Nhật Bản đặt mục tiêu tạo ra 100 kỳ lân vào năm 2027

Nhật Bản mặc dù được đánh giá là một trong những hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu thế giới, song thực tế vẫn "tụt hậu" so với các khu vực khác như Mỹ, Trung Quốc và Vương quốc Anh, về cả số lượng kỳ lân lẫn quy mô đầu tư vốn mạo hiểm. 

XU HƯỚNG LÀM CÔNG THAY VÌ LÀM CHỦ

Trong nhiều năm qua, dân số già hóa, kinh tế sụt giảm và xu hướng làm công ăn lương - lựa chọn làm việc tại các tập đoàn lớn truyền thống đã khiến thị trường khởi nghiệp của quốc gia này không mấy sôi động. 

Theo báo cáo gần đây của IMF, tính đến tháng 10/2023, Mỹ có khoảng 661 kỳ lân, Trung Quốc có 172 và Vương quốc Anh có 52, trong khi đó Nhật Bản hiện chỉ có 7 kỳ lân (tuy nhiên PitchBook ước tính số lượng kỳ lân khởi nghiệp của Nhật Bản là 9). 

Báo cáo của IMF cho biết từ năm 2010 đến năm 2023, các nhà đầu tư từ Mỹ chiếm 50% đầu tư vào các công ty khởi nghiệp của Nhật Bản, các nhà đầu tư từ Vương quốc Anh chiếm khoảng 10% và các nhà đầu tư Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 5% vốn đầu tư. 

"Kế hoạch phát triển khởi nghiệp 5 năm" của Nhật Bản được đề ra vào năm 2022 đặt mục tiêu giúp tạo ra 100.000 công ty khởi nghiệp và nuôi dưỡng 100 kỳ lân vào năm 2027 bằng cách thúc đẩy các vườn ươm, tăng cường tài trợ bằng quỹ đầu tư mạo hiểm, đa dạng hóa các con đường thoái vốn,... Song thực tế số lượng kỳ lân mà Nhật Bản đang có, còn khá hạn chế. 

Tuy nhiên, theo TechCrunch, người trẻ của Nhật Bản đang bắt đầu có xu hướng thoát khỏi khuôn mẫu, lựa chọn tự mình khởi nghiệp thay vì làm việc trong các hệ thống doanh nghiệp sẵn có. Và chính phủ Nhật Bản cũng đang cố gắng thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của những người trẻ tại quốc gia này. 

Đầu năm nay, Tokyo đã ra mắt Tokyo Innovation Base, một trung tâm khởi nghiệp tổ chức các sự kiện giao lưu và các cuộc thi thuyết trình và cung cấp không gian làm việc cho những người sáng lập. Ngoài ra còn có Visa khởi nghiệp giúp các công ty đầu tư mạo hiểm và công ty khởi nghiệp dễ dàng thành lập tại Nhật Bản hơn và có một hệ thống thuế đặc biệt dành cho các nhà đầu tư thiên thần. 

5 KỲ LÂN HÀNG ĐẦU NHẬT BẢN 

Một trong những kỳ lân hàng đầu của Nhật Bản không thể không kể đến Sakana AI. Startup này chính thức trở thành kỳ lân vào 4/9/2024. Trong vòng gọi vốn gần nhất diễn ra vào ngày 18/9/2024, công ty đã huy động được 214 triệu USD từ các ngân hàng và công ty công nghệ lớn của Nhật Bản trong Vòng series A, nâng định giá công ty lên 1,5 tỷ USD. 

Được thành lập vào năm 2023 bởi các cựu kỹ sư AI của Google, Sakana AI tập trung vào việc đào tạo các mô hình AI với chi phí thấp bằng cách sử dụng các tập dữ liệu nhỏ. Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty, David Ha, trước đây từng làm Giám đốc nghiên cứu tại Stability AI và là nhà nghiên cứu tại Google.

Công ty khởi nghiệp này hiện đang hợp tác với Nvidia, Đại học Oxford và Đại học British Columbia về nghiên cứu trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng AI. Sakana đã thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, trong bối cảnh quốc gia này đang muốn bắt kịp Mỹ trong cuộc đua AI.

