Xây dựng chuỗi cung ứng bền vững hàng Việt Nam tại TP.HCM

Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành Thành phố và đơn vị liên quan triển khai hiệu quả những giải pháp xây dựng chuỗi cung ứng bền vững hàng Việt Nam; quyết liệt, kiên trì triển khai triệt để Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa, phù hợp từng giai đoạn.

Qua đó, huy động nguồn lực xã hội (cụ thể là các hệ thống phân phối) định hướng hoạt động sản xuất an toàn - trách nhiệm - minh bạch theo tín hiệu thị trường, làm cơ sở nhân rộng, xây dựng, hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Đồng thời, đẩy mạnh những hoạt động kết nối hàng Việt với các chuỗi phân phối, hệ thống bán lẻ tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, có tiềm năng, thị trường có đông người Việt sinh sống.

Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận động các đơn vị sản xuất, nuôi trồng minh bạch, chủ động cam kết chất lượng và đăng ký tham gia Chương trình Hợp tác Kiểm soát chất lượng hàng hóa với những hệ thống phân phối. Xây dựng các chương trình, đề án hỗ trợ những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn.

Sở Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn các hội, hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký xác lập quyền và thực hiện những biện pháp bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại cho hàng hóa, dịch vụ Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Riêng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) được giao đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trong và ngoài nước; tăng cường giới thiệu và hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường nội địa, kết nối doanh nghiệp thông qua những hệ thống phân phối hiện đại.

khach-mua-hang-tai-go-an-lac-qbinh-tan-6474_96dfcdfe.jpg

TP.HCM xây dựng chuỗi cung ứng bền vững hàng Việt Nam

Đối với UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện sẽ tiến hành vận động những đơn vị sản xuất trên địa bàn chủ động cam kết nâng cao chất lượng hàng hóa với các hệ thống phân phối. Triển khai hiệu quả các giải pháp bình ổn thị trường trên địa bàn; thực hiện nghiêm Quy chế Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố; chủ động, tích cực hỗ trợ, xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tham gia thực hiện Chương trình và đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân không tiêu dùng sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không đảm bảo chất lượng; nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm kinh doanh tại những điểm - khu vực kinh doanh tự phát.

Mặt khác, chủ động, tích cực triển khai những hoạt động kết nối cung cầu trên địa bàn; rà soát, lựa chọn doanh nghiệp sản xuất, cung ứng có uy tín để hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị tham gia Chương trình Kết nối cung cầu của Thành phố như kết nối, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, kết nối cung cầu trực tuyến thông qua website: www.ketnoicungcau.vn, tham gia Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2024.

Bên cạnh đó, tích cực truyền thông, hưởng ứng và triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng, khuyến mại tập trung, vận động doanh nghiệp sản xuất, thương nhân đang kinh doanh tại chợ, trung tâm thương mại, siêu thị và người dân trên địa bàn tham gia chương trình; hưởng ứng “ngày không tiền mặt”, những chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, kết nối tiểu thương, phổ biến kiến thức thương mại điện tử, thúc đẩy các hình thức thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt và chứng từ điện tử.

Nguồn: Báo DNSG