TP.HCM hút vốn tư nhân nhờ hình thức BT mới
Làn sóng đề xuất đầu tư dự án BT tại TP.HCM
Mới đây, Tập đoàn Sun Group đã gửi văn bản đến UBND TP.HCM đề xuất được nghiên cứu đầu tư tuyến đường ven sông Sài Gòn với quy mô 8-10 làn xe và tuyến metro hoặc tramway chiều dài 40 km, chạy dọc theo sông Sài Gòn đoạn qua địa phận huyện Củ Chi (cũ). Về hình thức đầu tư, Sun Group đề xuất đầu tư dự án theo hình thức BT mới với việc thanh toán bằng các khu đất ven sông Sài Gòn thuộc huyện Củ Chi (cũ) có tổng diện tích khoảng 4.100 ha.
Bên cạnh tuyến đường ven sông, Sun Group còn bày tỏ mong muốn được đầu tư hai dự án khác là Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc (187 ha) và Khu công viên lịch sử - văn hóa dân tộc (395 ha). Hai dự án này cũng được đề xuất đầu tư theo hình thức BT, với cơ chế thanh toán bằng quỹ đất tại Khu đô thị Trường Thọ 147 ha.
Ngay sau đó, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) cũng gửi văn bản đề xuất được làm chủ đầu tư các hạng mục nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và xây dựng 4 cây cầu thuộc các khu chức năng trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đáng chú ý là, CII đề xuất tách các hạng mục này thành một dự án riêng, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT mới, được thanh toán bằng quỹ đất hoặc tiền mặt, thay vì gộp với Dự án BT khu dân cư phía Bắc như trước.
Đặc biệt, CII cam kết sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi trong vòng 3 tháng từ khi được chấp thuận chủ trương và triển khai thi công xây dựng 4 cây cầu trong 12 tháng. Các hạng mục nạo vét, đào hồ trung tâm và kênh mới dự kiến hoàn thành trong 30 tháng.
Việc Quốc hội cho phép triển khai đầu tư các Dự án theo hình thức PPP, dạng hợp đồng BT là bước đi đúng đắn để huy động nguồn lực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, vì hiện nay vốn ngân sách nhà nước không thể bố trí đủ cho các Dự án.
Một “ông lớn” bất động sản khác là Tập đoàn Masterise quan tâm và đề xuất đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ theo hình thức BT và thanh toán bằng quỹ đất. Dự án này cũng thu hút sự quan tâm từ Trung Nam Group với đề xuất gửi UBND TP.HCM vào tháng 2/2025.
Ngoài cầu Cần Giờ, Trung Nam Group còn đề xuất thực hiện Dự án cầu Thủ Thiêm 4 cũng theo hình thức hợp đồng BT. Điều đáng chú ý là trước đây, hai dự án này từng được nghiên cứu đầu tư theo hình thức BOT, trong đó có sự tham gia của vốn ngân sách TP.HCM chiếm gần 50%.
BT hấp dẫn nhờ phương thức thanh toán bằng quỹ đất
Có thể thấy, “làn sóng” đề xuất các dự án BT tại TP.HCM trở lại rầm rộ trong thời gian gần đây khi các doanh nghiệp nhận thấy những thay đổi tích cực từ Luật số 57/2024/QH15 của Quốc về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư PPP, Luật Đấu thầu.
Luật số 57/2024/QH15 quy định rõ ràng hơn về phương thức thanh toán cho nhà đầu tư trong hợp đồng BT khi cho phép thanh toán bằng quỹ đất hoặc bằng tiền từ ngân sách nhà nước. Đây là cơ chế mang tính đột phá, gỡ bỏ những vướng mắc từng khiến các dự án BT đang thi công dở dang “đóng băng” trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, Luật số 57/2024/QH15 cũng siết chặt quy trình lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu công khai, minh bạch và có tiêu chí đánh giá cụ thể. Hơn nữa, cơ chế thanh toán được quy định ngay từ giai đoạn lập dự án, giúp giảm thiểu tình trạng nợ đọng, thiếu trách nhiệm trong hợp đồng.
Tại Kỳ họp thứ chín diễn ra tháng 6/2025, Quốc hội tiếp tục thông qua việc sửa đổi Luật Đầu tư PPP, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công, trong đó cho phép phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư từ Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với 7 nhóm dự án. Ngoài ra, các thủ tục hành chính trong phê duyệt chủ trương và cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng được đơn giản hóa đáng kể, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án nhanh hơn.
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chính sách công tại Trường đại học Fulbright Việt Nam, việc Quốc hội cho phép triển khai đầu tư các dự án theo hình thức PPP, dạng hợp đồng BT là bước đi đúng đắn để huy động nguồn lực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, vì hiện nay vốn ngân sách nhà nước không thể bố trí đủ cho các dự án.
Khi đầu tư theo dạng hợp đồng BT, Nhà nước sẽ tận dụng được năng lực triển khai, vốn và công nghệ của khu vực tư nhân, đồng thời tạo sức ép cạnh tranh lành mạnh thông qua cơ chế đấu thầu. Quan trọng hơn, khi Nhà nước sử dụng ngân sách để thanh toán hợp đồng, tính trách nhiệm giải trình trong cung cấp dịch vụ công cũng được nâng cao.
Nguồn: Báo Đầu tư