Ông Trump thắng cử, chọn ngành nào để đầu tư?

Ngày 6/11, tờ Fox News đưa tin ứng cử viên Đảng Cộng hòa là ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đánh bại đối thủ Đảng Dân chủ là bà Kamala Harris. 

Theo thống kê từ báo cáo của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research), chỉ số S&P500 bình quân tăng 11,28% trong năm bầu cử Tổng thống; tăng 7,6% khi đại diện Dân chủ đắc cử và tăng 15,3% nếu là đại diện Đảng Cộng hòa. Trong điều kiện Tổng thống nhiệm kỳ trước tới từ Đảng dân chủ, hiệu suất trong năm bầu cử bình quân là 11% khi đại diện Đảng Dân chủ tiếp tục được bầu; trong khi mức tăng sẽ là 12,9% nếu Tổng thống tiếp theo tới từ Đảng Cộng hòa. 

Chỉ số S&P500 bình quân tăng 11,28% trong năm bầu cử tổng thống

Chỉ số S&P500 bình quân tăng 11,28% trong năm bầu cử Tổng thống. 

Dữ liệu từ Agriseco Research cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam mới chỉ trải qua 6 lần bầu cử của Mỹ. Kết quả sơ bộ: nửa năm sau ngày bầu cử, VN-Index tăng điểm 5/6 đợt. Bình quân hiệu suất của VN-Index sau 6 tháng cho cả 6 kỳ bầu cử Tổng thống trên là 28,62%. Nếu bỏ qua năm 2000 khi thị trường chứng khoán còn sơ khai, tỉ suất bình quân là 11,92%. Tuy nhiên lưu ý do số lượng cỡ mẫu nhỏ, kết quả chỉ mang tính tham khảo và chưa rõ ràng về mặt ý nghĩa thống kê.

Một số nhóm ngành có thể hưởng lợi khi ông Trump đắc cử bao gồm khu công nghiệp, dệt may và gỗ. Cụ thể, Agriseco Research đánh giá nhóm ngành khu công nghiệp có thể tiếp tục được hưởng lợi từ xu hướng FDI rời khỏi Trung Quốc tiếp tục mạnh lên. 

Bình quân hiệu suất của VN-Index sau 6 tháng cho cả 6 kỳ bầu cử Tổng thống trên là 28,62%. Nguồn: Agriseco Research.

Bình quân hiệu suất của VN-Index sau 6 tháng cho cả 6 kỳ bầu cử Tổng thống trên là 28,62%. Nguồn: Agriseco Research.

Trong khi đó, nhóm ngành dệt may chịu ảnh hưởng 2 mặt bởi chính sách thuế (hỗ trợ hàng nội địa Mỹ và tập trung hạn chế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc). Tuy nhiên tác động về mặt tích cực sẽ nhiều hơn bởi công nghiệp dệt may thâm dụng lao động lớn, khó có thể bị thay thế bởi nội địa Mỹ. 

Tương tự, ngành gỗ cũng là một điểm sáng khi ông Trump đắc cử. Cụ thể, Agriseco Research đánh giá ngành này chịu ảnh hưởng 2 chiều từ chính sách thuế nhưng nhìn chung vẫn được hưởng lợi nhờ chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản. 

Về xuất khẩu, Việt Nam chịu ảnh hưởng 2 mặt từ chính sách của Trump bao gồm chính sách tăng thuế nhập khẩu lên 10-20% với tất cả các nước, gồm cả Việt Nam làm giảm khả năng cạnh tranh hàng Việt Nam so với hàng nội địa Mỹ. Ngoài ra, các cuộc điều tra nguồn gốc để chống lẩn tránh thuế sẽ diễn ra nhiều hơn làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, khoảng trống do các hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và chiếm lĩnh thị phần. 

 

Về dòng vốn đầu tư, chính sách áp thuế nhắm đến hàng hóa Trung Quốc có thể khiến làn sóng FDI rời khỏi nước này tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng cho dòng vốn FDI trên. 

Về các vấn đề kinh tế khác, chính sách của ông Donald Trump được đánh giá sẽ làm Mỹ tăng lạm phát trong ngắn hạn, ảnh hưởng tới sức mạnh đồng USD và nhiều hạng mục kinh tế khác trong đó bao gồm lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ thay đổi. Thực tế trong tháng 10 khi tỉ lệ dự báo ông Trump đắc cử tăng, chỉ số DXY đại diện cho sức mạnh đồng USD đã tăng gần 3,3%; giá hợp đồng tương lai vàng tăng 5,5%, liên tục lập đỉnh mới; các dự báo về lộ trình cắt giảm lãi suất trong năm 2025 cũng được giãn ra. Đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn vừa qua và tương lai sắp tới.

Nguồn: Nhipcaudautu