Thực tế của chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc, kết nối chuỗi cung ứng nông sản
Nỗ lực vun trồng, chăn nuôi cho ra thành phẩm đã khó. Khi sản phẩm “ra lò” hàng loạt, nhiều nông dân lại điêu đứng không biết xuất bán đi đâu, xuất bán tới ai, lời lãi thế nào…
Ở chiều ngược lại, nhiều người cần nông sản, thực phẩm để tiêu dùng hoặc bán buôn, bán lẻ - vẫn phải loay hoay tìm “nguồn”. Làm sao để cung và cầu có thể gặp nhau thuận tiện, tiết kiệm, sinh lời tốt nhất? Các chuyên gia kinh tế cho rằng "giải pháp là công nghệ".
Ở Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang có một thương hiệu trà nổi tiếng, đó là Trà Phìn Hò. Dòng sản phẩm này do bà con dân tộc Dao – những thành viên tích cực nhất của hợp tác xã Trà Phìn Hò nỗ lực trồng, chăm sóc và tạo nên.
Theo ông Nguyễn Viết Hồng – đại diện Hợp tác xã, 10 năm trước – vào giai đoạn mới thành lập, doanh thu của hợp tác xã chỉ đạt vài trăm triệu đồng mỗi năm. Thu nhập của bà con bấp bênh.
Ở Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang có một thương hiệu trà nổi tiếng, đó là Trà Phìn Hò. (Ảnh minh họa: kT)
Tuy nhiên, hiện tại, mỗi năm, hợp tác xã thu mua từ 650 đến 900 tấn chè búp tươi cho người dân, tiêu thụ từ 90 đến 100 tấn chè thành phẩm. Nỗ lực của từng thành viên trong ban lãnh đạo hợp tác xã trong quá trình chuyển đổi số đã giúp doanh thu hàng năm vươn lên con số hàng tỷ, có năm là 10 tỷ đồng. Không chỉ được cải thiện đời sống, người Dao Hoàng Su Phì giờ làm giàu nhờ trà đặc sản – làm giàu nhờ quảng bá giới thiệu mạnh mẽ sản phẩm này, trên môi trường số hiện đại.
Ông Nguyễn Viết Hồng cho biết: "Tôi mong muốn tìm kiếm các giải pháp nâng cấp cho hoạt động xúc tiến thương mại, đưa trà Hà Giang đến người tiêu dùng cả nước thông qua các hoạt động chuyển đổi số và tìm kiếm các cơ hội quảng các sản phẩm sản phẩt của địa đầu tổ quốc đến tất cả khách hàng trong nước cũng cơ hội quảng bá sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Chúng tôi muốn xuất khẩu xuyên biên giới, mong muốn chuyển đổi số tiếp tục mang tới những cơ hội tốt hơn nữa so với những kết quả bước đầu mà chúng tôi đạt được trong thời gian qua".
Ông Nguyễn Viết Hồng cho biết thêm: "Chúng tôi không định lượng bằng số liệu gấp bao nhiêu lần mà bằng những giá trị bởi đây là những sản phẩm giới hạn. Trà của chúng tôi là tự nhiên – trồng ở độ cao 1.300m và số lượng rất giới hạn. Nếu không chuyển đổi số thì sản phẩm của chúng tôi không được nhiều người biết đến nhưng khi chuyển đổi số thì chúng tôi còn được thị trường châu Âu biết đến. Đó là chúng tôi bán giá trị gia tăng của trà Việt Nam với 1 số lượng giới hạn. Chúng tôi muốn những giá trị đó mỗi ngày càng được nhân lên".
Cũng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng tập đoàn NIC với 2 trụ sở chính tại Hà Nội và TP.HCM quan tâm hoạt động chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc. NIC chuyên hoạt động chế biến nông sản với các sản phẩm từ hạt điều, quế, hồ tiêu…không chỉ bán tốt trong nước mà còn xuất khẩu mạnh.
Hiện công ty này mong muốn mở rộng mặt hàng kinh doanh sang dòng trái cây với sầu riêng, chanh leo, xoài… nhưng gặp thách thức ở vấn đề truy xuất nguồn gốc. Trong nỗ lực trở thành nhà cung ứng uy tín các dòng sản phẩm vừa nêu, công ty đang đầu tư cả về mặt nhân lực và vốn cho hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ.
