nguồn gốc trở thành quy định bất thành văn với hàng hoá nhập khẩu và trở thành thói quen của người tiêu dùng.

Không chỉ vậy, việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại ứng dụng công nghệ chuỗi khối còn là giải pháp chống hàng giả hàng nhái, đảm bảo uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hoá và doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Phú cho biết thêm, hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại ứng dụng công nghệ chuỗi khối là phiên bản 2 được Cục Xúc tiến thương mại và GIZ cùng nghiên cứu phát triển, khắc phục được điểm hạn chế về tính bảo mật và trung thực về dữ liệu của phiên bản trước đó.

“Với hệ thống này, hy vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt được lòng tin của người tiêu dùng”, ông Phú nhấn mạnh.

Để hiệu quả khi vận hành hệ thống, Cục Xúc tiến thương mại sẽ yêu cầu các bên tham gia tuân thủ quy định, quy trình sử dụng nhằm đảm bảo tính minh bạch, xác thực và tạo được uy tín với khách hàng.

Tại hội thảo, ông Oemar Idoe, Điều phối viên Nhóm Môi trường, Biến đổi khí hậu và Nông nghiệp của tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam nhận định, xuất khẩu Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng 6% năm 2023, mở ra kì vọng kinh doanh mới cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có các bước chuẩn bị tương ứng. Trong đó sản xuất xanh, minh bạch giúp khách hàng có thể đánh giá chất lượng, tính bền vững của sản phẩm, tăng sự tin tưởng và sự ủng hộ của khách hàng đối với sản phẩm, với doanh nghiệp.

Mặt khác, Itrace247 giúp đảm bảo quy trình sản xuất sản phẩm được công khai, minh bạch. Khách hàng, cổ đông và cộng đồng có thể đánh giá chính xác việc sản xuất của doanh nghiệp đảm bảo trách nhiệm đối với môi trường và xã hội. Từ đó, nâng cao được giá trị của sản phẩm góp phần xây dựng hình ảnh, nâng cao nhận biết từ phía khách hàng đối với sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam.

Bổ sung thêm, bà Hoàng Thị Thu Hương, cán bộ Dự án Hỗ trợ Hợp tác kinh tế khu vực châu Á (SRECA), cho rằng để ứng dụng có tính tin cậy cao hơn, đây phải là hệ thống khép kín chứ không chỉ dừng ở khâu tổ chức sản xuất. Nhất là hệ thống được khách hàng chia sẻ, lan toả và sử dụng nhiều hơn nữa.

Ông Vũ Bá Phú cũng đồng tình, hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại ứng dụng công nghệ chuỗi khối cần được hoàn thiện hơn nữa để trở thành chuỗi hoàn chỉnh từ sản xuất- chế biến-đóng gói- thương mại.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Trần Thị Ngọc Lan, Giám đốc Công ty TNHH trà Anto kỳ vọng, itrace247 là cơ hội cho nông sản Việt Nam bước chân vào các thị trường khó tính. Bởi hiện nay, so với các sản phẩm nước khác, thì sản phẩm nông sản của chúng ta trên bản đồ thế giới vẫn còn mờ nhạt.

Nếu có hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại, đầu tiên khách hàng sẽ tìm kiếm thông tin nguồn gốc sản phẩm đáng tin cậy từ chính phủ, sau đó họ sẽ tiếp cận đến với doanh nghiệp, khi đó đơn hàng chốt sẽ nhanh hơn.

Nguồn: TBKTVN