Những lần lao dốc trong suy thoái kinh tế của chứng khoán Mỹ

Kể từ năm 2022 đến nay, chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ đã tăng hơn 60%, chủ yếu nhờ động lực tăng mạnh của các cổ phiếu công nghệ lớn. Điều này đẩy mức độ tập trung của thị trường vào một số ít cổ phiếu tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Đã có những thời điểm trong năm nay, giới phân tích lo ngại kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái. Nhưng ít nhất ở thời điểm hiện tại, khả năng cao nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có được một cuộc hạ cánh mềm.

Mỗi cuộc suy thoái kinh tế Mỹ bắt nguồn từ các nguyên nhân khác nhau, do đó tác động lên thị trường chứng khoán không giống nhau. Ví dụ, suy thoái kinh tế vào những năm 1980 khiến S&P giảm nhẹ hơn so với suy thoái những năm 2000.

Từ năm 1970 đến nay, các giai đoạn suy thoái tại nền kinh tế lớn nhất thế giới thường gây ra các đợt lao dốc mạnh của thị trường chứng khoán, trong đó S&P bình quân giảm 36%. Theo đó, giả sử xảy ra suy thoái kinh tế sắp xảy ra ở Mỹ S&P 500 có thể sụt về mức thấp nhất ghi nhận vào năm 2022.

Đồ thị thông tin dưới đây thể hiện các đợt lao dốc mạnh của S&P 500 trong các lần suy thoái kinh tế ở Mỹ kể từ năm 1970 đến nay, dựa trên dữ liệu từ ngân hàng Goldman Sachs.

Những lần lao dốc trong suy thoái kinh tế của chứng khoán Mỹ - Ảnh 1

Có thể thấy, lần lao dốc mạnh nhất của chứng khoán Mỹ xảy ra trong khủng hoảng tài chính toàn cầu. Khi đó, chỉ số S&P 500 mất hơn một nửa giá trị. Đáng chú ý, giá cổ phiếu của các công ty tài chính lớn như Citigroup và AIG giảm hơn 90% do có mối liên hệ lớn với các khoản vay dưới chuẩn.

Nhiều năm trước đó, thị trường nhà ở tại Mỹ tăng trưởng quá nóng dựa trên thị trường vay thế chấp mua nhà dưới chuẩn – khởi nguồn từ năm 1999. Tới năm 2008, người vay thế chấp với điểm tín nhiệm thấp bắt đầu mất khả năng thanh toán, dẫn tới 3,1 triệu vụ tịch thu tài sản thế chấp trong năm đó.

Bong bóng dotcom những năm 2000 đánh dấu lần sụt mạnh thứ hai của thị trường chứng khoán khi chỉ số S&P 500 giảm tới 49%. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất trong năm 1999 và 2000, các cổ phiếu internet khi đó đang được định giá ở mức quá cao chịu tác động nặng nhất. Lúc này, các công ty như Amazon, Yahoo và Qualcomm chứng kiến giá cổ phiếu mất hơn 80% giá trị. Khi nhiều công ty nổi lên từ bong bóng dotcom bị khai tử, một số khác như Amazon bắt đầu trở lại và chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục trong những thập kỷ sau đó.

Còn trong các lần suy thoái năm 1980 và 1981-1982, Fed dưới sự lãnh đạo của ông Paul Volcker đã triển khai các chính sách tiền tệ thắt chặt để kiểm soát lạm phát với việc tăng lãi suất quỹ liên bang lên mức cao kỷ lục hơn 19% vào năm 1981.

Dù môi trường chính sách tiền tệ thắt chặt gây suy giảm kinh tế, nhưng trong các lần suy thoái này, thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận mức giảm nhẹ hơn. Trên thực tế, thập niên 1980 sau đó trở thành một trong những thập kỷ tăng trưởng mạnh nhất của S&P 500 khi tăng tới 232% trong 10 năm này.

Nguồn: TBKTVN