Ông Đặng Mạnh Phổ - cố vấn cao cấp NIC Group cho biết: "Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản đang là cấp bách, thời sự. Từ nhà nước đến DN cũng đều đang tập trung làm vấn đề này. NIC muốn xuất khẩu, thành ra điều này rất quan trọng, Truy xuất sản phẩm nông nghiệp thì gắn liền với chuỗi cung ứng – từ vùng trồng, đến chế biến, vận chuyển, phân phối, toàn bộ đều sẽ được thể hiện qua việc truy xuất nguồn gốc nên chúng tôi rất quan tâm và kỳ vọng có được hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin - chuyện số hoá để quản lý dây chuyền, quản lý chuỗi cung ứng".
Cũng như Trà Phìn Hò, nếu không chuyển đổi số, không mày mò tìm hiểu các giải pháp công nghệ thì việc truy xuất nguồn gốc sẽ tiêu tốn nhiều nhân lực và vốn của NIC. Đây không chỉ là vấn đề của các doanh nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Trên bình diện chung, đây là vấn đề của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, trong đó Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư là một trong những đơn vị có vai trò, trách nhiệm chính .
Chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc, kết nối chuỗi cung ứng nông sản vẫn còn nhiều việc phải làm – cần sự phối hợp chặt chẽ và bài bản từ cơ quan, ban, ngành chức năng có liên quan. (Ảnh minh họa: kT)
Ông Lê Minh Chiến – Chuyên viên Văn phòng chuyển đổi số, Cục phát triển doanh nghiệp khẳng định: "Chúng tôi có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, trong đó nông nghiệp cũng là lĩnh vực trọng tâm hỗ trợ. 2021-2022 đã xây dựng bộ khung xây dựng lộ trình chuyển đổi số để các doanh nghiệp có những kiến thức cơ bản, tiến tới hỗ trợ toàn diện.
Về thuận lợi, có rất nhiều nhà cung cấp giải pháp, chuyên gia và cả các cơ quan quốc tế hỗ trợ như là hỗ trợ về truy xuất nguồn gốc hay là tem điện tử thông minh. Về khó khăn thì nông nghiệp là 1 ngành có nhân công chưa có trình độ số chưa cao so với 1 số ngành khác nên việc tiếp cận sẽ khó hơn nhưng với sự đồng hành của Chính phủ và ý chí của lãnh đạo trong ngành thì chúng ta sẽ đạt được".
Cùng với việc hỗ trợ chuyển đổi số, các cơ quan, đơn vị như Cục phát triển doanh nghiệp còn có các chương trình hành động hỗ trợ xúc tiến thương mại mạnh mẽ, ví dụ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nhận diện, kết nối và tiến hành giao thương online trên các Sàn thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Thế Tiệp – Giám đốc Công ty Cổ phần truyền thông và công nghệ Smart life, Giám đốc Sản Thương mại điẹn tử Azuamua.com nhìn nhận, đây không chỉ là cơ hội cho người sản xuất nông sản, đây còn là cơ hội cho các nhà cung ứng dịch vụ chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc, quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm.
Theo Ông Nguyễn Thế Tiệp: "Các tác nhân tham gia vào chuỗi rất là rộng, không riêng gì người nông dân. Tuy nhiên để áp dụng chuyển đổi số hiệu quả thì các nhà cung cấp giải pháp phải nghĩ các giải pháp sao cho thân thiện, dễ dùng thì mới hiệu quả. Cần có lộ trình nâng cao nhận thức dần dần thì mới hiệu quả được chứ không phải là 1 giải pháp đang rất tốt ở nước ngoài đem về Việt Nam dùng có hiệu quả hay không, không phải thế".
Chuyển đổi số rõ ràng đang tác động mạnh đến đời sống kinh tế-xã hội, và nông nghiệp chỉ là ví dụ gần gũi – khẳng định hiệu quả thiết thực của tiến trình này. Tuy nhiên, như khẳng định từ các chuyên gia, đây vẫn mới chỉ là hiệu quả bước đầu.
Chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc, kết nối chuỗi cung ứng nông sản vẫn còn nhiều việc phải làm – cần sự phối hợp chặt chẽ và bài bản từ cơ quan, ban, ngành chức năng có liên quan, để hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số nông nghiệp không chỉ nhanh hơn, sớm mang lại lợi ích kinh tế hơn, mà còn là chuyển đổi bền vững, chuyển đổi xanh – đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế, theo xu hướng toàn cầu./.
Nguồn: VOV