Phát triển kinh tế nhanh và bền vững: Công nghệ số đóng vai trò tiên quyết
Tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam năm 2023 và Chương trình Rồng Vàng lần thứ 22 do Bộ Ngoại giao và Tạp chí Kinh tế Việt Nam cùng Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức mới đây, ông Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, đã hào hứng chia sẻ về những thành tựu của tỉnh nhờ thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển du lịch.
CÂU CHUYỆN CỦA NHIỀU TỈNH, THÀNH MIỀN TRUNG
Ông Phạm S cho biết: từ năm 2021 Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành chương trình hành động về kinh tế xanh với các nhóm lĩnh vực ưu tiên, gồm: nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch, năng lượng tái tạo và tài nguyên nước, kèm theo là 80 phương án và giải pháp cụ thể để phát triển.
Đối với nông nghiệp, trong vòng 20 năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhờ vậy đã tạo doanh thu rất lớn đối với một đơn vị diện tích của tỉnh cũng như đứng đầu cả nước.
Ông Phạm S chia sẻ: bình quân hiện nay, tỉnh Lâm Đồng với 63 ngàn ha diện tích ứng dụng công nghệ cao, chiếm tỷ lệ 21% diện tích đất canh tác nông nghiệp trên 300 ngàn ha.
Thông qua nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu nhập bình quân cho đất nông nghiệp Lâm Đồng đạt được 9.000 USD/ha, đặc biệt trong đó có nhiều điểm đã đạt 100 nghìn USD, thậm chí là 200 nghìn USD, ngang tầm với một số khu vực trên thế giới.
Việc ứng dụng công nghệ cao tỉnh Lâm Đồng được thực hiện bằng rất nhiều giải pháp như sử dụng công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin, công nghệ xử lý môi trường…
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, Lâm Đồng đã tiếp cận và thực hiện theo Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị và đã tiến hành đồng bộ, trong đó có ứng dụng trong phát triển nông nghiệp. Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng cho hay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa hẳn là nông nghiệp thông minh, nhưng nông nghiệp thông minh phải dựa trên nền tảng nông nghiệp công nghệ cao.
Trong các giải pháp ứng dụng công nghệ cao - chuyển đổi số là Blockchain, BigData và IoT, thì tỉnh Lâm Đồng chủ yếu ứng dụng giải pháp IoT. “Ứng dụng giải pháp này ngồi bất kỳ đâu cũng có thể điều chỉnh tưới tiêu, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm... ngay trong trang trại của mình. Tỉnh Lâm Đồng đã có 26 trang trại ứng dụng công nghệ cao, chiếm tỷ lệ 50% của cả nước”, ông Phạm S nói.
Câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch được vị Phó Chủ tịch nhắc tới cũng là một trong những thành công lớn của tỉnh khi năm 2022 là năm tăng trưởng kỷ lục 38% so với kế hoạch. Trong tương lai Lâm Đồng sẽ tiếp tục phát huy lợi thế về chuyển đổi số với ngành nông nghiệp và du lịch.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng.
"Đà Nẵng trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh các giải pháp để thực hiện chuyển đổi xanh và chuyển đổi số để sớm thực hiện được mục tiêu trở thành trung tâm du lịch, trung tâm công nghệ thông tin và trung tâm tài chính quốc tế của khu vực.
Để thực hiện các mục tiêu này, thành phố sẽ tập trung vào một số giải pháp như: gắn phát triển du lịch với bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch văn hóa; công nghệ thông tin gắn với nền kinh tế số; công nghệ xanh gắn với công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; logistics gắn với cảng biển…".
Với Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, cho biết: Nghị quyết 43 ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị đã xác định xây dựng Đà Nẵng để trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của Việt Nam và khu vực, tập trung vào các lĩnh vực như du lịch, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, logistics, tài chính.
Để thực hiện các mục tiêu này, thành phố sẽ tập trung vào một số giải pháp như: gắn phát triển du lịch với bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch văn hóa; công nghệ thông tin gắn với nền kinh tế số; công nghệ xanh gắn với công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; logistics gắn với cảng biển… Chính phủ cũng đã đồng ý cho Đà Nẵng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.
CAM KẾT ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI XANH, CHUYỂN ĐỔI SỐ
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số trên toàn thành phố, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2025 đưa kinh tế số đạt 20% GRDP và đến 2030 đạt 30% GRDP.
Ông Hồ Kỳ Minh cho biết: Đà Nẵng hiện đã có mạng viễn thông hiện đại, một trạm cập bờ với hai tuyến cáp quang biển, nhiều khu công viên phần mềm, khu công nghệ thông tin, đạt tỷ lệ 2,3 doanh nghiệp số/1.000 dân, cũng như đã xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, môi trường, dân cư, hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông. “Chúng tôi đang phấn đấu xây dựng một trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia trong đó thiết kế nhiều vườn ươm doanh nghiệp, nhiều không gian đổi mới sáng tạo để khuyến khích các nhà đầu tư đến Đà Nẵng”, ông Minh thông tin.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chia sẻ về câu chuyện tỉnh Thừa Thiên - Huế đang rất tích cực chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ ở mức cao nhất, nói "không" với các dự án không bảo đảm được các yếu tố môi trường. "Điều đó cho thấy về việc kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn, bền vững hơn. Đó không chỉ là câu chuyện kinh doanh của ngày hôm nay, không chỉ là chính sách của nhiệm kỳ này, mà là một câu chuyện của địa phương trong tương lai", ông Cương kết luận.
Ở góc độ vĩ mô, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia, cho rằng việc ứng dụng các công nghệ mới như 5G, AI, IoT đóng vai trò rất quan trọng cho các quốc gia trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Nghiên cứu của những Sáng kiến bền vững toàn cầu chỉ ra việc ứng dụng các công nghệ mới trong nhiều lĩnh vực có thể giảm được lượng khí thải khoảng 12 nghìn tỷ tấn carbon vào năm 2030, đặc biệt trong các lĩnh vực như giao thông, sản xuất nông nghiệp - những ngành rất quan trọng đối với khu vực miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung...
Nguồn: TBKTVN