Xuất khẩu khởi sắc, cán cân thương mại thặng dư trên 2,8 tỷ USD
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố sáng 28/2, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2023 đạt 49,46 tỷ USD, tăng 6,1% so với tháng trước và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung hai tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 96,06 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10,4%; nhập khẩu giảm 16%. Cán cân thương mại hàng hóa hai tháng đầu năm 2023 xuất siêu 2,82 tỷ USD.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa hai tháng đầu năm 2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Cụ thể, về xuất khẩu, trong tháng 2/2023 đạt 25,88 tỷ USD, tăng 9,8% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,08 tỷ USD, tăng 11,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19,8 tỷ USD, tăng 9,3%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2023 tăng 11%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 5,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 12,7%.
Tính chung hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 11,52 tỷ USD, giảm 21,1%, chiếm 23,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 37,92 tỷ USD, giảm 6,6%, chiếm 76,7%.
Trong hai tháng đầu năm 2023 có 08 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 69,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 03 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 45,9%).
Trị giá một số mặt hàng xuất khẩu hai tháng đầu năm 2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu hai tháng đầu năm 2023, hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 652 triệu USD, chiếm 1,3%; hàng công nghiệp chế biến ước đạt 44,38 tỷ USD, chiếm 89,8%; hàng nông sản, lâm sản ước đạt 3,4 tỷ USD, chiếm 6,9%; hàng thủy sản ước đạt 1,01 tỷ USD, chiếm 2%.
Từ chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2023 đạt 23,58 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,7 tỷ USD, tăng 2,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 15,88 tỷ USD, tăng 2,3%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2023 giảm 6,7%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 7,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 6,4%.
Tính chung hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 46,62 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 15,21 tỷ USD, giảm 17,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 31,41 tỷ USD, giảm 15,3%.
Trong hai tháng đầu năm 2023 có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 69,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 39,3%).
Trị giá một số mặt hàng nhập khẩu hai tháng đầu năm 2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu hai tháng đầu năm 2023, hàng tư liệu sản xuất ước đạt 43,64 tỷ USD, chiếm 93,6%, trong đó hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 46,3%; hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 47,3%. Hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 2,98 tỷ USD, chiếm 6,4%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa hai tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 13,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 14,6 tỷ USD. Trong hai tháng đầu năm 2023, xuất siêu sang EU ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 6,4 tỷ USD, giảm 39,8%; nhập siêu từ Hàn Quốc 4,7 tỷ USD, giảm 27,2%; nhập siêu từ ASEAN 1,5 tỷ USD, giảm 23,9%; nhập siêu từ Nhật Bản 237,2 triệu USD, tăng 4,5%.
Thị trường xuất, nhập khẩu hàng hoá chủ yếu hai tháng đầu năm 2023. Nguồn: Tổng cục Thông kê.
Như vậy, với kết quả trên, tháng 2/2023 xuất siêu 2,3 tỷ USD. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 2,82 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,3 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,69 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 6,51 tỷ USD.
Mặc dù, hoạt động xuất khẩu trong tháng 2/2023 đã cho thấy những tín hiệu khởi sắc, song mục tiêu tăng trưởng 6% cho cả năm 2023 vẫn đang đứng trước nhiều thách thức.
Thứ nhất, kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới và của Việt Nam, như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… Trung Quốc dù mới chấm dứt chính sách zero-Covid, nhưng vẫn tồn tại nhiều yếu tố phức tạp và tình hình dịch Covid-19 cũng còn diễn biến khó lường.
Thứ hai, những cú sốc về chuỗi cung ứng làm giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao. Theo đó, giá thành sản xuất hàng hoá ở mức cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước.
Thứ ba, trên thế giới, tình hình lạm phát tăng cao, tồn kho cao, ảnh hưởng đến sức cầu nhập khẩu hàng hoá của người tiêu dùng, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước phát triển, điển hình như: dệt may, da giày…
Tuy vẫn phải đối mặt với không ít thách thức, song hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn có những thuận lợi nhất định. Đó là Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có độ mở lớn, có tới 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và có hiệu lực. Nếu khai thác hiệu quả, thì đây chính là thế mạnh trong thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu; cùng với việc các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các FTA.
Nguồn: TBKTVN