TP.HCM nghiên cứu lập quỹ 5 triệu USD phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch

Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa có quyết định phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM tại Khu Công nghệ cao giai đoạn 2025 - 2030. Theo đó, bản kế hoạch hướng tới mục tiêu lấy Khu Công nghệ cao là hạt nhân để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn đủ năng lực tham gia các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Kế hoạch này nhằm đưa ngành công nghiệp vi mạch trở thành động lực tăng trưởng mới của kinh tế Thành phố, dẫn dắt các ngành công nghiệp khác. Để đạt được mục tiêu, ngoài hoàn thiện các chính sách, Ủy ban nhân dân TP.HCM cho rằng nguồn nhân lực sẽ đóng vai trò cho việc thành hay bại của chương trình.

Do đó, lãnh đạo TP.HCM giao các sở, ngành liên quan nghiên cứu thành lập Quỹ Phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch quy mô 5 triệu USD. Đây là nguồn quỹ nhằm đào tạo nâng cao kỹ năng cho khoảng 40.000 kỹ sư từ nay đến năm 2030 (tương đương khoảng 6.000 kỹ sư/năm).

Đồng thời, nghiên cứu và đề xuất mô hình, cơ chế hợp tác đột phá, hiệu quả cho các đơn vị trực thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, các trung tâm vi mạch bán dẫn quốc gia để nâng cao nguồn lực, năng lực trong công tác đào tạo, ươm tạo.

Bên cạnh đó, chia sẻ hạ tầng khoa học công nghệ, năng lực của đội ngũ chuyên gia, đội ngũ cán bộ quản lý tham gia các chương trình, dự án phát triển vi mạch tại Khu Công nghệ cao; hoàn thiện mô hình tổ chức Trung tâm đào tạo vi mạch bán dẫn phù hợp theo tiêu chuẩn quốc tế.

TP.HCM sẽ tổ chức các khóa đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với yêu cầu sản xuất công nghiệp. Trong đó đào tạo chuyên sâu cho 120 giảng viên, nhà nghiên cứu; đào tạo ngắn hạn, đào tạo chuyển tiếp, đào tạo nâng cao cho ít nhất 1.200 học viên; kết nối cộng tác với 2-3 chuyên gia đầu ngành hoặc chuyên gia quốc tế mỗi năm để xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo cho Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao.

Với kế hoạch nói trên, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, biến Khu Công nghệ cao trở thành một trung tâm nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của quốc gia, có hệ sinh thái vi mạch bán dẫn mạnh.

Ngoài ra, Thành phố sẽ nâng cấp Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp cho các doanh nghiệp nghiên cứu thiết kế lõi vi mạch mềm và phát triển vi mạch Việt Nam.

Đồng thời, phấn đấu thu hút ít nhất một nhà đầu tư chiến lược trong ngành vi mạch bán dẫn, tập trung vào công đoạn có giá trị gia tăng cao, kết nối đến hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn toàn cầu, doanh nghiệp nước ngoài có đầu tư mạnh cho hoạt động nghiên cứu phát triển, liên kết với doanh nghiệp nội địa, các cơ sở đào tạo, ươm tạo doanh nghiệp vi mạch tại Khu Công nghệ cao.

Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố đến năm 2025. Kế hoạch nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP.HCM thực hiện chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Theo đó, đến năm 2025 sẽ triển khai các nền tảng số hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy nhanh chuyển đổi số. Đảm bảo 100% doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Thành phố được tiếp cận, cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, được tiếp cận dùng thử các nền tảng chuyển đổi số.

Kế hoạch cũng đặt mục tiêu tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt tối thiểu 60%. Đồng thời, thiết lập mạng lưới tư vấn viên đáp ứng các tiêu chí, quy định để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Nguồn: TBKTVN