Một kỳ lân khác của Nhật Bản đang nhận về nhiều quan tâm là Spiber. Công ty này đã gia nhập “câu lạc bộ kỳ lân” của Nhật Bản vào ngày 8/9/2021, sau khi huy động được vòng tài trợ Series E trị giá 313 triệu USD, đạt mức định giá nó ở mức 1,22 tỷ USD. 

Kể từ khi ra mắt, Spiber đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư và khách hàng bằng sáng kiến sản xuất vật liệu sinh học thân thiện với môi trường. Các công ty trong ngành thời trang, mỹ phẩm và ô tô đang sử dụng vật liệu của Spiber thay vì vật liệu từ động vật hay vật liệu gây hại môi trường. 

Tháng 4 năm nay, công ty đã huy động được khoảng 65 triệu USD để mở rộng quy mô sản xuất vật liệu "Brewed Protein" (sợi protein và các loại nguyên liệu khác được sản xuất bằng quy trình lên men độc quyền của Spiber). Năm ngoái công ty đã thành lập một văn phòng tại Paris để quảng bá hoạt động kinh doanh tại Châu Âu.

Giống như Spiber, SmartHR cũng chính thức trở thành kỳ lân vào năm 2021, sau khi huy động thành công 142 triệu USD vòng tài trợ Series D trị giá, giúp nâng định giá công ty đạt 1,6 tỷ USD. 

Được thành lập vào năm 2015, SmartHR chuyên cung cấp dịch vụ SaaS, giúp các doanh nghiệp quản lý và hợp lý hóa nguồn nhân lực và hoạt động. ARR (chỉ số doanh thu định kỳ hàng năm) của công ty đạt 100 triệu USD vào tháng 2/2024, tăng từ 80 triệu USD trong năm tài chính 2023. Lần huy động vốn gần nhất của SmartHR là vào tháng 6 năm nay, với tổng mức đầu tư 140 triệu USD Series E. 

Kỳ lân nổi bật khác của “Đất nước mặt trời mọc” là Preferred Networks chính thức trở thành kỳ lân vào ngày 4/8/2017 sau khi huy động thành công 95,1 triệu USD do Toyota Motor dẫn đầu trong vòng tài trợ Series C. 

Được thành lập vào năm 2014, Preferred Networks thiết kế chất bán dẫn sử dụng trong AI, phát triển phần mềm và xây dựng các mô hình nền tảng AI tạo sinh. Công ty còn thiết kế các mô hình học sâu và học máy cho các ứng dụng trong robot, hệ thống sản xuất, khám phá thuốc, quét 3D, lái xe tự động, thương mại điện tử và kiểm tra thực phẩm.

Vào tháng 9 năm nay, công ty khởi nghiệp này đã nhận được khoản đầu tư (khoảng 463 triệu USD) để phát triển bán dẫn dành riêng cho ứng dụng AI. Công ty hiện đã ký hợp đồng với Samsung để chế tạo chip 2 nanomet cho AI.

Cuối cùng, kỳ lân fintech hàng đầu Nhật Bản, OPN (trước đây tên là Synqa) bắt đầu kinh doanh tại Bangkok, Thái Lan vào năm 2014. OPN cung cấp nhiều dịch vụ tài chính, bao gồm thanh toán di động, thanh toán trực tuyến và thẻ ảo, cho hơn 7.000 đơn vị bán lẻ. 

Khách hàng của công ty có những nhiều tên tuổi lớn đa lĩnh vực từ Nhật Bản đến Thái Lan,... chẳng hạn như Toyota, công ty viễn thông True (Thái Lan),...

Công ty hiện đang hoạt động tại nhiều thị trường, bao gồm Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Năm 2022, công ty đã mua lại MerchantE có trụ sở tại Mỹ với giá khoảng 400 triệu USD để thiết lập sự hiện diện tại Hoa Kỳ. Gần đây nhất, công ty đã công bố quan hệ đối tác chiến lược với BigPay, một nền tảng ví điện tử của Malaysia mới được ra mắt tại Thái Lan.

Nguồn: TBKTVN